Sau 42 năm thai nghén, hai vợ chồng mới 'sinh con chung'

Nhắc đến vợ chồng GS-TS Nguyễn Quang Hồng – TS Phan Diễm Hương hẳn không nhiều bạn đọc biết đến, nhưng trong giới ngôn ngữ học, không ai là không biết.

Ngày 8/4, tại Hà Nội, cặp vợ chồng đã bước sang tuổi "cổ lai hy" đã tổ chức buổi giới thiệu chuyên luận mà hai người cùng dày công nghiên cứu mang tên: Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca (NXB Đại học Quốc gia).

Chuyên luận thi học "Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca" - Ảnh: My Ken

Chuyên luận này được GS-TS Nguyễn Quang Hồng thai nghén từ những năm 1975, nhưng đến giờ, sau 42 năm ông mới "bắt tay vợ" cùng viết. Đặc biệt, công trình này là món quà của vợ chồng GS-TS Nguyễn Quang Hồng - TS Phan Diễm Hương dành tặng cho con gái và các cháu của mình với lời tặng rất thơ: Của chung có một sách này/Dành cho các cháu những ngày mai sau.

Dày 430 trang, chia làm 3 phần với tổng cộng 13 chương, Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca nghiêng về nghiên cứu những vấn đề của ngôn ngữ thi ca trên bình diện ngữ âm, qua đó tìm mối liên hệ giữa âm thanh và ý nghĩa, xác định những giá trị mỹ cảm từ những biểu hiện ngữ âm trong tác phẩm thi ca tiếng Việt.

Vợ chồng GS-TS Nguyễn Quang Hồng – TS Phan Diễm Hương tại buổi giới thiệu chuyên luận - Ảnh: My Ken

Để thực hiện công trình mang đậm tính lý luận theo phương pháp liên ngành ngữ học và văn học này, vợ chồng nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hồng – Phan Diễm Hương xuất phát từ những định đề của R.Jakobson về ngôn ngữ thi ca và chức năng của thi ca, tiến hành minh định một loạt khái niệm cần thiết dùng cho phân tích giá trị mỹ cảm của các yếu tố ngữ âm trong thi ca tiếng Việt.

Hai vợ chồng chia nhau viết một số chương, tương đối độc lập, nhưng đều nằm trong một khối dàn dựng thống nhất. TS Phan Diễm Hương cho biết: "Chồng tôi là người xây dựng nên hệ thống khái niệm. Tôi cụ thể hóa những khái niệm đó để bạn đọc dễ hiểu hơn và vận dụng những khái niệm đó để nghiên cứu về các thể thơ dân gian, qua đó thấy yêu mến và các phục các nhà thơ của dân tộc mình vô cùng".

GS-TS Trần Đình Sử đánh giá: "Đây là công trình có giá trị lý thuyết và thực tiễn cao. Tác giả có ý thức xây dựng một hệ thống thuật ngữ và khái niệm mới, chặt chẽ về thi học và ngôn từ thi ca Việt, làm giàu cho lý thuyết thi ca Việt Nam. Cả 3 phần của chuyên luận đều gắn bó trong một khái niệm nhất quán, gợi ra một bộ khung lý thuyết về thi luật và thưởng thức âm điệu, nhạc tính của thi ca Việt... Đặc biệt, trong phê bình, phân tích thơ, cũng như dạy thơ trong nhà trường, hiện vẫn là một lĩnh vực phó thác cho sự cảm thụ chủ quan, thiếu một lý thuyết có hiệu lực. Công trình này sẽ có tác dụng bổ khuyết chỗ trống ấy và giúp giáo viên các cấp có cơ sở để xử lý các hiện tượng liên quan đến âm điệu trong thơ".

Vài nét về 2 tác giả

Nguyễn Quang Hồng, GS-TSKH, Nhà ngôn ngữ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Tác phẩm chính: Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (1994/2002/2012); Truyền kỳ mạn lục giải âm (2001); Khái luận văn tự học chữ Nôm (2008); Tự điển chữ Nôm dẫn giải (2014).

Phan Diễm Phương, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn học, nguyên cán bộ Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Tác phẩm chính: Lục bát và song thất lục bát (1998); Lời giãi bày của văn chương (2000).

Hà My

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/sau-42-nam-thai-nghen-hai-vo-chong-moi-sinh-con-chung-n20170408232414874.htm