Sáng tạo thu hút nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông vận tải

(Baonghean) - Năm 2016, ngành Giao thông Vận tải Nghệ An đã tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đồng chí Huỳnh Thanh Điền cùng lãnh đạo Sở GTVT và các ngành, địa phương kiểm tra thực địa thi công đường N5. Ảnh Nguyên Sơn

Dấu ấn các công trình trọng điểm

Một trong những dấu ấn của ngành Giao thông Vận tải Nghệ An trong năm 2016 là tích cực kêu gọi thu hút, sáng tạo lồng ghép các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình dở dang và triển khai một số dự án mới. Năm 2016, sản lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông do Sở GTVT làm chủ đầu tư ước đạt 1.100 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 928,003 tỷ đồng.

Trong đó, phải kể đến những công trình quan trọng như: Hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 1A đến thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn. Đây là tuyến đường quan trọng, kết nối các huyện miền núi phía Tây Bắc với khu vực đồng bằng của tỉnh, phục vụ các nhà máy lớn trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực tỉnh Nghệ An nói riêng, Nam Thanh - Bắc Nghệ nói chung.

Dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2016 là khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Yên Xuân nối đôi bờ sông Lam, liên thông 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, xóa thế cô lập về giao thông đường bộ khu vực phía Tây Nam xứ Nghệ và Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh; khởi động cầu Cửa Hội; đưa vào khai thác sử dụng Dự án nâng cấp QL48, QL15A qua Khu di tích Truông Bồn; đường gom phía Tây Quốc lộ 1A đoạn Quán Hành - Quán Bánh; đường du lịch sinh thái núi Đại Huệ. Đồng thời thu hút nguồn vốn của Trung ương, địa phương triển khai mới các dự án quan trọng và hiện đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (đây là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn và được thi công gấp rút trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, đến nay đã thông tuyến); cầu vượt tại nút giao tuyến QL48E với Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam. Sở GTVT tích cực chắp nối tham mưu UBND tỉnh làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bố trí nguồn vốn để sớm triển khai các dự án như: Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền; Vinh - Cửa Lò, Quốc lộ 15, cảng Cửa Lò, cảng Hàng không Vinh, đường cao tốc từ trung tâm Pacxan (Lào) đến cửa khẩu Thanh Thủy, cầu Cửa Hội, dự án LRAMP,...

Cùng với các công trình trọng điểm, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Năm 2016, toàn tỉnh xây dựng mới và nâng cấp được khoảng 802 km đường giao thông nông thôn; tổng kinh phí ước thực hiện khoảng 1.230 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra hiện trường dự án cầu vượt đường sắt D4 được thi công bằng nguồn vốn dư.

Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, giảm sai sót, hạn chế lãng phí, thất thoát, đảm bảo đúng quy trình, quy phạm, chế độ chính sách của Nhà nước, rút ngắn thời gian thẩm định so với quy định. Năm 2016, ước thực hiện thẩm định được 432 hồ sơ các loại (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015), tổng giá trị chủ đầu tư trình thẩm định là 13.000 tỷ đồng, qua thẩm định giảm được 101,1 tỷ đồng.

Công tác quản lý chất lượng tiếp tục được tăng cường, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra các dự án do sở làm chủ đầu tư, dự án do các sở và huyện, ngành khác làm chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn.

Nâng cấp trên 600 km Tỉnh lộ thành Quốc lộ

Một trong những thành công của ngành GTVT trong năm 2016 là tham mưu cho Bộ GTVT quyết định nâng cấp 620,4km đường tỉnh thành đường Quốc lộ. Kết quả này cho thấy trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, ngành GTVT đã chủ động, sáng tạo trong nắm bắt thời cơ để thu hút hàng năm từ 400 - 500 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương về với địa phương để đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông này. Cùng với đó, ngành tham mưu UBND tỉnh chuyển một số tuyến đường huyện (với tổng chiều dài là 470 km) lên đường tỉnh, “gỡ khó” về nguồn vốn cho các địa phương. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình Cục Đường thủy nội địa; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia kênh Nhà Lê.

Cán bộ Ban quản lý vốn sự nghiệp Sở GTVT Nghệ An ứng dụng phấn mềm Mobiwork để quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.

