Sao lại đề xuất bỏ những điều có lợi cho lao động nữ?

'Lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh, được nghỉ 60 phút khi nuôi con nhỏ và vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động' là những quy định sẽ bị bãi bỏ trong Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 (dự kiến bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018 và thay thế Bộ luật Lao động 2012). Như vậy, nếu Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 được Quốc hội thông qua thì phần nào quyền lợi của lao động nữ bị 'cắt giảm' so với quy định hiện hành.

Lao động cần có những chính sách ưu tiên để chăm sóc gia đình, con cái và tâm lý thoải mái để làm tốt công việc.

Lao động cần có những chính sách ưu tiên để chăm sóc gia đình, con cái và tâm lý thoải mái để làm tốt công việc.

Chưa kịp thực thi đã bị đề xuất bỏ

Theo quy định tại khoản 5 điều 155 Bộ Luật Lao động 2012 quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Nội dung trên được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP.
Như vậy, khi Bộ Luật Lao động 2012 có các điều khoản có lợi cho lao động nữ có hiệu lực vào ngày 1.5.2013, ngày 1.10.2015, Chính phủ mới có Nghị định quy định cụ thể về việc thực hiện các quy định này, hiệu lực thi hành là ngày 15.11.2015. Như vậy, cho đến khi Dự thảo về sửa đổi Bộ Luật lao động 2017 được công bố và lấy ý kiến thì các doanh nghiệp mới chỉ có khoảng 1 năm để thực hiện, có doanh nghiệp còn bỡ ngỡ chưa kịp đưa vào nội quy lao động hay thỏa ước lao động tập thể, lao động nữ chưa được hưởng lợi thì quy định này đã có nguy cơ bị…xóa sổ!
Chia sẻ ý kiến về thông tin này, chị Nguyễn Thị Mây, làm việc tại cụm công nghiệp Cát Lái (quận 2, TPHCM) cho rằng, quy định “lao động nữ được nghỉ 30 phút khi hành kinh” được các chị em rất hoan nghênh, thế nhưng chị chưa kịp mừng nay đã nghe sắp bãi bỏ. “Chuyện hành kinh tưởng nhỏ nhưng không phải vậy. Tùy cơ địa mỗi người mà có người mỗi khi bị hành kinh thì khỏe như thường nhưng cũng có người đau bụng đến toát mồ hôi. Hơn nữa, nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, chị em rất dễ bị bệnh phụ khoa. Quy định chị em được nghỉ 30 phút/ngày mỗi khi bị hành kinh là để chị em có thời gian để giữ vệ sinh cho cá nhân, tôi nghĩ đây là điều tốt, không nên bỏ’ – chị Mây nói.
Theo một chuyên gia về giới, việc nữ lao động được nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh, thể hiện sự “thấu hiểu” nỗi khổ, mệt mỏi của chị em trong những ngày “đèn đỏ”. So với nam giới, phụ nữ muốn làm việc tốt cần phải có nhiều sự cảm thông và chia sẻ. Sự chia sẻ, cảm thông đó không chỉ ở trong gia đình mà còn từ nơi làm việc, do đây là vấn đề mang tính đặc trưng của giới.
“Khi Chính phủ ban hành Nghị định 85/2015, trong đó các điều khoản có lợi cho lao động nữ được quy định cụ thể, đặc biệt là quy định chị em được nghỉ 30 phút vào ngày “đèn đỏ”. Khi áp dụng quy định này vào công ty, chủ doanh nghiệp, công đoàn cũng có nhiều băn khoăn bởi chu kỳ, thời gian hành kinh của mỗi chị em là khác nhau, chưa kể mỗi người, mỗi tháng cũng không giống nhau, cho nên bố trí nghỉ như thế nào để hợp lý là khá nan giải. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi cho rằng nên bỏ đi vì thực tế, những ngày hành kinh, nhu cầu được nghỉ ngơi hoặc ít nhất là có thời gian để vệ sinh cá nhân của chị em là có thật” – chị Nguyễn Thị Cơ, phụ trách công tác nữ công tại CĐCS Cty An Mỹ (TPHCM) chia sẻ.

Mẹ sẽ hết được về sớm với con!

