Sáng tạo trong doanh nghiệp và lý do miếng dán hình 'con ruồi' có mặt trên bồn tiểu

'Thế giới đã, đang và sẽ liên tục thay đổi. Đây là thế giới toàn cầu. Những gì chúng ta đang làm ở đây thì đã có ai đang làm ở Ấn Độ, Trung Quốc rồi… Nếu không tạo thêm giá trị gia tăng, chúng ta sẽ nhanh chóng bị vượt'.

Chuyên gia Jaime Amsel.

Ông Jaime Amsel, CEO Poiesys Ltd, Chuyên gia Israel về Đổi mới sáng tạo đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyên với BizLIVE.

Chuyên gia Jaime Amsel cho rằng, đổi mới sáng tạo chính là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi rất nhiều công ty rất đầu tư cho vấn đề này thì một số khác lại lảng tránh.

Vì sao lảng tránh ư? Ông Jaime Amsel cho biết đó chính là do sự e ngại rủi ro. Không chỉ là vấn đề chi phí mà chủ yếu do yếu tố tâm lý. Hậu quả nhiều công ty bị đào thải khỏi thị trường hoặc bị mua lại bởi những doanh nghiệp khác vì chậm đổi mới.

“Thế giới đã, đang và sẽ liên tục thay đổi. Đây là thế giới toàn cầu. những gì chúng ta đang làm ở đây thì có ai đang làm ở Ấn Độ, Trung Quốc rồi… Nếu không tạo thêm giá trị gia tăng, chúng ta sẽ nhanh chóng bị vượt”, ông Jaime Amsel nói.

Vị chuyên gia Isarel cũng cho rằng, sáng tạo đổi mới trong doanh nghiệp không nhất thiết cứ phải là những thứ to tát, đôi khi nó chỉ đơn giản thôi.

Dẫn chứng cho điều này, ông Jaime Amsel nói: Các công ty nhựa ở Isarel buộc phải cạnh tranh với các công ty ở khác, đặc biệt là những doanh nghiệp Trung Quốc để có thể xuất khẩu vào châu Âu.

Chính sức ép này khiến các công ty nhựa luôn phải cố gắng cạnh tranh. Một công ty mà ông Jaime Amsel biết, họ có một bộ phận để quản lý sự đổi mới sáng tạo. Bộ phận này có nhiệm vụ theo dõi và sẽ trao giải thưởng cho những nhân viên ở bộ phận nào đó có ý tưởng sáng tạo.

“Trong công ty này, có một đội phụ trách xe nâng, những người lái xe họ đã đưa ra ý tưởng đóng gói hoàn hảo nhất để mỗi lô có thể nhiều hơn 2% hàng hóa so với thông thường. Con số 2% nghe rất là nhỏ nhưng với nhiều chuyến xe thì đó lại con số rất đáng kể”, chuyên gia Isarel nói.

Hay một câu chuyện khác ở công ty may mặc thời trang. Ở công ty này, ông Jaime Amsel cho biết, họ may các bộ vest dành cho các quý ông.

Vậy làm thế nào để tạo nên sự khác biệt khi trên thị trường có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giống họ? ông Jaime Amsel cho biết họ đã nghĩ ra rất nhiều thay đổi nhỏ trên các bộ vest. Một trong những đổi mới đó là làm ra bộ vest có thể cho vào máy giặt, điều mà trước đó chưa ai làm.

Công ty này còn nghĩ ra thiết kế chiếc túi khá đặc biệt ở mỗi chiếc áo vest. Chiếc túi này có thể để vừa tai nghe, iPad, giúp họ có thể nghe nhạc, đọc bản tin mà không ai có thể phát hiện ra vì cách thiết kế độc đáo.

Một ví dụ khác cũng khá thú vị được ông Jaime Amsel kể đó là việc dán những miếng dán hình con ruồi vào bồn tiểu. Ông Jaime Amsel đặt câu hỏi:

Ở nhà vệ sinh một số nơi, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao bồn tiểu nam giới lại xuất hiện hình con ruồi bên trong không? Ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu tiết kiệm thời gian lau rửa, chi phí nhân công cho việc dọn dẹp nhà vệ sinh.

Vậy tại sao dán một con ruồi lên bồn tiểu lại làm giảm khả năng “vương vãi” ra xung quanh? Thậm chí có thể giảm thiểu việc “vương vãi” tới 80%.

Vị chuyên gia lý giải: Con ruồi đó chính là mục tiêu của các quý ông. Đàn ông luôn cần mục tiêu. Khi đi vệ sinh, họ nhắm vào mục tiêu đó như một nhu cầu. Sáng tạo này dựa trên nghiên cứu khoa học hành vi của con người. Miếng decal rất rẻ tiền, chi phí chẳng đáng bao nhiêu nhưng hiệu quả thu lại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp khi áp dụng.

Làm sao để nhân viên hứng thú sáng tạo?

Theo chuyên gia Jaime Amsel, sáng tạo không chỉ là công việc của các “sếp”. Điều quan trọng đó là làm sao để các nhân viên có hứng khởi đổi mới sáng tạo.“Không thể bắt ép một nhân viên là hãy sáng tạo đi. Chúng ta chỉ có thể thu hút và tạo động lực để họ có thể sáng tạo. Hãy tạo ra môi trường để họ có thể “chơi” với các ý tưởng và thoải mái sang tạo”, ông Jaime Amsel nói.

Để có động lực sáng tạo, theo ông Jaime Amsel, vấn đề không hẳn là giá trị, giải thưởng. Thực chất nhân viên luôn có tâm lý được sáng tạo. Do vậy đôi khi không phải là giá trị tiền bạc mà là chính sự ghi nhận của người khác. Họ cảm thấy tự hào khi mọi ng nói “chính anh/ chị này đã nghĩ ra ý tưởng đó đấy”.

Chuyên gia Isarel cũng cho biết, trong quá trình làm việc không ít người sợ thất bại. Một môi trường kém sáng tạo là khi sếp luôn thúc giục bảo nhân viên tập trung làm việc đi, đừng nghĩ đến các ý tưởng khó khả thi.

“Trong khi đó, nếu sếp nói hãy thoải mái với những ý tưởng đi, đừng ngại thất bại thì có thể tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Đừng nghĩ việc này mạo hiểm quá. Bởi hầu hết những đổi mới sáng tạo đều có sau nhiều lần hất bại. Thành công chỉ chiếm khoảng 20% trong vô số những ý tưởng chúng ta nghĩ ra”, ông Jaime Amsel nói và ví dụ việc này cũng tương tự như việc học đi xe đạp.

Lúc đầu có thể ngã rất nhiều lần những sau đó người ta cũng học lái được. Nếu mới chỉ vấp ngã lần đầu đã bỏ cuộc thì không bao giờ chúng ta biết đạp xe. Hay cũng giống như con chim, chưa bay ra ngoài bầu trời vì luôn nghĩ tới những điều mạo hiểm, ông Jaime Amsel nhấn mạnh.

3 bước sáng tạo không gian làm việc hiệu quả

CEO Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh: Làm không tốt thị trường sẽ đào thải, không cần ai can thiệp!

Sếp Thế giới Di động: Không quan tâm đối thủ, trở thành tập đoàn tỷ USD nhờ một ý tưởng

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/sang-tao-trong-doanh-nghiep-va-ly-do-mieng-dan-hinh-con-ruoi-co-mat-tren-bon-tieu-2604638.html