Sau siêu bão, tôn thép 'đội' giá, cá tép được mùa

Cứ như thành thông lệ, sau mỗi đợt mưa bão, do thiếu nguồn cung, các cửa hàng lại đẩy giá lên cao gây khốn đốn cho người dân, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão đi qua.

Cơn bão số 10 là một cơn bão có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay, đã đổ bộ và càn quét các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã để lại nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Vùng tâm bão thị xã Kỳ Anh- Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10. Theo số thống kê sơ bộ ban đầu mà PV có được, đến tại thời điểm 15h ngày 17/9, toàn thị xã có 18.000 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 300 ngôi nhà bị hư hỏng một phàn, 100% các phường xã bị thiệt hại nặng nề. 453ha nuôi trồng thủy sản mất trăng, 35ha hoa màu mất trắng. Hơn 70% cây cối bị ngã, đổ, gãy.

Theo thống kê sơ bộ, tại TX Kỳ Anh có 18.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng

Còn tại Quảng Bình, tính đến 14h ngày 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của bão số 10, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết là ông Nguyễn Văn Hoa, 50 tuổi, ở xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), 6 người bị thương (Tuyên Hóa 2 người và Bố Trạch 4 người).

Ngoài ra, 13 nhà bị sập ở huyện Quảng Trạch, 1.500 nhà bị ngập ở thị xã Ba Đồn và 49.155 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó: Quảng Ninh 500 nhà; Tuyên Hoá 451 nhà; Quảng Trạch 17.170 nhà; Ba Đồn 15.810 nhà và Bố Trạch 15.224 nhà).

Với những con số như vậy, việc phải mua các vật liệu xây dựng để khắc phục nhà ở như tôn, đinh, ngói để sửa sang lại nhà cửa là cực lớn.

Ở những tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 17h00 ngày 15/9, bão số 10 làm 4 người thiệt mạng (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 1 người). Số người bị thương là 8 (Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 6 người; Thừa Thiên -Huế: 1 người).

Số nhà cửa bị bão làm sập, làm tốc mái, hư hỏng như sau: Nhà bị sập 19 nhà (Quảng Bình: 13 nhà; Quảng Trị: 5 nhà, Thừa Thiên - Huế 1 nhà). Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 23.968 nhà (Hà Tĩnh: 23.219 nhà, Quảng Trị: 85 nhà; Huế: 608 nhà, Quảng Bình chưa có số liệu). Nhà bị ngập: 5.489 nhà (Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà). Bên cạnh đó, nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.

Hiện tại, ở các địa phương mà bão đi qua và những vùng chịu ảnh hưởng của bão số 10 đang tích cực triển khai khắc phục hậu quả sau bão lũ. Theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 10 đã khiến 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng.

Siêu bão đã đi qua, người dân nơi đây đã phải đối mặt với "bão giá", khi trên thị trường các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá. Theo ghi nhận của PV, tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn Kỳ Anh có dấu hiệu "đội giá". Bình thường ngói lợp cừa có giá 3.200 – 3.500 đồng/viên nay 6.000-8.000 đồng/viên; giá tôn 70.000 đồng/m2 nay tăng 100.000 đồng/m2; ngói Phú Phong bình thường 3.500 đồng/viên nay lên 10.000 đồng/viên; ngói lợp Đồng Tâm 20.000 đồng/viên nay 30.000 đồng/viên.

Nhiều hộ gia đình mái tôn bay chỏng chơ khiến thị trường tôn "cháy" hàng sau bão

Một điểm đáng chú ý, giá những mặt hàng trên tăng đều thuộc các đơn vị kinh doanh riêng lẻ, họ lợi dụng mưa bão, nhu cầu mua cao, hàng khan hiếm nên tự động “đẩy” giá khiến người dân khó khăn trong khắc phục hậu quả.

Những hộ dân kinh doanh các mặt hàng này ở đây cho rằng, do hiện nay vẫn đang trong tình trạng mất điện, sự cố điện lưới chưa được khắc phục nên họ phải dùng máy nổ để cắt tôn, điều này làm cho chi phí sản xuất tăng nên giá các mặt hàng mới tăng như thế. Tuy nhiên, theo ý kiến người dân nơi đây, các hộ kinh doanh này đã cố tình lấy lý do "khan hiếm hàng" sau bão để đẩy giá "trên trời".

Thiệt hại sau bão, mái tôn, mái ngói của ngôi nhà hầu hết trên toàn xã phải đảo lại hoàn toàn. Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở kinh doanh tôn, thép, ngói đã "đội" giá lên cao

Trao đổi với PV về vấn đề nan giải trên, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND TX Kỳ Anh rất bức xúc: “Cơn bão số 10 quét qua TX Kỳ Anh để lại hậu quả hết sức nặng nề. Sự tàn phá của nó khiến tan hoang cửa nhà, tài sản của người dân hư hỏng, mất mát. Trong lúc cả xã hội đang chung tay góp sức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tu sửa nơi ở, ổn định đời sống thì đâu đó một số cơ sở kinh doanh lợi dụng sự khốn khó của người dân để nâng giá vật liệu xây dựng lên gấp 2 -3 lần, đó là 1 việc làm cần phải lên án”.

“Hiện chúng tôi đã liên hệ với một số doanh nghiệp cung ứng để cung cấp ổn định giá và thông báo địa điểm đó đến cho người dân đồng thời thành lập tổ kiêm tra, soát giá thị trường một số mặt hàng tránh tình trạng đầu cơ, ép giá trục lợi”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Và ông Vĩnh cũng hy vọng rằng sau khi báo chí phản ánh mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn này với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Khánh Linh

Nguồn ANTT: http://antt.vn/sau-sieu-bao-ton-thep-doi-gia-ca-tep-duoc-mua-209449.htm