Một điều khoản có nguy cơ bị “xóa sổ” nữa nếu Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 được thông qua là “lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ không được nghỉ 60 phút/ngày”.
Có thể nói, phụ nữ đã có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con sau khi khoản 5 trong điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 được ban hành và thực thi. Theo đó, lao động nữ có thể đi trễ hơn 1 giờ hoặc về sớm hơn 1 giờ, hoặc nghỉ trưa thêm 1 giờ để có thời gian chăm sóc cho con và vẫn được hưởng đủ lương. Tuy nhiên, trong Dự thảo Bộ luật Lao động năm 2017, điều khoản trên (khoản 5) sẽ không còn được áp dụng nữa. Cụ thể hơn, theo Dự thảo, lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng sẽ không còn được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc nữa và họ sẽ phải làm việc theo giờ giấc quy định chung của công ty.
“Một người phụ nữ còn độc thân, có con và chưa có con rất khác nhau. Đặc biệt, đối với những người mới lần đầu làm mẹ. Khi chưa có con, vợ tôi luôn đi làm sớm nhất ở công ty nhưng khi có con mọi thứ đảo lộn hết cả. Buổi sáng với hàng đống việc, cho con ăn, chuẩn bị tã áo, sữa, đồ ăn cho con đi nhà trẻ. Đó là tôi đã nhận nhiệm vụ đưa đón con đi nhà trẻ nhưng vợ tôi vẫn không thể nào đi làm đúng giờ. Cho nên với quy định lao động nữ nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút mỗi ngày, vợ tôi đã xin phép được đi làm muộn 30 phút và về sớm 30 phút. Việc này làm cho cô ấy thấy khá thoải mái, việc có con không là một áp lực quá lớn đối với người làm mẹ lần đầu như cô ấy nữa, được vậy, cô ấy sẽ làm việc tốt hơn” – anh Trần Minh Mẫn, làm việc tại quận 3, TPHCM, chia sẻ.
Chị Lý Thu Nga, làm việc tại KCX Tân Thuận (TPHCM) cho rằng, trước đây, mỗi ngày chị dành 10 tiếng trong nhà xưởng và không bao giờ than thở. Nhưng khi có con, đặc biệt là con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chị rất cần thời gian để được ở bên con và chị cũng mong doanh nghiệp, chính sách pháp luật hỗ trợ. Chị bộc bạch: “Hai vợ chồng đều là công nhân, con gửi nhóm trẻ gia đình, cả ngày cứ nơm nớp lo sợ, đón con sớm được chút nào, mừng chút đó, nếu luật mới “cắt” 60 phút đi thì không phải lao động nữ mà chính là con của lao động nữ sẽ thiệt thòi nhất”.

Rất khó khăn để có được sao lại dễ dàng bỏ đi?

Bà Trần Thị Như Phương – Trưởng ban chính sách pháp luật (Hội phụ nữ TPHCM) chia sẻ, pháp luật hiện hành quy định, lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh là một quy định hợp tình hợp lý. Đây là thời gian để chị em vệ sinh cá nhân. Việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp chị em hạn chế các bệnh liên quan đến phụ khoa, đảm bảo sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống. Thực tế hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, việc hạn chế thời gian đi vệ sinh hoặc có những quy định khá ngặt nghèo đối với việc đi vệ sinh của công nhân đã khiến chị em không có thời gian vệ sinh, không có thời gian tối thiểu để giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.
“Bố trí cho lao động nữ nghỉ 30 phút khi hành kinh, nghỉ 60 phút khi nuôi con nhỏ, chủ doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng đến sản xuất nhưng chủ doanh nghiệp hãy nghĩ rằng, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ là chăm sóc giống nòi. Những quy định có lợi cho lao động nữ mà pháp luật hiện hành đang quy định đang tiệm cận đến các công ước quốc tế, chúng ta đã có một quá trình nghiên cứu để có được những quy định này vậy thì tại sao lại dễ dàng bỏ đi” – bà Phương nói.
Một ý kiến khác về các quy định liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ được quy định trong luật, cho rằng, chỉ cần bỏ những từ không cần thiết ví dụ như “doanh nghiệp đảm bảo đủ nhà vệ sinh, nhà tắm, bồn tắm cho lao động nữ”, chỉ cần bỏ chữ “ bồn tắm” ra khỏi luật là được, không nên vì một từ “bồn tắm” không phù hợp mà bỏ tất cả các quy định có lợi cho lao động nữ.
Theo một thành viên tổ biên tập dự án Luật lao động sửa đổi cho rằng, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định trên bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, da giày...Hiện nay, chế độ thai sản 6 tháng cho lao động nữ của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Các quy định nên hài hòa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Nếu ưu tiên quá thì lại trở thành rào cản cho lao động nữ. Bởi khi gánh chi phí sản xuất, tiền đóng bảo hiểm xã hội cao, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm nhân công, không tuyển nữ.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012 đang hiện hành, chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai 7 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Lê An Nhiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/sao-lai-de-xuat-bo-nhung-dieu-co-loi-cho-lao-dong-nu-630261.bld