Sao lãnh đạo Bộ VH-TT&DL lại ký một dự án thế này?

Đông đảo nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc đã tụ về số nhà 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi đặt văn phòng của Hội Điện ảnh Việt Nam để bày tỏ bức xúc và đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.

Đạo diễn Quốc Tuấn: Họ muốn chúng tôi chán nản, bỏ cuộc

Tiếp tục câu chuyện bức xúc sau 2 tháng cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, thể theo đơn kêu cứu của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim Truyện Việt Nam, nay là Công y Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, sáng 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của đông đảo thành viên trong Nam ngoài Bắc.

Nghệ sĩ cảm thấy bị xúc phạm

Ngoài việc bày tỏ các bức xúc về chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm nghề, các nghệ sĩ còn nêu ra sự thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa. Đa số các nghệ sĩ đều khẳng định ủng hộ hoàn toàn việc cổ phần hóa nhưng càng về sau, TCty Vận tải thủy (Vivaso) càng lộ rõ mục đích lấy đất chứ không hề muốn làm nghệ thuật.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, sau khi tham khảo một nhóm luật sư, tập thể nghệ sĩ có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa có nhiều sai phạm. Đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn thậm chí cho rằng phải truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Các nghệ sĩ yêu cầu quá trình này phải minh bạch và tìm được công ty chủ quản có khả năng.

NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, hồi năm 2015, Giám đốc hãng phim Vương Tuấn Đức thành lập tổ giúp việc cho ban cổ phần hóa và gạt bỏ ông Lý Thái Dũng (Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật). Thay vào đó, ông Đức đưa bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức - và một phó phòng tài vụ vào. Tổ giúp việc này - do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng - xác định giá trị thương hiệu và đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của hãng phim bằng không.

+ Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam - tuyên bố Hội sẽ đấu tranh để yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa, lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà cho biết Hội Điện ảnh sẽ trao đổi vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

+ Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết, bản thân ông coi việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam không minh bạch thế này là một “bi kịch”, “thảm họa”. Ông đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu sao lãnh đạo Bộ VH-TT&DL lại đặt bút ký cho một dự án như thế này? Với những con người không hiểu gì về điện ảnh mà lại đi lãnh đạo một Hãng phim thì kết quả sẽ đi đến đâu?”.

NSND Thế Anh bức xúc: “Tại sao khi thành lập tổ giúp việc, tham mưu cho quá trình cổ phần hoá thì 2 phó giám đốc lúc bấy giờ đều là Nghệ sĩ nhân dân nhưng không được vào tổ tham mưu? Các nghệ sỹ cũng chưa từng được hỏi ý kiến về việc liên quan đến cổ phần hoá. Trong khi đó, hơn 400 bộ phim mà Hãng phim Truyện Việt Nam vốn được gọi là “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh Việt, chưa nói về giá trị nghệ thuật mà là máu thịt của anh em nghệ sĩ, là thương hiệu, là liên quan đến sở hữu trí tuệ mà bị định giá là 0 đồng thì là một sự xúc phạm lớn đối với chúng tôi”.

Họ muốn chúng tôi chán nản, xin nghỉ việc

Rất nhiều lần, đạo diễn Quốc Tuấn gạt nước mắt khi chia sẻ với báo chí. Anh cho biết: “Nhiều hành động của nhà đầu tư đang muốn xóa bỏ ký ức về một hãng phim danh tiếng, “bài” mà họ từng làm với các công ty khác.

Bởi họ hiểu, nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm, dễ tự ái. Với “chiêu bài” đó, họ muốn chúng tôi chán nản, sẽ xin nghỉ việc. Nhưng không, chúng tôi vẫn bám trụ. Nhưng đấu tranh mãi hết lần này lần khác không ăn thua, chúng tôi đành phải trông chờ vào báo chí”.

Nhà văn Chu Lai thì gọi việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam như một con “quái thú” và những giọt nước mắt của các anh em nghệ sĩ mà ông chứng kiến như một sự “bất lực” khi sự đấu tranh liên tục mà chưa có kết quả.

Khẳng định về giá trị không thể thay thế của Ngôi nhà số 4 Thụy Khê  - Hà Nội (trụ sở Hãng phim Truyện Việt Nam), nhà văn Chu Lai nói: “Tôi bỏ qua giá trị đất đai ở đây, chỉ tính về giá trị tinh thần, ngôi nhà số 4 Thụy Khê đã đi vào lịch sử dân tộc. Khi nó đứng trên miệng vực phá sản tức là lịch sử điện ảnh Việt Nam đứng trên miệng vực của sự bất hạnh, phá hủy cả một nền văn hóa của dân tộc.

Những bộ phim ra đi từ trụ sở này đã theo chân những người lính ra chiến trường, trên những trận đánh, nó không khác gì bài “Quốc ca”, khi cổ vũ tinh thần của triệu triệu người lính. Chỉ thế thôi, cũng đủ biết giá trị của Hãng phim Truyện Việt Nam như thế nào”.

Thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim Truyện Việt Nam

Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Sau khi lắng nghe các ý kiến của các Bộ, ngành, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam…, Phó Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim Truyện Việt Nam. Kết luận của Phó Thủ tướng đã đáp ứng mong mỏi của nhiều nghệ sĩ trong suốt thời gian qua.

ĐỨC MINH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/sao-lanh-dao-bo-vh-ttdl-lai-ky-mot-du-an-the-nay-post203077.html