Sở cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường huyện, chỉ đạo phối hợp trong công tác đảm bảo giao thông các tuyến đường do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ngành thực hiện quản lý, bảo trì 36 tuyến đường bộ với tổng chiều dài 1.737,5 km (tăng 60% so với năm 2015). Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn như nguồn vốn thiếu, phương tiện vận tải tăng nhanh cả về số lượng và tải trọng,... nhưng do được tăng cường chỉ đạo, phối hợp nên đã khắc phục, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Công tác quản lý hành lang ATGT được chú trọng, việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện các vi phạm được tăng cường. Đặc biệt, Sở tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ. Công tác khắc phục bão lụt được chỉ đạo kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Tiếp tục duy trì ứng dụng phần mềm quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Work One vào công tác quản lý, giám sát; tổ chức hội nghị tập huấn với các tỉnh, thành trên cả nước và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Đột phá trong vận tải, sát hạch đào tạo lái xe

Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, tạo đột phá trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Thực hiện cấp đổi GPLX quốc tế theo chủ trương của Bộ GTVT. Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính trong cấp, đổi GPLX, vận hành hệ thống bấm số tự động tại bộ phận "Một cửa", thực hiện trả GPLX qua dịch vụ gửi bảo đảm, dịch vụ công cấp độ 3; cấp đổi tại bưu điện 21 huyện, thành, thị; thực hiện trả GPLX ô tô ngay sau khi sát hạch đối với các học viên trúng tuyển,... đã tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Năm 2016, ước thực hiện cấp mới, cấp đổi được 155.830 GPLX các loại. Nghệ An là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe qua hệ thống bưu điện. Sở GTVT Nghệ An được Bộ GTVT đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính nhất là trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp đổi GPLX cơ giới đường bộ.

Lĩnh vực vận tải có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng trong quản lý, điều hành, phục vụ và đạt được những kết quả nổi bật so với trước. Trong năm 2016, Sở GTVT đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ và hoạt động hỗ trợ vận tải. Sở triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe, hoạt động vận tải như xử lý vi phạm thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị GSHT, xử lý phương tiện hoạt động trái quy định (xe dù) và xe hết niên hạn sử dụng, kiểm soát giá cước vận tải đối với các đơn vị doanh nghiệp vận tải khách, kiểm soát tải trọng phương tiện; tạo bước chuyển biến tích cực cả về chất và lượng trong quản lý, điều hành, phục vụ, góp phần giảm tai nạn và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Thi công tuyến đường nối đường N5 KKT Đông Nam đến xã Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh: T.L

Các doanh nghiệp đã chú trọng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chủ động đầu tư thêm nhiều phương tiện mới có chất lượng cao, mở rộng các mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội và ngoại tỉnh; mở thêm nhiều tuyến xe buýt mới đến vùng sâu, vùng xa; điều chỉnh tần suất chạy xe phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Phối hợp tổ chức thành công lễ khai trương đường bay Vinh - Nha Trang, Vinh - Bangkok (Thái Lan) nâng tổng số đường bay hiện đang khai thác lên 8 đường bay, thực hiện bình quân 12-14 chuyến bay/ngày, trong đó Vinh - TP. Hồ Chí Minh: 8 chuyến/ngày; Vinh - Hà Nội: 2 chuyến/ngày.

Năm 2016, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1,7 triệu lượt hành khách (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 23,3%); doanh thu ước đạt 50,3 tỷ đồng. Vận tải đường biển tiếp tục phát triển. Năm 2016, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 3,1 triệu tấn (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 6,7%), doanh thu đạt 165 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 2,5%).

Lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ được thực hiện trên thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm định, bảo đảm chất lượng kiểm định. Thực hiện công tác cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, giảm phiền hà, đảm bảo thuận tiện phục vụ tốt cho nhân dân, thường xuyên quan tâm ngăn ngừa các hành vi vi phạm của cán bộ, viên chức,… Lắp đặt đầy đủ hệ thống camera giám sát, công khai quy trình kiểm định ở 2 cơ sở trực thuộc sở; triển khai đăng ký đăng kiểm phương tiện qua trang web của trung tâm,… tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức.

Sở quan tâm chỉ đạo công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Thực hiện thu đúng, thu đủ, đảm bảo kịp thời, chính xác. Thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường, tham mưu phân bổ kinh phí, theo dõi quá trình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa đường địa phương sử dụng vốn Quỹ Bảo trì đường bộ.

Công tác thanh tra giao thông được tiến hành thường xuyên, tập trung vào thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATGT và hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, vi phạm hành lang giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, bảo vệ kết cấu công trình giao thông, vi phạm về trật tự an toàn giao thông,… Thành lập các đoàn kiểm tra, ban hành các kế hoạch xử lý xe hết niên hạn sử dụng, đoàn kiểm tra ATGT đường thủy nội địa, xe quá khổ, quá tải,... Năm 2016, đã kiểm tra, xử lý 2.081 tổ chức, cá nhân vi phạm; nộp kho bạc nhà nước với số tiền là 5,1 tỷ đồng. Riêng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 5.952 phương tiện, xử lý 946 trường hợp vi phạm, hạ tải 1.336,4 tấn hàng hóa, tổng số tiền xử phạt 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải lưu động.

Trong năm, sở đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tích cực, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Bên cạnh đó, sở quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính được triển khai trên tất cả các lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính công và công tác chỉ đạo.

