Sau phán quyết PCA: Philippines 'dò đá qua sông'

Philippines bắt đầu thăm dò lập trường của Bắc Kinh, tìm cách “hạ cánh mềm” với Trung Quốc

Đặng Tiểu Bình lường trước những diễn biến phức tạp trong quá trình Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa một đất nước có hơn một tỷ người, đã đề ra phương châm hành động 4 chữ thể hiện sự thận trọng theo kiểu “dò đá qua sông”. Người Trung Quốc mấy chục năm qua thường vận dụng phương châm này. Nhưng ông Đặng chắc không thể hình dung phương châm đó lại được Philippines áp dụng khi khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sau 3 năm quan hệ căng thẳng, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay đưa ra phán quyết hoàn toàn có lợi cho Philippines và bất lợi cho Trung Quốc.

Gặp không chính thức ở Hong Kong: Bà Phó Oánh (bên phải ông Ramos) và Ngô Sĩ Tồn (bên trái)

Làm sao để “hạ cánh mềm” với một Trung Quốc?

Dân chúng Philippines tỏ ra rất hả dạ trước phán quyết, nhưng chính phủ phản ứng với thái độ thận trọng và kiềm chế. Thậm chí, các nhà ngoại giao Philippines đã rút đoạn nói về phán quyết ra khỏi Tuyên bố chung của ngoại trưởng ASEAN trong cuộc gặp tại Viêng Chăn tuần cuối tháng 7 vừa rồi.

Tuy nhiên, phán quyết 12/7 của PCA là một cơ hội cho tất cả các bên tạo ra cục diện mới mang tính xây dựng cho tình hình Biển Đông. Đặc biệt là Philippines và Trung Quốc. Chính quyền Rodrigo Duterte có thể thực hiện “phá băng” trong quan hệ với Trung Quốc.

Họ làm điều này vào lúc Trung Quốc chưa sẵn sàng thỏa hiệp, thậm chí còn làm căng trong các vấn đề Biển Đông. Chính quyền Duterte không thể thỏa hiệp vô nguyên tắc khi công chúng Philippines có thái độ ủng hộ đối với phán quyết. Vì vậy, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Philippines bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu tại Mông Cổ rằng Trung Quốc sẽ chỉ đồng ý tham gia các cuộc đàm phán song phương nếu Philippines bác bỏ các phán quyết của Tòa; còn nếu Manila không làm như vậy, hai bên “có thể hướng tới đối đầu”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã bác bỏ điều kiện tiên quyết của Trung Quốc, coi nó là “mâu thuẫn với Hiến pháp và lợi ích quốc gia” của Philippines.

Chính quyền mới của Philippines phải đưa ra được một đường lối đàm phán bảo toàn các quyền và lợi ích trên biển của nước này, không đánh mất sự ủng hộ của dân chúng, của Mỹ, nhưng lại phải đáp ứng lợi ích của Trung Quốc. Nghĩa là đàm phán một sự “hạ cánh mềm” với Trung Quốc rất hận việc bị một nước nhỏ kiện thắng trước một tòa án quốc tế.

Manila phải duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong một kịch bản xấu “hậu phán quyết”, Trung Quốc có thể cho quân đội hoặc “dân quân biển” trá hình (Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn từng kêu gọi chuẩn bị Chiến tranh nhân dân trên biển) lấn chiếm các đảo ở Trường Sa của Philippines, và có thể cả đảo Ba Bình của Đài Loan. Philippines không thể không dựa vào Mỹ để bảo vệ Scaborough/Hoàng Nham và Bãi cỏ Mây – nơi có tiềm năng dầu khí và Philippines có một tiểu đội đóng quân trên một con tàu cũ.

Cựu Tổng thống Ramos, Đặc phái viên Tông thống Philippines, họp báo ở Hong Kong, ngày 12/7, kết thúc chuyến thăm 5 ngày tìm hiểu lập trường thương lượng

Cựu Tổng thống thăm dò lập trường đàm phán

Cựu Tổng thống Phidel Ramos được Tổng thống Duterte mời ra làm đặc phái viên thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Philippines-Trung Quốc. Ông Ramos đã chọn một cách tiếp cận thận trọng: không đến thẳng Bắc Kinh mà đến Hong Kong gặp gỡ một vài người bạn có mối liên hệ với giới hoặch định chính sách ở Bắc Kinh, cũng như có các doanh nhân Hong Kong/Trung Quốc thành đạt có lợi ích ở Philippines.

Tại đây, ông đã gặp bà Phó Oánh, từng là Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, và ông Ngô Sỹ Tồn, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông, có trụ sở ở Hải Nam.

Thông cáo báo chí đưa ra sau các cuộc đối thoại không chính thức giữa ba người đưa ra bảy đề xuất:

- Khuyến khích bảo tồn biển;

- Tránh căng thẳng và thúc đẩy hợp tác đánh bắt cá;

- Hợp tác chống ma túy và chống buôn lậu;

- Hợp tác chống tội phạm và chống tham nhũng;

- Cải thiện các cơ hội du lịch;

- Khuyến khích thương mại và đầu tư;

- Khuyến khích trao đổi không chính thức về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung.

Bản tuyên bố đã không đề cập đến việc thăm dò khai thác chung dầu khí trong vùng biển tranh chấp, từng được ông Duterte nhấn mạnh khi tranh cử tổng thống. Nó cũng nhấn mạnh việc hai bên cần “xây dựng lòng tin”.

Nếu Trung Quốc sử dụng tình hình hậu phán quyết như là cơ hội điều chỉnh lại lập trường của mình, không đưa ra điều kiện tiên quyết cho đàm phán, thì có thể thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Philippines, mở một đột phá trong vấn đề Biển Đông. Nếu ngược lại, tranh chấp sẽ bước vào một giai đoạn mới, căng thẳng leo thang và không chắc chắn. Các nước liên quan cảnh giác theo dõi tình hình tại vùng biển này.

Không ai nghĩ rằng phán quyết 12/7 sẽ giúp chấm dứt tranh chấp trên Biển Đông. Tuyến đường biển quốc tế ngang qua Biển Đông quá quan trọng và cuộc tranh chấp tại đây quá phức tạp. Nhưng phán quyết 12/7 mở ra một cơ hội mới để các bên điều chỉnh chính sách biển Đông phù hợp với thực tế mới./.

(Đón xem: Sau phán quyết PCA: Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan)

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/sau-phan-quyet-pca-philippines-do-da-qua-song-206377.html