Sau học nghề, tự tin làm 'kỹ sư', 'bác sĩ' tại gia

Học nghề vừa giúp nông dân có việc làm, vừa nâng cao năng xuất lao động, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Sau học nghề, nhiều nông dân đã trở thành những 'kỹ sư' chăn nuôi, 'bác sĩ' thú y ngay tại trang trại của mình.

Làm giàu sau học nghề

Tại xã Đông Hợp (Đông Hưng, Thái Bình), hàng chục nông dân đã học nghề chăn nuôi. Chị Trần Thị Tuyến – học viên của lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi thú y cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi hơn 20 năm qua, nhưng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao”. Lần đầu tiên được tham gia lớp học, chị Tuyến khẳng định những kiến thức rất thiết thực cho người chăn nuôi, gần gũi với thực tiễn chăn nuôi hàng ngày tại gia đình.

Một mô hình dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi thú y của Trung tâm Dạy nghề Hội ND Thái Bình. Ảnh: Thùy Anh

Là một trong những học viên làm giàu nhờ được Trung tâm Dạy nghề Hội ND tỉnh Thái Bình dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Phạm Văn Dương (Đông Hợp, Đông Hưng) đang sở hữu trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản cả trăm.

“Gia đình tôi chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn từ nhiều năm nay. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tham gia các lớp tập huấn giúp tôi có kiến thức để chủ động trong phòng chống dịch bệnh, phát hiện và điều trị các loại bệnh thường gặp ở đàn gia súc, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra” – anh Dương nói. Giờ đây, mỗi năm trang trại thu về gần 200 triệu đồng.

Chăn nuôi thú y thành nghề trọng điểm

Ông Hà Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Đội ngũ giáo viên của trung tâm là các kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y, trưởng ban chăn nuôi các xã có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Ngoài ra, quá trình hoạt động trung tâm kết hợp với hội nông dân các huyện, thị trấn tổ chức tuyển sinh.

Trong 6 năm (từ 2010 tới 2016) Hội ND tỉnh Thái Bình đã phối hợp và trực tiếp tổ chức được 1.157 lớp dạy nghề may công nghiệp, mây tre đan, chăn nuôi, thú y, trồng cây lương thực… cho 40.495 lượt hội viên. Trong đó, Trung tâm Dạy nghề nông dân tổ chức 101 lớp cho 3.535 hội viên.

Ông Nguyễn Thọ Đức – nguyên Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Vũ Thư chia sẻ: “Với phương châm “học đi đôi với hành”, chúng tôi luôn cố gắng truyền tải những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất về chăn nuôi, thú y cho người dân. Trong quá trình học luôn chú trọng khâu thực hành. Học được điều gì là bà con mang về nhà thực hành ngay rồi báo cáo kết quả, trao đổi lại với chúng tôi. Một số bác cho biết, có kiến thức, gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Ông Đức cũng cho biết, để các lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi thú y có hiệu quả, các giảng viên thường lấy cả các mô hình chăn nuôi hiệu quả và không hiệu quả trong thực tế để so sánh. Kết quả, các chương trình dạy nghề của trung tâm mang lại hiệu quả nên được nông dân ưa thích, ham học.

Thùy Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/sau-hoc-nghe-tu-tin-lam-ky-su-bac-si-tai-gia-787995.html