Tiếp tục tạo đột phá về giao thông vận tải

Phát huy kết quả đạt được, năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GTVT Nghệ An tiếp tục phấn đấu tạo các bước đột phá về lĩnh vực GTVT. Sở thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách về phát triển GTVT phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng các công trình: đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền; Quốc lộ 48, Quốc lộ 15, cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 46 và Quốc lộ 46B với đường tránh TP. Vinh,... Tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành về kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020, thu hút nguồn vốn để triển khai xây dựng các công trình trong giai đoạn 2016 - 2020: Dự án Vinh – Cửa Lò, cầu Thanh Nam (Con Cuông), đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); đường nối Quốc lộ 48 - Quốc lộ 45; các cầu treo Bến Yên Hòa, Cồn Phối, Thung Nổi…

Sở tiếp tục tích cực phối hợp để sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Cảng Hàng không Vinh, cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi, LRAMP, ODA, BOT, đường giao thông nông thôn, các bến xe, dự án đường vào trung tâm các xã, đường vùng nguyên liệu, đường đô thị, đường du lịch, đường cứu hộ, cứu nạn trong vùng lũ, các bến khách ngang sông, các cầu qua sông thay thế các bến đò, các dự án GTNT huyện, xã, đường từ trung tâm xã đến thôn, bản, các bến xe,… Mở một số đường bay Vinh - Hàn Quốc, Vinh - Phú Quốc,…

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa của Sở GTVT.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tập trung cho công tác quản lý chất lượng, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và sau đầu tư. Tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác quản lý nhà nước về vận tải, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn nữa và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Thực hiện quản lý tốt hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, làm tốt công tác phòng, chống bão lụt, đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi. Triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động vận tải, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo công tác an toàn giao thông. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, chất lượng phương tiện thông qua đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, thuận lợi cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các phần mềm đi đầu về triển khai chính quyền điện tử, điều chỉnh các ban quản lý dự án, thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng Đề án vị trí, việc làm đảm bảo bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả,...

Nguyễn Hồng Kỳ

(Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở GTVT)

Các doanh nghiệp đã chú trọng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chủ động đầu tư thêm nhiều phương tiện mới có chất lượng cao, mở rộng các mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội và ngoại tỉnh; mở thêm nhiều tuyến xe buýt mới đến vùng sâu, vùng xa; điều chỉnh tần suất chạy xe phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Phối hợp tổ chức thành công lễ khai trương đường bay Vinh - Nha Trang, Vinh - Bangkok (Thái Lan) nâng tổng số đường bay hiện đang khai thác lên 8 đường bay, thực hiện bình quân 12-14 chuyến bay/ngày, trong đó Vinh - TP. Hồ Chí Minh: 8 chuyến/ngày; Vinh - Hà Nội: 2 chuyến/ngày.

Năm 2016, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1,7 triệu lượt hành khách (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 23,3%); doanh thu ước đạt 50,3 tỷ đồng. Vận tải đường biển tiếp tục phát triển. Năm 2016, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 3,1 triệu tấn (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 6,7%), doanh thu đạt 165 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 2,5%).

Lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ được thực hiện trên thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm định, bảo đảm chất lượng kiểm định. Thực hiện công tác cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, giảm phiền hà, đảm bảo thuận tiện phục vụ tốt cho nhân dân, thường xuyên quan tâm ngăn ngừa các hành vi vi phạm của cán bộ, viên chức,… Lắp đặt đầy đủ hệ thống camera giám sát, công khai quy trình kiểm định ở 2 cơ sở trực thuộc sở; triển khai đăng ký đăng kiểm phương tiện qua trang web của trung tâm,… tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức.

Sở quan tâm chỉ đạo công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Thực hiện thu đúng, thu đủ, đảm bảo kịp thời, chính xác. Thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường, tham mưu phân bổ kinh phí, theo dõi quá trình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa đường địa phương sử dụng vốn Quỹ Bảo trì đường bộ.

Công tác thanh tra giao thông được tiến hành thường xuyên, tập trung vào thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATGT và hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, vi phạm hành lang giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, bảo vệ kết cấu công trình giao thông, vi phạm về trật tự an toàn giao thông,… Thành lập các đoàn kiểm tra, ban hành các kế hoạch xử lý xe hết niên hạn sử dụng, đoàn kiểm tra ATGT đường thủy nội địa, xe quá khổ, quá tải,... Năm 2016, đã kiểm tra, xử lý 2.081 tổ chức, cá nhân vi phạm; nộp kho bạc nhà nước với số tiền là 5,1 tỷ đồng. Riêng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 5.952 phương tiện, xử lý 946 trường hợp vi phạm, hạ tải 1.336,4 tấn hàng hóa, tổng số tiền xử phạt 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải lưu động.

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201701/sang-tao-thu-hut-nguon-von-phat-trien-ha-tang-giao-thong-van-tai-2778131/