Sau 3 năm thực hiện tự chủ tài chính trong bệnh viện công: Lạm dụng dịch vụ tràn lan!

Từ năm 2007, 36 đơn vị y tế công lập của TPHCM đã triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP (NĐ 43) về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính. Sau 3 năm triển khai, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì hệ lụy cũng không ít. đó là nảy sinh tình trạng lạm dụng dịch vụ tràn lan khiến bệnh nhân “è cổ” chịu. Điều này được ghi nhận tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện NĐ 43 diễn ra tại TPHCM ngày 27-5.

Cứ chiếu, chụp, xét nghiệm để... tăng thu Chuyện bệnh nhân mỗi lần đi thăm khám bị bác sĩ chỉ định chụp, chiếu, xét nghiệm tới cả chục loại không còn mới mẻ. Với cơ chế tự chủ tài chính, các bệnh viện công lập xem như một cuộc cải cách. Nhiều bệnh viện vốn dĩ có lượng bệnh nhân đông, ổn định coi đó là cơ hội được “cởi trói” để tăng thu nhập cho bệnh viện, cải thiện đời sống y bác sĩ. Chính vì vậy, ngay từ năm 2007, đặc biệt trong năm 2008, hầu hết các bệnh viện công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc… Nói chung, cái gì làm “dịch vụ được thì cho dịch vụ”. Bên cạnh được phép huy động nguồn vốn bên ngoài, vốn kích cầu, bệnh viện còn thu hút đầu tư đóng góp của cán bộ y bác sĩ để làm… dịch vụ. Có nghĩa y bác sĩ trong bệnh viện cũng “bắt tay” làm ăn theo kiểu gọi là “xã hội hóa”. Chẳng hạn y bác sĩ của một bệnh viện góp tiền mua một máy siêu âm thì đương nhiên khi bệnh nhân vào bệnh viện không cần siêu âm cũng bắt siêu âm để… tăng thu. Ngay trong báo cáo tại Hội nghị sơ kết sáng qua (27-5), BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho rằng việc huy động vốn từ cán bộ viên chức bệnh viện là một hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, cơ chế góp vốn, việc sở hữu vốn góp, việc lạm dụng cũng là những vấn đề cần được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể hơn! Y tế dự phòng: con ghẻ Trong khi các bệnh viện có thu được tự chủ toàn phần hoặc một phần, thì hệ thống y tế dự phòng gần như không có thu. BS Nguyễn Thị Sự, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận 5, bức xúc vì các khoản thu nhập tăng thêm như khám sức khỏe lao động, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm ngừa của TTYTDP quận huyện quá khiêm tốn. Điều đó đồng nghĩa thu nhập của cán bộ viên chức thấp và khó mà tự chủ. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cũng cho rằng đối với đơn vị sự nghiệp có nguồn thu thấp như bệnh viện cấp cứu, bệnh viện các bệnh xã hội, các TTYTDP… có áp lực công việc cao nhưng thu nhập tăng thêm thấp. Theo BS Châu, thu nhập tăng thêm bình quân trong 3 năm triển khai NĐ 43 của các TTYTDP quận huyện chỉ bằng 0,4 lần lương. Do đó khó thu hút và luân chuyển đội ngũ y bác sĩ cho những đơn vị đó. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho rằng NĐ 43 đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, một số mặt hạn chế còn tồn tại như lạm dụng dịch vụ trong bệnh viện công, thiếu cơ chế đãi ngộ tương xứng cho lĩnh vực y tế dự phòng cần được khắc phục. Đồng chí Hứa Ngọc Thuận cho biết sẽ bổ sung vốn vay kích cầu phát triển y tế TP, áp dụng NĐ 43 vào các bệnh viện được quy hoạch xây mới sắp tới. Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu Sở Y tế TPHCM chấn chỉnh ngay tình trạng chỉ định cho thuốc không đúng, lạm dụng xét nghiệm trong các bệnh viện. Đồng thời ủng hộ những đề xuất của Sở Y tế TPHCM như tập trung ngân sách cho công tác y tế dự phòng, thay đổi khung giá thu viện phí theo hướng tính đúng tính đủ… Tường Lâm

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2010/5/227000/