Sắp có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết Thanh tra Chính phủ đang giúp Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích những người dám đứng ra tố cáo, đương đầu với tham nhũng.

Ngày 28/5, tại Hà Nội, bên lề Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 7, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có cuộc trao đổi với phóng viên thông tấn, báo chí. - Tổng Thanh tra có thể cho biết cuộc chiến chống tham nhũng đang gặp khó khăn gì và giải pháp khắc phuc? Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền: Cái khó trong việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là nhiều người không dám tham nhũng, nhưng chống tham nhũng mà đụng chạm đến lợi ích của mình thì rất ít người đủ dũng cảm tham gia. Do đó, về mặt chính sách, Thanh tra Chính phủ đang giúp Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích những người dám đứng ra tố cáo, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, dám đương đầu với tham nhũng để bảo vệ lẽ phải, chân lý và pháp luật của Nhà nước. Việc này còn là một quá trình, kết hợp vận động, động viên công dân thấy được chống tham nhũng là vấn đề sống còn, là tương lai vận mệnh của đất nước, dù có tổn thương về mặt cá nhân cũng dám đương đầu. Ai cũng có thể nói còn nhiều tiêu cực nhưng ít người chỉ ra được hành vi nào là tham nhũng và ai là người vi phạm. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo nói chung. Tôi cho rằng chống tham nhũng là việc gian khổ, muốn làm được phải dũng cảm, dám đương đầu. - Báo chí gần đây thường nhắc đến câu chuyện thầy Đỗ Việt Khoa đã đấu tranh chống tham nhũng trong ngành giáo dục và hiện nay đã viết đơn xin thôi việc. Đây có thể gọi là hành động “buông xuôi.” Với quan điểm cá nhân, Tổng Thanh tra đánh giá như thế nào về việc này? Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền: Chống tham nhũng và các hành vi trả thù, trù dập người đứng ra chống tham nhũng vẫn còn xảy ra, nhưng hành vi này không thô bạo mà rất tinh vi, tạo ra tâm lý e ngại. Đây là hiện tượng chung. Để khắc phục hiện tượng này, một mặt, người chống tham nhũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Mặt khác, Nhà nước cũng phải có chính sách bảo vệ, ngăn ngừa hành vi trả thù, trù dập người đứng ra chống tham nhũng. Về trường hợp thầy Khoa, phải nhìn nhận cả hai mặt. Việc chống tham nhũng đến cùng là đúng, tích cực. Nhưng bên cạnh đó còn có vấn đề tác động cá nhân. Ở khía cạnh này, thầy Khoa đã thấy được kết quả việc mình làm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu giải quyết đến nơi đến chốn sự việc. Thầy Khoa đã đạt được cái đích mình làm. Nhưng sau này, thầy Khoa lại thấy có ảnh hưởng đến công việc của mình nên thầy Khoa chuyển đi. Đây cũng là quy luật tâm lý bình thường của nhiều người chứ không phải chỉ riêng thầy Khoa. Để giải quyết việc này, cần quan tâm đến vấn đề ý thức trách nhiệm của công dân trong việc chống tham nhũng, trước hết là để bảo vệ lợi ích chung. Điều đó là bản lĩnh. Chính những người làm công tác phòng chống tham nhũng cũng có lúc bị tác động, đe dọa theo cách này hay cách khác. Nhưng đây là sự dấn thân, là tâm huyết thì dù hy sinh cũng chẳng sợ. Xin cảm ơn Tổng Thanh tra! Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/xay-dung-co-che-bao-ve-nguoi-to-cao-tham-nhung/20105/46885.vnplus