Sáp nhập quận TP.HCM:Bộ Nội vụ ủng hộ, dân lo phiền hà

Bộ Nội vụ ủng hộ đề xuất sáp nhập một số quận/huyện, chuyên gia mong muốn được giữ nguyên tránh phiền hà hoặc lấy ý kiến rộng rãi.

Xung quanh đề xuất của Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo về việc sáp nhập một số đơn vị hành chính trên địa bàn như phường hay quận/huyện để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ bày tỏ ủng hộ.

Trao đổi trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, quan điểm của Bộ là ủng hộ đề xuất của Sở Nội vụ TP HCM sáp nhập một số quận, huyện. Việc này góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, thúc đẩy tinh giản biên chế và giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể gặp khó khăn vì động chạm đến lợi ích của một số cá nhân, không muốn giảm biên chế, chỉ muốn thêm ghế. Tuy nhiên, người dân không nên lo lắng sẽ gặp khó khăn trong giải quyết giấy tờ khi các quận, huyện sáp nhập với nhau. Bởi, các địa phương đều đang xây dựng chính quyền điện tử, có những mô hình, trung tâm hành chính công thuộc UBND quận, huyện.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho báo chí biết, việc sắp xếp lại cán bộ, công chức dôi dư sẽ được thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, phân loại cán bộ. Ai không đáp ứng được yêu cầu thì tạo điều kiện để họ tìm công việc mới. Còn những người đáp ứng được yêu cầu thì giữ lại, thu hút thêm người có năng lực.

Chia sẻ thêm về đề xuất của mình, ông Đỗ Văn Đạo cũng cho hay, việc sáp nhập bị coi là khó khăn, phức tạp bởi "tâm lý thủ trưởng nào cũng muốn quân đông, ban bệ đầy đủ cho oai" nhưng tiền lương cán bộ công chức thấp, không khuyến khích được để làm việc hiệu quả".

"Xu hướng của mình xưa tới giờ là thích tách vì dễ. Tách thì được thêm ghế, thêm vị trí, bố trí con người dễ. Còn nhập sẽ khó hơn nhiều vì sẽ đụng chạm nhiều thứ. Ví dụ đang hai ông chủ tịch thì giờ chỉ còn một ông, hai bí thư còn một..." - ông Đạo nhận định.

Vị Phó GĐ Sở Nội vụ TPHCM cho hay: Sở Nội vụ và Ban tổ chức Thành ủy thành phố được giao nhiệm vụ khảo sát để tham mưu, đề xuất việc sáp nhập. Ngoài ra cũng còn nhiều việc khác nữa phải làm để tinh giản biên chế. Hiện công việc chỉ mới ở bước nghiên cứu, khảo sát nên chưa có lộ trình cụ thể. Bao giờ được Thường trực Thành ủy chấp thuận mới triển khai bước tiếp theo.

"Tổ tham mưu của Sở Nội vụ trước mắt sẽ tham mưu việc sáp nhập các phường. Nhưng theo cá nhân tôi tiến tới cũng phải tính tới quận như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, Phú Nhuận. Những địa phương này chỉ có diện tích từ 4-7 km2, dân số trên dưới 200.000 mà mỗi nơi cũng một bộ máy. Thực tế người ta nói công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về không phải là không có" - ông Đạo chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM), ý tưởng sáp nhập phường, quận ở TPHCM là không mới mà do thành phố từng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị.

"Việc sáp nhập quận huyện với nhau không chỉ hướng tới mục đích tinh giản biên chế mà trên hết là phát triển kinh tế, quản lý đô thị, phục vụ người dân tốt hơn", ông Hòa cho hay.

Đánh giá đây là một đề án lớn, ông Hòa khẳng định thành phố cần sự xem xét tổng thể và xin ý kiến người dân.

Quận 1 và Quận 4 cách nhau chỉ 1 con kênh.

Cũng trên báo chí, bà Lê Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Luật gia quận 6, TP.HCM cho rằng, ý tưởng sắp xếp, sáp nhập một số phường xã, quận huyện trên địa bàn TP trên cơ sở tính toán khảo sát kỹ lưỡng là một đề xuất hợp lý.

"Khi Thành phố đặt mục tiêu phát triển thành đô thị hiện đại, xây dựng TP thông minh thì cần thiết phải tính toán lại mật độ dân cư trên các quận huyện cho cân đối, phù hợp, thuận lợi cho quản lý" - bà Nga nhận định.

Bà Nga cho rằng, bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ mang tới một số phiền phức trong thời gian đầu. Do đó, khi TP quyết tâm triển khai thì phải khảo sát, tính toán thật kỹ, đảm bảo tính khoa học, lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để có được phương án hoàn thiện nhất.

Sáp nhập quận sẽ gây xáo trộn địa lý

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Phan- Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM, việc sáp nhập phường, quận/huyện sẽ gây xáo trộn về địa giới hành chính. Đơn cử như hệ thống tên đường ở TP hiện đã rất lộn xộn, bây giờ còn thay đổi quận huyện, phường xã thì sẽ thêm phần rắc rối. Chỉ một thay đổi nhỏ như đổi tên một con đường là người đi xa về, người tìm đường, tìm nhà đã khốn khổ rồi, huống chi là sắp xếp lại cả một thành phố.

Vị chuyên gia cho rằng, việc bố trí lại địa giới hành chính sẽ gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Cùng đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Hữu Nguyên- ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng, bỏ bớt một quận để giảm biên chế là một cách nhìn nặng về quản lý vĩ mô và mang tính cơ học. Không nên chỉ xét khía cạnh diện tích và dân số mà phải căn cứ vào nhiều giá trị khác như từ kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, chính trị... để cân nhắc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/sap-nhap-quan-tphcmbo-noi-vu-ung-ho-dan-lo-phien-ha-3325951/