Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ: 'Nóng' vấn đề tiếp cận đất đai và lãi suất ngân hàng

Ngày 20-3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) Trung ương về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 làm việc tại Đà Nẵng. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc.

Ngày 20-3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) Trung ương về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 làm việc tại Đà Nẵng. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty Thủy sản Thuận Phước cho rằng, Nghị quyết 35 làm nức lòng DN. Hơn 1 năm trôi qua chỉ thấy phần chuyển động từ phía Chính phủ nhưng các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc một cách chậm rãi. Một phần là nội dung Nghị quyết 35 còn dài, chưa tập trung một số việc cụ thể mà DN cần hiện nay. Chính phủ đề ra, chính phủ kiến tạo, thì buộc các cơ quan chức năng phải bỏ quyền lợi của mình. Ông Lĩnh dẫn chứng ngay như Đà Nẵng, một địa phương luôn dẫn đầu chỉ số PCI nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập đối với DN. Đơn cử như giá đất tăng liên tục và tăng đến 74% sau khi có Nghị quyết 35 đối với các Khu công nghiệp (KCN). Trong khi đó, Nghị quyết 35 nói rằng không tăng giá đất. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng không đưa ra lộ trình bao nhiêu năm thì tăng lại và tăng bao nhiêu phần trăm. Điều này, ảnh hưởng đến lòng tin của DN, đặc biệt là các DN khi vào KCN họ bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, đùng một cái thông báo tăng giá thuê đất và bắt buộc họ phải chấp nhận chứ nếu rút ra cũng không được. “Đừng làm kiểu trên trải thảm, dưới trải đinh”, ông Lĩnh bày tỏ.

Liên quan đến việc DN tiếp cận về đất đai, ông Lĩnh cho rằng, đất đai hiện nay được xem là vấn đề nóng, vì hầu hết các địa phương coi đất là “con gà đẻ trứng vàng” chứ không phải DN là “gà đẻ trứng vàng” như những lời hô hào. Giá đất Việt Nam ngày càng tăng chóng mặt, cao hơn cả các nước tiên tiến. Chính vì vậy, giá hạ tầng cao, dẫn đến chi phí của DN được đẩy lên rất cao, DN không thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài. “Hãy bỏ ngay suy nghĩ lấy đất đổi lấy hạ tầng, mà hạ tầng muốn xây dựng chính đáng từ nguồn thuế”, ông Lĩnh kiến nghị. Ngoài ra, ông Lĩnh cũng cho rằng lãi suất ngân hàng hiện nay quá cao nên gây khó khăn cho DN tiếp cận vốn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Cty TNHH Hương Quế cho rằng, Nghị quyết 35 là đủ, đúng và cần thiết để chấn hưng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết đã ra chậm nhưng chưa quyết liệt. Nghị quyết 35 có chuyển biến, một số ngành hướng dẫn nhiều hơn chỉ huy. Cần phải có văn bản cụ thể giao cho các địa phương, chỉ cần tập trung một vài mục tiêu mà DN cần chứ không phải cái gì cũng ôm vào hết mà thực hiện không được. Đồng thời, phải đưa ra lộ trình, ai là người chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp và lúc nào là phải xong, nếu trì trệ lý do tại sao, ai là người phải chịu trách nhiệm vì lý do chậm trễ đó. Ông Sơn lấy ví dụ, Đà Nẵng lấy định hướng phát triển thành phố du lịch, thành phố đáng sống, thành phố môi trường do đó đã có chủ trương di chuyển khoảng 800 DN sản xuất nhỏ lẻ ở các khu dân cư ra ngoài địa bàn khu dân cư. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng và rất cần thiết nhưng chủ trương đã có từ lâu nhưng lộ trình lúc nào xong thì không rõ ràng, do không có con người đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Sơn phản ánh, Nghị quyết 35 giảm chi phí cho DN nhưng thực chất chưa làm được. DN Việt Nam đa phần là nhỏ và siêu nhỏ thì vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng để DN phát triển nhưng chi phí vay vốn ngân hàng quá cao, thậm chí cao nhất trong khu vực Châu Á nên DN không thể nào cạnh tranh được với các DN quốc tế khi bước vào sân chơi hội nhập. Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV khẳng định, Nghị quyết chưa đi vào cuộc sống. Ông Lý dẫn chứng, Nghị quyết có đề cập, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương, trình Chính phủ trong quý II-2016. Nhưng thực tế cho đến nay các Bộ ngành liên quan chưa chỉnh sửa. Điều này dẫn đến rất ít các DN có thể tiếp cận được với Quỹ này để được bảo lãnh vay vốn kinh doanh. Hay yêu cầu nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cũng theo ông Lý, việc DNNVV tiếp cận thuê mặt bằng sản xuất trong KCN rất khó. Vì quy định của KCN là phải thuê từ 5.000m2 trở lên, trong khi đó DNNVV chỉ cần thuê từ 500 đến 1.000 hoặc 2.000m2; và yêu cầu phải trả tiền thuê đất 1 lần cho 40, 50 năm, vượt khỏi khả năng chi trả của DNNVV. Ngoài ra, giá thuê lại không ổn định, tùy tiện nâng cao làm DN không thể chịu đựng nổi thì khác nào đi ngược lại Nghị quyết.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống như một luồng gió mới tiếp sức cho DN, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Cty BQ cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành cần cụ thể hơn những lĩnh vực nào, tiêu chí nào để xoáy vào thực hiện, sau đó phải có chương trình hành động cụ thể hướng đến mục đích cuối cùng giúp DN có lợi thế cạnh tranh chứ đừng để DN mất niềm tin!

Để giải đáp nguyện vọng về tiếp cận đất đai của nhiều DN, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho rằng, trong năm 2017, thành phố có chủ trương làm mới 4 KCN và 3 cụm công nghiệp Hòa Cầm, Hòa Nhơn và Hòa Minh để đáp ứng nhu cầu cho DNNVV, các DN trong khu dân cư tiếp cận thuê đất với mức giá hợp lý. Đối với lĩnh vực tiếp cận vốn, Quỹ Đầu tư phát triển có vốn điều lệ 900 tỷ đồng nhưng giải ngân cũng chậm. Tuy nhiên, quy định của Chính phủ chỉ cho vay các DN xuất khẩu, sản xuất kinh doanh nên hạn chế DN tiếp cận vốn... Vì vậy, đề nghị Chính phủ có chính sách “cởi trói” cho quỹ này.

Trước nhiều ý kiến phản ánh, ông Lê Mạnh Hà ghi nhận và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung để Nghị quyết phát huy hiệu quả tốt hơn đối với DN. Ông Hà cũng thừa nhận DN tiếp cận vốn vẫn khó khăn, lãi suất vẫn còn cao; Tiếp cận đất đai chưa có thay đổi gì... “Nuôi dưỡng DN là hết sức quan trọng, DN phải lớn lên chứ không phải mới thành lập được một thời gian phải đóng cửa hoặc hoạt động có hiệu quả một thời gian phải rời bỏ thương trường. Vì vậy, phải nuôi dưỡng DN để có nguồn thu lâu dài bền vững”, ông Hà cho hay.

Xuân Đương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/150_163438_sau-1-nam-thuc-hien-nghi-quyet-35-cua-chinh-phu-no.aspx