Sau một tuần thí điểm thuê vỉa hè tại TP.HCM: Chủ an tâm, khách hài lòng

Sau một tuần triển khai thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè tại TP.HCM, mọi thứ diễn ra suôn sẻ khi các tuyến đường thông thoáng, chủ quán quán an tâm, khách hàng hài lòng. Bước đầu cho thấy đây là một chủ trương đúng, nhận được sự đồng thuận của người dân TP.

Chủ an tâm, khách hài lòng

Tại các quán cà phê dọc đường Lê Thánh Tôn, người dân, du khách thoải mái ngồi ở vỉa hè trò chuyện. Bàn ghế được kê ngăn nắp phía bên trong vạch kẻ mà Quận 1 thực hiện. An tâm, thoải mái là cảm giác chung của cả chủ quán lẫn khách uống cà phê. Anh Văn Hậu, một vị khách cho biết, thói quen của mình để bắt đầu ngày mới là một ly cà phê. Từng nhiều lần phải ra về khi đang nhâm nhi cà phê ở quán vỉa hè, anh Hậu rất ủng hộ việc này.

Người dân dễ dàng đi trên đường Hải Triều (ảnh Hà An)

Người dân dễ dàng đi trên đường Hải Triều (ảnh Hà An)

"Đáng ra tôi thấy chuyện này nên làm từ lâu rồi mà nay mới thực thi. Tôi ủng hộ việc này và mong cơ quan chức năng triển khai ở các quận khác", anh Hậu nói.

Anh Việt Tú, nhân viên một quán cà phê cho biết thêm: "Ở đây phường làm việc và gửi giấy về rõ ràng, thuê bao nhiêu và đóng như thế nào, bên em đã nhận giấy rồi. Mình cứ làm việc theo giấy tờ sẽ minh bạch hơn, và kinh doanh dễ dàng hơn. Em nghĩ cái này nên duy trì và làm thêm rõ ràng để an tâm".

Chị Đàm Diệu Khanh, chủ quán cà phê Tân Lập trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành cho biết, khi được biết chủ trương cho thuê vỉa hè để kinh doanh, chị rất ủng hộ. Với phần diện tích vỉa hè của quán, chị sẽ trả khoảng 400.000 đồng/tháng và đây là khoản kinh phí không quá lớn. Đổi lại, từ nay việc kinh doanh của quán sẽ có nhiều thuận lợi hơn, không phải nơm nớp lo sợ.

"Văn hóa của Việt Nam là ẩm thực đường phố nên nếu để im lìm thì rất buồn tẻ. Mình làm thế này có nề nếp có trật tự, hàng lối thì rất là tốt. Mọi người cũng an tâm khi sử dụng đúng phần lề đường được thuê, không phải thấp thỏm nay kiểm tra, mai kiểm tra các thứ, rồi phải chạy", chị Khanh bày tỏ.

Đường Hải Triều là 1 trong 11 tuyến đường thí điểm cho thuê vỉa hè (ảnh Hà An)

Đường Hải Triều là 1 trong 11 tuyến đường thí điểm cho thuê vỉa hè (ảnh Hà An)

Gần đấy, trên tuyến đường rất sôi động ngày đêm là Hải Triều, sát bên tòa nhà Bitexco, người dân, du khách thoải mái đi bộ trên vỉa hè khi các hộ kinh doanh tại đây cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương thí điểm của quận.

Theo ghi nhận, phần lề vỉa hè sát đường được bố trí làm nơi để xe máy, phần vỉa hè ở giữa rộng tầm 1,5m được bố trí cho người đi bộ và phần vỉa hè còn lại bên trong vạch kẻ được các nhà hàng, quán ăn bố trí bàn ghế để buôn bán. Cũng giống như các chủ quán ở các tuyến đường khác, cảm giác an tâm, thoải mái buôn bán là điểm chung mà các tiểu thương tại đây chia sẻ. Anh Trịnh Văn Tài, đại diện quán phở Hải Triều cho biết việc kinh doanh từ khi thí điểm đến nay đỡ hơn nhiều, khách ngồi ăn thoải mái.

"Ngày trước khi kê bàn ra thì nơm nớp lo sợ. Nhưng từ khi được phép kê thế này thì yên tâm hơn rất nhiều. Khách đến được phép ngồi thoải mái chứ ngày trước nhờ khách thông cảm đi vào trong nhà, thu dọn bàn ghế chứ đô thị đến là chạy tán loạn", anh Tài cho biết thêm.

