Sao phải ngậm ngùi chia tay mì ăn liền?

Gần đây có những thông tin chưa được kiểm chứng khiến người dân lo lắng, quay lưng với mì ăn liền.

Không dám ăn!

Anh N.H.T (24 tuổi, TP.HCM) là kĩ sư phần mềm của một công ty nước ngoài thường thức khuya nên có nhu cầu ăn đêm. Mỳ gói, bắp luộc, khoai nướng, bánh chưng, bánh giò… là những món mẹ chuẩn bị cho anh.

Tuy nhiên, gần đây anh T. không dám ăn mỳ gói nữa vì mẹ bảo “trên mạng người ta nói ăn mì gói không tốt, đừng ăn nữa con ạ”.

“Cả năm nay, dù rất thèm tôi vẫn không ăn mì gói vì nghe nói ăn nhiều bị sạn thận, bị tim mạch do có nhiều Trans fat…Nhiều lúc tôi tự hỏi ăn mì gói mà độc hại thế sao các nước phát triển dân họ vẫn ăn nhiều như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn lo vì không biết sự thật thế nào” - anh T. chia sẻ.

Hiểu đúng về mì ăn liền

PGS.TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cũng cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Codex, lượng Trans fat cho phép ăn vào hằng ngày phải thấp hơn 1% nhu cầu năng lượng. Một người trưởng thành có nhu cầu năng lượng khuyến nghị vào khoảng 2000 kcal/ngày thì để không ảnh hưởng đến sức khỏe, mỗi ngày được phép tiêu thụ nhiều nhất là 20kcal đến từ Trans fat (tương đương 2,2g Trans fat).

Các sản phẩm mì ăn liền hiện nay, khi lưu hành trên thị trường đều phải đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Bộ Y tế quy định. Do đó, người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn các sản phẩm mì ăn liền được cấp phép bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền và chú ý sử dụng chất béo đúng cách.

Cũng theo PGS Bạch Mai, VN hiện chưa qui định bắt buộc công bố hàm lượng Trans fat trên nhãn các sản phẩm chiên rán. Tuy nhiên, nhà sản xuất có thể kiểm soát chất này và công bố để giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn sản phẩm tốt và an toàn cho sức khỏe.

Về thị trường mì ăn liền hiện nay, GS. Đống Thị Anh Đào - Bộ môn Công Nghệ Thực Phẩm Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM cũng cho biết thêm: “Theo kết quả kiểm tra từ Trung tâm 3 (2016), một số sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam có hàm lượng trans fat rất thấp, dưới 0.03g”.

Về thắc mắc nên ăn mì không chiên hay mì chiên, Chuyên gia mì ăn liền Dương Thị Bích Đào cho biết mì không chiên và mì chiên khác nhau về quy trình sản xuất (mì chiên có qua quá trình chiên, còn mì không chiên sử dụng phương pháp sấy nhiệt gió, mục đích chung là để giảm độ ẩm trong vắt mì xuống mức thấp nhất, đối với mì chiên là khoảng 2 - 3%, còn đối với mì không chiên là dưới 11%. Do đó, giúp bảo quản được sản phẩm trong thời gian 5 - 6 tháng ở điều kiện bình thường).

Nhà sản xuất mì ăn liền có thể hạn chế việc tạo Trans fat thông qua kiểm soát quy trình chiên mì như sử dụng dầu chiên được tách lọc tự nhiên bằng tác nhân làm lạnh gián tiếp là nước lạnh; dầu khi chiên được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước (tương tự chưng cách thủy); dầu mới luôn được cung cấp một lượng bằng với lượng đã hao hụt trong suốt quá trình chiên…

Về chất lượng, cả mì chiên và mì không chiên nếu có công bố sản phẩm đầy đủ và được cơ quan Nhà nước cấp giấy “Xác nhận công bố phù hợp qui định an toàn thực phẩm” thì đều an toàn để sử dụng. Mỗi loại mì đều có hương vị đặc trưng, mang lại giá trị cảm quan và tính năng dinh dưỡng riêng, mì không chiên cùng với mì chiên và các sản phẩm bún, miến, phở, hủ tiếu ăn liền… sẽ giúp đa dạng hóa sự lựa chọn của người tiêu dùng. Do đó tùy vào khẩu vị, sở thích mà người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/sao-phai-ngam-ngui-chia-tay-mi-an-lien-352117.html