Sâu bệnh ngày càng bành trướng

Các nhà nghiên cứu cho thấy một xu hướng rất đáng lo ngại: nhiều loại sâu bệnh mở rộng rõ rệt vùng phân bố của chúng, mà nguyên nhân chính liên quan đến hoạt động giao thông vận tải toàn cầu ngày càng tăng và biến đổi khí hậu.

Kể từ năm 1960, mỗi năm sâu bệnh mở rộng vùng phân bố khoảng 3km về phía các cực, theo một công bố mới trên tạp chí chuyên đề "Nature Climate Change".

Các nhà khoa học thuộc ĐH Exeter (Anh quốc), do TS Daniel Bebber đứng đầu, đã phân tích những công trình nghiên cứu về sự thay đổi vùng phân bố liên quan tới khoảng 600 loại bệnh và sâu hại đối với cây trồng trong khoảng 50 năm qua. Tác nhân gây hại đối với cây trồng không phải là một nhóm thống nhất, trong đó có thể kể đến các loại nấm bệnh, vi khuẩn, virus, côn trùng, tuyến trùng cũng như các loại giun và cái gọi là nấm trứng (Eipilze).

Theo các nhà khoa học, trong mười năm đầu tiên, hai phần ba các loại tác nhân gây hại chỉ có mặt ở phía bắc hoặc nam bán cầu. Một phần mười chỉ thấy ở phía ngoài và một phần mười khác chỉ thấy ở trong vùng nhiệt đới. Sau 50 năm thì hơn một nửa tác nhân gây hại có mặt trên toàn cầu. "Trong số các tác nhân gây hại chỉ tập trung ở vùng nhiệt đới thì có tới hai phần ba sau đó mở rộng vùng hoạt động và đa số có mặt trên toàn cầu."

Trong quá trình chuyển dịch tới các cực, giữa các loài có một sự biến động lớn, theo nhóm các nhà nghiên cứu. Nhưng nhìn chung có thể nhận thấy xu hướng rõ rệt là: những tác nhân gây hại ở bắc bán cầu – như nấm bệnh, vi khuẩn và côn trùng - mở rộng vùng hoạt động lên phía bắc. Trong khi đó các loại giun và virus lại dịch chuyển về hướng nam bán cầu. Tại sao lại như vậy, đây là vấn đề cần nghiên cứu tiếp để làm rõ.

Theo nhóm nghiên cứu, sự mở rộng vùng phân bố chủ yếu liên quan đến hoạt động giao thông vận tải toàn cầu ngày càng tăng. Biến đổi khí hậu cũng tạo điều kiện để tác nhân gây hại có thể tồn tại và phát triển ở vùng phân bố mới, nơi mà trước đó chúng không thể sinh tồn. Bình quân cứ mười năm, sự mở rộng vùng lãnh thổ của các tác nhân gây hại với cây trồng đạt 27 km, so với các loài động vật khác là 18 km. Xu hướng này phù hợp với sự tăng nhiệt độ và không gây bất ngờ.

Khi một tác nhân gây hại xâm nhập vào một vùng đất mới thì sự nguy hại có thể rất lớn. Ví dụ điển hình là nạn đói ở Ireland xảy ra trong những năm 1840 khi loại nấm phấn trắng Phytophthora infestans hủy diệt các vùng trồng khoai tây ở nước này. Năm 1943, một loại nấm hại ở cây lúa cũng làm cho hàng trăm nghìn người lâm vào nạn đói ở Bengal (Ấn Độ). Hiện nay mỗi năm sâu bệnh làm sản lượng của các loại cây trồng từ 10 đến 16%.

NXH dịch

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=2&News=6719&tabid=111