Đảm bảo lối đi cho người đi bộ

Được biết, việc triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1 chính thức bắt đầu từ ngày 9/5. Theo UBND Quận 1, việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước đối với hè phố theo hướng công khai, minh bạch, ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân du khách có thể an tâm uống cà phê (ảnh Hà An)

Người dân du khách có thể an tâm uống cà phê (ảnh Hà An)

Sau khi nghiên cứu, trước mắt có 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1 gồm: Tuyến đường Hoàng Sa (phường Tân Định), tuyến đường Mạc Đĩnh Chi (phường hường Đa Kao); tuyến đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), tuyến đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), tuyến đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), tuyến đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), tuyến đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

Người dân trên các tuyến này thực hiện việc đăng ký sử dụng thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố Quận 1" giúp tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ đã được số hóa để phục vụ cho việc tra cứu, cũng như sử dụng tạm thời một cách thuận tiện. Trước mắt, chỉ chủ hộ hoặc người đang thuê nhà mới được xem xét cho sử dụng vỉa hè. Người có nhu cầu sẽ cung cấp các thông tin cá nhân, diện tích định thuê, thời gian thuê… Khi đáp ứng các điều kiện sẽ được cấp phép.

Để việc triển khai thí điểm được hiệu quả, Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Đức Thanh cũng đề nghị UBND 10 phường trên địa bàn tăng cường chấn chỉnh hơn nữa và thực hiện nghiêm theo quy định, tạo thuận lợi cho người đăng kí kinh doanh và đảm bảo yêu cầu quan trọng nhất là lối đi cho người đi bộ để hạn chế tai nạn giao thông.

"Cần tăng cường chấn chỉnh hơn nữa, đảm bảo hè phố tối thiểu dành 1,5m cho người đi bộ và không lấn chiếm lòng đường. Việc thí điểm 11 tuyến đường đăng kí kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa rất cần sự ý thức của các tổ chức cá nhân và tăng cường công tác quản lý của các cơ quan đơn vị", ông Thanh nhấn mạnh.

Du khách nước ngoài dễ dàng di chuyển (ảnh Hà An)

Du khách nước ngoài dễ dàng di chuyển (ảnh Hà An)

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, căn cứ vào điều kiện cụ thể kinh tế - xã hội cần phải làm rõ khái niệm “vỉa hè đa năng”. Tại TP.HCM, vỉa hè cần phải được hiểu là không chỉ dành riêng cho người đi bộ mà còn có nhiều công năng hơn, nó còn là nơi mưu sinh của người nghèo cũng như kinh doanh với khái niệm là “kinh tế vỉa hè”. Qua đó sẽ giúp khai thác vỉa hè hiệu quả hơn chứ không chỉ đơn thuần mang chức năng giao thông.

Khi TP.HCM triển khai thí điểm cho thuê vỉa hè, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng cần phải khảo sát kỹ từng vỉa hè, từng khu phố bởi giá trị kinh tế rất khác, làm sao làm đảm bảo giá trị kinh tế và đặc biệt là tính công bằng. Do đó trước mắt, các địa phương mạnh dạn thí điểm và rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh cụ thể chứ không phải theo một công thức cố định.

"Vỉa hè vẫn là không gian công cộng. Còn đã có lợi thế mặt tiền sử dụng thêm thì phải đóng thêm tiền. Cái đó là công bằng xã hội. Nhưng vấn đề công bằng cụ thể với từng thành viên là trách nhiệm của từng địa phương, phải tính toán, tránh tình trạng người này quen biết thì được thuê, người kia không được thuê", TS Nguyễn Hữu Nguyên cho hay.

Với một đô thị đặc biệt như TP.HCM thì vỉa hè, kinh tế vỉa hè là một nét riêng có, thu hút sự quan tâm và thích thú của người dân và du khách. Do đó, việc làm sao để đảm bảo sự hài hòa giữa chức năng giao thông và chức năng kinh tế là rất cần thiết. Do đó, việc thí điểm cho thuê vỉa hè tại Quận 1 rất cần được đánh giá kỹ lưỡng, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai ở các địa phương khác của TP.HCM.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sau-mot-tuan-thi-diem-thue-via-he-tai-tphcm-chu-an-tam-khach-hai-long-post1095556.vov