Sau bão, Ba Lòng 'đói' đất

Ba Lòng, một trong những xã nghèo nhất của huyện Đăkrông tỉnh Quảng Trị, hơn 10 ngày sau lũ, hàng nghìn người dân ở đây đối mặt với nạn đói vì nước đã cuốn phăng nhà cửa, vùi lấp ruộng đồng.

Ba Lòng cũng là một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Những ngày sau bão, xã vắng ngắt. Đường dẫn về làng giờ ngập trong bùn đất. Người già, trẻ nhỏ cứ bần thần đứng, ngồi không yên trước những căn nhà xiêu vẹo, gãy ngã, tốc mái… hướng mặt ngó ra những cánh đồng chỉ một màu vàng bùn đất. Hỏi một nông dân tên là Long ở thôn Lương Hà sao không ra đồng, ông nói: "Ra mà làm chi chú? Có làm đất cũng phải mất vài tháng nữa mới di được lớp bùn đất dày khắp ruộng, nói chi đến trồng cấy". Cơn lũ lớn chưa từng thấy trong lịch sử đã khiến làng ngập sâu trong nước, nhiều nhà cửa bị lũ cuốn trôi, tốc mái, xiêu vẹo… Nước xuống, cả làng bị bùn, cát vùi sâu hơn một mét. 25 ha ruộng lúa nước và hơn 200 ha hoa màu của xã bị bùn lấp, ranh giới bờ ruộng của nhà này với nhà khác không thể xác định được. Mà có biết đi chăng nữa thì cũng không thể làm được vì bùn đất đã kết dính chắc lại. “Năm mô cũng rứa, cứ đến thời gian ni (này) thiên nhiên lại trút giận, làm cho gia đình tui cứ phải cực khổ hoài. Đã thế, năm sau ông trời lại làm cho khổ hơn năm trước", chị Trần Thị Hiền buồn rầu nói. Với 7 miệng ăn trong gia đình, phụ thuộc vào 4 sào ruộng, cả gia đình chị Hiền không biết làm gì vì bùn đất bám cứng lấy ruộng. Con trâu của nhà chị, sức kéo duy nhất, giờ cũng bỏ nhà mà chạy vào rừng sâu để kiếm đồng đỏ. Đàn gà, lợn may mắn sót lại sau lũ cũng phải đem ra chợ tìm cách bán tháo vì không xoay xở kiếm thức ăn cho chúng. Dân sẽ đói trong vòng 8 tháng Ông Ông Cao Xuân Ga, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, cho hay, đợt lũ vừa qua đã làm cho 500 nhà dân bị ngập sau trong nước, gần 10 nhà bị sập, 232 nhà bị tốc mái, 43 nhà bị xiêu vẹo. "Song đó chưa phải là vấn đề nan giải của xã bây giờ. Đáng lo là sau lũ, ruộng vườn của bà con bị đất bùn vùi lấp toàn bộ. Nói đúng hơn là đã bị mất, không thể canh tác được. Để có bắp non trồng trên các rẩy cao ít nhất cũng mất 8 tháng nữa, dự đoán người dân ở đây phải chịu đói kéo dài", ông Ga trầm ngâm. Ông Ga cho biết thêm, trước tình hình khó khăn trước mắt, lãnh đạo huyện Đăkrông đã quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng cho việc múc đất bùn vùi lấp ruộng đưa đi nơi khác để bà con có thể tái sản xuất. "Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa biết phải đưa số đất bùn này đi chỗ nào, mà có làm được chăng nữa thì phải cần đến phương tiện máy móc, trong khi sức dân có hạn. Thời gian để khắc phục chuyện này cũng phải mất ít nhất là 4 tháng nên cần được sự quan tâm hỗ trợ các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, nguồn giống để giúp bà con tái sản xuất hiện chúng tôi cũng chưa biết lấy đâu ra", ông Ga nói. Chung trăn trở trên, ông Nguyễn Văn Hùng, một lão thành cách mạng ở thôn Cây Chanh, người có nhà bị hư hại nặng trong bão, nói: “Sống ở Ba Lòng ngày thường cũng đã nghèo khổ, giờ thêm lũ gây ra tai họa lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Đói lại hoàn đói. Nghèo lại hoàn nghèo. Chính quyền giúp đỡ bao nhiêu, thiên nhiên lại cướp hết. Tôi lo dân số Ba Lòng sẽ vơi đi vì phải đi tìm vùng đất mới để có đất mà sản xuất cứu đói nghèo”.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Sau-bao-Ba-Long-doi-dat/200910/64170.datviet