Sắp có phương án chính thức thoái vốn nhà nước tại 2 'ông lớn' bia rượu

Đơn vị tư vấn thoái vốn nhà nước đang xây dựng phương án thoái vốn tại Sabeco, Habeco đang hoàn thiện tờ trình phường án thoái vốn. Bộ Công Thương thực hiện việc bán vốn nhà nước dự kiến trong năm 2017.

Ảnh minh họa.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra sáng 14/7, ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) đã đưa ra thông tin mới nhất về phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mã SAB và Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mã BHN.

Theo ông Thắng, giải pháp thoái vốn tại Sabeco, Habeco là hình thức đấu thầu rộng rãi. Trong khi, tờ trình phương án thoái vốn của Habeco sẽ được trình trong tuần tới, phương án trình Bộ Công Thương của Sabeco là trước 31/7. “Bộ Công Thương thực hiện bán vốn nhà nước, dự kiến trong năm 2017”, ông Thắng nói.

Hiện Nhà nước đang sở hữu 89,59% vốn Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai hãng bia này hiện đang chiếm tổng cộng khoảng 60% thị phần bia trong nước trong đó thị phần của Sabeco “áp đảo” với khoảng 40% thị phần.

Sabeco thời gian vừa qua được ví như “cô gái đẹp” khi có nhiều thông tin đưa ra về việc các “đại gia” nước ngoài tính mua cổ phần bia Sài Gòn. Chẳng hạn, Chủ tịch hãng bia lớn nhất Philipplines là San Miguel, ông Ramon Ang mới đây chia sẻ việc tính mua cổ phần Sabeco vì lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam gia tăng với tốc độ ít nhất 10%/năm.

Hồi cuối năm ngoái, tờ Nikkei từng đưa tin, 2 hãng bia là Asahi Group và Kirin Holdings của Nhật Bản cũng cân nhắc việc tham gia đấu giá mua cổ phần của Sabeco. Trước đó, Thai Bev và Heineken đều đã bày tỏ sự quan tâm tới cổ phần của Sabeco.

Trong khi đó, việc thoái vốn tại Habeco đang gặp vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S.

Theo chia sẻ trước đó của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng cho biết, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco và các doanh nghiệp nhà nước lớn khác sẽ được làm từ từ, có lộ trình để không gây xáo trộn thị trường.

Cũng tại cuộc họp báo, liên quan đến phương án thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc Bộ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã trình 3 đề án của PVN, EVN, Vinachem, đề án của TKV hiện đang hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 7/2017.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, đề án của TKV đang được đưa ra lấy ý kiến vì giá than khai thác ngày càng đắt nhưng vấn đề đặt ra là việc làm của hàng nghìn lao động ngành than, “Chúng tôi đang yêu cầu TKV, Tổng cục năng lượng cố gắng hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, để tránh việc thất thoát tài sản trong cổ phần hóa quan trọng nhất là công khai minh bạch và đúng quy định, có sự giám sát của các cấp ngành và các cơ quan chức năng.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/sap-co-phuong-an-chinh-thuc-thoai-von-nha-nuoc-tai-2-ong-lon-bia-ruou-2966247.html