Sáng tạo nghệ thuật hay bệnh hoạn?

Cho tới nay dư luận dân chúng Trung Quốc vẫn xôn xao và bàng hoàng về một trong “10 Sự kiện lớn hội họa Trung Quốc năm 2009”. Đó là tập tranh sơn dầu 30 bức khỏa thân “Nữ thần núi rừng Phương Đông” của Họa sĩ Lý Tráng Bình.

Cho tới nay dư luận dân chúng Trung Quốc vẫn xôn xao và bàng hoàng về một trong “10 Sự kiện lớn hội họa Trung Quốc năm 2009”. Đó là tập tranh sơn dầu 30 bức khỏa thân Nữ thần núi rừng Phương Đông của Họa sĩ Lý Tráng Bình tham gia Triển lãm Xuân 2009 tại Bắc Kinh. Cha con họa sĩ Lý Tráng Bình bên tác phẩm Nữ thần núi rừng Phương Đông Họa sĩ Lý Tráng Bình 61 tuổi, người huyện Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2009, ông mang bộ tranh Nữ thần núi rừng phương Đông tới thủ đô Bắc Kinh tham gia triển lãm đầu Xuân. Câu chuyện sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu tờ Trùng Khánh buổi sáng không phát hiện ra rằng, “nữ thần” trong bộ tranh này chính là con gái của họa sĩ. Cô Lý Cần, 23 tuổi, đã tự nguyện khỏa thân làm người mẫu cho cha vẽ tranh. Vậy là dư luận xôn xao bàn tán cho tới nay, vì câu chuyện này liên quan đến nhiều vấn đề như nghệ thuật, luân lý, thuần phong mỹ tục, giải phóng tình dục... Một bài viết được đăng trên trang web art99.com hồi tháng trước bày tỏ quan điểm: “Việc người ta khỏa thân làm mẫu cho các sinh viên và họa sĩ vẽ là chuyện bình thường nhằm thể hiện cái đẹp của cơ thể con người. Sự cống hiến cho nghệ thuật của họ rất đáng trân trọng. Nhưng việc một cô gái đã trưởng thành cởi hết quần áo trước mặt cha ruột để làm mẫu thì thực sự bại hoại, không thể chấp nhận được, cho dù họa sĩ thanh minh rằng không hề có ý nghĩ tà dâm. Trung Quốc là nước có 5.000 năm lịch sử văn minh, nên chúng ta không thể không tôn trọng luân lý và đạo đức gia đình. Hành vi của Lý Tráng Bình là sự xúc phạm nghệ thuật chứ không phải sáng tạo. Cứ đà này, thời gian tới đây sẽ có nữ họa sĩ Trung Quốc cũng bảo con trai đã trưởng thành khỏa thân trước mặt mình để sáng tác. Như vậy còn gì là thuần phong mỹ tục”. Tờ Trùng Khánh buổi sáng mới đây cũng dẫn phát biểu của một nhà xã hội học: “Nghệ thuật phải giúp tâm hồn con người đẹp hơn, nhưng sự kiện này làm chúng ta cảm thấy thực sự nhức nhối, khó chịu. Xét về khía cạnh luân lý thì hành vi này là không chính đáng, dư luận xã hội phải lên án cho dù họa sĩ có biện bạch như thế nào đi nữa. Ông ta đã biến xưởng vẽ của mình trở thành một kiểu nhà thổ. Vậy đây là sáng tạo nghệ thuật hay loạn luân?”. Tờ Straits Times của Singapore, nơi có khoảng 80% dân số là người Hoa, vừa qua đã đăng bài “Cuộc cách mạng về tình dục hay là sự cùng quẫn?”