Sang Lào gặp 'thủ lĩnh' mô hình kinh tế mới

Người được các Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP)xây dựng kinh tế mới ở Nghệ An tôn vinh “thủ lĩnh” là anh Nguyễn Trọng Cảnh. Sau 7 năm gặp lại, anh vẫn đậm chất quê kiểng, nhất là bản tính “đi làm mô hình kinh tế mới là sướng nhất” ngày càng được khẳng định ở con người anh.

Được chỉ định sang Lào

Sau mô hình chè Tuyết Shan năm 2002 của Tổng đội TNXP 8 ở xã rẻo cao Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thành công với mức 50 triệu đồng/ha/năm, Nguyễn Trọng Cảnh được tỉnh đoàn Nghệ An chuyển sang làm Tổng đội trưởng Tổng đội 9 ở xã Na Ngoi (cũng thuộc huyện này) để trồng chè Tuyết Shan là cây chủ lực. Khi chè Tuyết Shancủa Na Ngoi cho thu hoạch không kém ở Huồi Tụ, anh lại nhận lệnh di chuyển tiếp sang Tổng đội 10 ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương để mở hướng trồng 50 ha chanh leo xuất khẩu. Anh tính, nếu một ký chanh leo chỉ cho 10.000 đồng thôi thì những khu rừng hoang sẽ cho tổng đội bộn tiền vì một ha cho thu hoạch đến trên 100 triệu đồng/năm.

Thanh niên Việt – Lào đang trồng dứa

Đang làm Tổng đội trưởng Tổng đội 10 thì Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Nghệ An chỉ định Cảnh sang bản Noọng Cọc, huyện Cam Kớt, tỉnh Bô ly Khăm Xay (Lào) để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp cho Làng Hữu nghị thanh niên biên giới Lào – Việt. Thế là, bắt đầu từ tháng 7, anh như “một nách hai con” khi ở Việt chỉ đạo Tổng đội 10, khi sang Lào với ngôi làng mới của thanh niên biên giới Lào – Việt. Dẫn tôi đi tham quan, anh cho hay mục tiêu của làng này nhằm thu hút thanh niên và 50 hộ gia đình trẻ tại địa phương có tinh thần xung kích tình nguyện để lập nghiệp lâu dài, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tiếp chuyện, anh Som Sỷ, Trưởng ban Quản lý dự án làng thuộc Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng (TNNDCM) Lào cho biết thêm: “Làng còn có mục tiêu khai thác tiềm năng đất đai bỏ hoang lâu nay để trồng trọt, chăn nuôi cây và con có giá trị kinh tế hàng hóa. Từ đó, xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình thanh niên thành khu dân cư mới, bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp cận mô hình nông lâm nghiệp của anh Cảnh để ứng dụng và chuyển giao cách làm cho những người trẻ trong làng và cho nhân dân địa phương cùng các vùng lân cận”.

Mô hình phải tạo niềm tin

Theo kinh nghiệm từ ba mô hình đã trải qua, anh Cảnh chọn 6 đội viên có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi nhất của tổng đội 10 đưa sang Lào. Hôm đầu tiên sang đến thị trấn Lạc Sao (Bô ly khăm xay) ngồi ăn cơm trưa anh nghĩ ngay đến việc vào chợ mua một cái tủ lạnh để bảo quản thịt heo và rau đưa từ Việt sang. Được vài tuần rau hết, các đội viên thay nhau đi chợ Na Hín, xa khoảng 30 km để tìm mua rau. Đó cũng là thời điểm các loại rau cải, hành tỏi, mướp đắng, bí xanh, bí đỏ đã lên xanh trong hơn 1.000m2 vườn ươm của một góc mô hình.

Thấy người Việt trồng rau thay vì phải đi mua rau ở chợ xa dân bản Noọng Cọc đến xem cách chăm sóc ngày một đông. Hôm rau tốt, bà con đến xem được các đội viên hái tặng. Cũng vừa dịp hàng trăm đoàn viên thanh niên Lào về Làng tập huấn được anh Som Sỷ dẫn ra vườn ươm tham quan. Anh Cảnh cho hay, diện tích đất của mô hình trình diễn nông lâm nghiệp rộng 34 ha. Trừ 13 ha trồng cao su của một doanh nghiệp ở Hà Tĩnh còn lại 13 ha cây gió trầm và keo, 1,1 ha vải thiều, 1 ha sắn và 3,4 ha đồi dứa do các đội viên xây dựng mô hình. Cách làm để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật của anh là kết hợp với 6 thành viên của Ban Quản lý dự án làng để cùng làm. “Mình xây dựng mô hình trình diện nghĩa là đi giúp bạn cách làm thì phải cụ thể đến từng động tác. Làm cho dân tận mắt thấy sản phẩm thì dân mới tin”. Anh Cảnh nêu kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Trọng Cảnh (ngoài cùng bìa trái) đang hướng dẫn các đội viên Ban Quản lý dự án Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Việt – Lào

Hôm chúng tôi cùng các đội viên lên đồi trồng dứa thấy anh Nguyễn Hữu Quỳnh, Đội trưởng đội TNXP dậy nấu cơm từ lúc 4g30. Ăn sáng xong, 5g30 mọi người đã vác cuốc, gánh cây dứa giống lên đồi. Vừa lúc đội viên của Ban Quản lý dự án làng cũng có mặt. Từ đó đến trưa, không thấy ai nghỉ tay hoặc ngồi bóng mát mặc cho mùa khô bắt đầu đổ xuống giữa rừng Lào. Anh Som Sỷ nói với tôi bằng tiếng Việt khá dí dỏm: “Nhìn anh chị em thanh niên Việt – Lào cuốc hố, trồng từng gốc dứa thẳng hàng, tôi cứ liên tưởng giống bầy ong cần mẫn đi tìm mật”. Còn anh Cảnh cho hay: “Khoảng hết tháng 12,chúng tôi sẽ bàn giao mô hình này cho Ban Quản lý dự án làng thì anh Som Sỷ lại tiếp tục công việc và mở rộng trên hàng trăm ha xung quanh ngôi làng. Tôi tin rằng sức sống của ngôi làng sẽ làm cho vùng rừng này không còn hoang vắng”.

Mô hình góp phần gắn kết tình hữu nghị hai dân tộc.

“Dự án Làng hữu nghị thanh niên biên giới Lào – Việt do trung ương Đoàn làm chủ đầu tư. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tạo điều kiện cho thanh niên và nhân dân các vùng lân cận đến học tập kinh nghiệm và làm theo. Thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực để cán bộ đoàn TNNDCM Lào nhân rộng trong phong trào thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế – xã hội,góp phần giải quyết việc làm, đoàn kết tập hợp thanh niên các bộ tộc Lào. Từ đây, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Đoàn thanh niên hai nước và hai dân tộc Việt Nam – Lào. Chúng tôi đặt niềm tin vào mô hình nông lâm nghiệp do đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh trực tiếp thực hiện sẽ đem lại hiệu quả tốt”.

(Bà Trần Minh Huyền, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Trung ương, Giám đốc Ban quản lý dự án).

Vũ Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/sang-lao-gap-thu-linh-mo-hinh-kinh-te-moi/