. Bài báo viết: “Dư luận Trung Quốc thời gian qua đã nhắc nhiều đến scandal của họa sĩ Lý Tráng Bình ở Tứ Xuyên. Vốn là một họa sĩ tỉnh lẻ chẳng mấy ai biết tới nhưng chỉ một ngày sau khi sự kiện này bị phanh phui, tên của ông ta chẳng những “nổi lên” ở trong nước mà cả trên thế giới. Đa số dư luận Trung Quốc cho rằng đây là một hành vi bệnh hoạn khoác cái vỏ sáng tạo nghệ thuật để tìm kiếm sự nổi tiếng. Tuy nhiên cũng có một vài người đưa ra ý kiến bảo vệ Lý Tráng Bình. Theo họ, Trung Quốc đã tiến hành mở cửa 30 năm, có rất nhiều đột phá và đây là một sự đột phá trong nghệ thuật”. Cát Đình Đình, một chuyên gia người Mỹ gốc Hoa nghiên cứu về giới tính và tình dục ở Trung Quốc, nói: “Đối với người Trung Quốc, đây là thời kỳ vừa phấn chấn vừa bế tắc. Trong 30 năm cải cách, Trung Quốc học hỏi được nhiều từ phương Tây, nên quan niệm về giới tính và tình dục đã có thay đổi to lớn. Nhiều cô gái hiện rất buông thả, dễ dàng có quan hệ tình dục, thậm chí còn công khai bộc lộ những quan hệ này của mình. Nhưng vẫn có nhiều cô gái giữ nề nếp truyền thống văn hóa hôn nhân. Vì vậy, việc xuất hiện những ý kiến trái chiều về hành vi của cha con họa sĩ Lý Tráng Bình là điều tất nhiên”. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Lý Tráng Bình biện bạch: “Cách đây 6 năm, tôi đã có kế hoạch sáng tác bộ tranh Nữ thần núi rừng phương Đông. Khi đó, tôi nảy ra ý định dùng con gái mình làm mẫu và được vợ ủng hộ. Bởi vì, ngay từ lúc Lý Cần 9 tuổi, tôi đã quản lý nó rất chặt, không để tiếp xúc linh tinh với bạn bè, đồng thời cũng dạy cho con vẽ tranh. Lý Cần còn trong trắng, như vậy rất phù hợp với chủ đề Nữ thần núi rừng phương Đông của tôi. Tuy nhiên, kể từ khi báo chí tiết lộ thông tin trên, dư luận phê phán rất gay gắt và nhiều tạp chí khiêu dâm của nước ngoài đã đăng ảnh con gái tôi. Điều này gây sức ép tâm lý lớn và dồn con gái tôi tới chỗ gần như tuyệt vọng. Lý Cần rất ngại ra đường, gặp gỡ bạn bè và thậm chí không dám tới thăm họ hàng thân thích. Suốt ngày nó đóng cửa một mình trong nhà và khóc”. Cha con họa sĩ Lý Tráng Bình Lý Tráng Bình khẳng định rằng: “Tôi không vì sự phê phán này mà chùn bước, sắp tới tôi tiếp tục sáng tạo một số đề tài về con gái như tập tranh có tựa đề ‘Cô gái rồng xanh’ và ‘Hoa tiên nữ’”. Ông còn cho biết hiện có nhiều nhà sưu tầm tranh đặt mua tập tranh Nữ thần núi rừng Phương Đông với giá rất cao. Ngoài ra, rất nhiều cơ quan báo chí và truyền hình các nước chi khoản tiền hậu hĩnh mời cha con tới Bắc Kinh và ra nước ngoài phỏng vấn, nhưng cha con ông đều từ chối. Còn cô Lý Cần, con gái họa sĩ ngậm ngùi nói: “Tưởng rằng cống hiến cho nghệ thuật, nào ngờ bị lên án và phê phán gay gắt. Giờ đây, tôi không còn mặt mũi nào nhìn mọi người, ra đường cứ nơm nớp, thấp thỏm lo sợ và cảm thấy mình luôn bị rình rập, bị quay phim chụp ảnh làm đề tài cho những chuyện xấu xa. Chỉ cần nhìn thấy ống kính phóng viên là tôi sợ bắn người như bị điện giật”. Báo chí Trung Quốc cho rằng Sự kiện này chẳng những gây chấn động dư luận trong và ngoài nước năm 2009 mà sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2010 và những năm sau. Bởi lẽ, đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc vì nó chẳng những là vấn đề nghệ thuật mà còn đụng chạm tới nhiều góc cạnh của xã hội, đạo đức, luân lý gia đình, thuần phong mỹ tục cũng như cuộc sống và sinh hoạt tình dục giới tính. Kiều Tỉnh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20100228091417851t133/sang-tao-nghe-thuat-hay-benh-hoan.htm