SCCP2: Tăng cường an ninh thương mại đảm bảo giao thương giữa các nền kinh tế thành viên APEC

Ngày 20/8, buổi làm việc thứ hai của Cuộc họp Nhóm Tiểu ban thủ tục hải quan (SCCP) APEC 2017 diễn ra trong bầu không khí tích cực. Các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên sẽ tiếp tục trình bày và đề xuất những giải pháp xoay quanh về vấn đề an ninh thương mại được các đại biểu quan tâm như quản lý rủi ro, công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới, hợp tác giữa hải quan các nước.

Tăng cường an ninh thương mại là chủ đề của ngày làm việc thứ hai của SCCP2. Ảnh: Thanh Thủy

Trước đó, trong buổi làm việc đầu tiên của cuộc họp SCCP2, các nội dung được thảo luận xoay quanh các vấn đề gồm: tóm tắt lại kết quả đạt được sau buổi họp SCCP1, sự hợp tác của SCCP với CTI, thực hiện những hiệp định của WTO về tạo thuận lợi thương mại. Trong đó, vấn đề liên quan đến khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng, hệ thống một cửa (single window), doanh nghiệp ưu tiên (AEO).

Về vấn đề an ninh thương mại, dự kiến đại diện chủ nhà Việt Nam sẽ có bài trình bày về sự phát triển về hệ thống quản lý rủi ro trong quản lý hải quan và các đại biểu thành viên sẽ góp ý và chia sẻ thông tin để hoàn thiện hơn. Tiếp đó, sẽ là phiên thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ, đại diện phía Hoa Kỳ sẽ có bài trình bày về tài liệu hướng dẫn quyền sở hữu trí tuệ. Đóng góp vào mục này, đại diện đoàn Việt Nam cung cấp thông tin về hoạt động đấu tranh và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cập nhật về công việc của WCO về thương mại điện tử; Hải quan Indonesia cũng có bài thuyết trình về sáng kiến về dịch vụ bưu điện tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới. Hải quan Nga và Chile cập nhập chương trình khảo sát về văn kiện pháp luật quốc tế để đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa cơ quan Hải quan các nước thành viên APEC. Hải quan Nhật Bản cũng trình bày về hoạt động nâng cao năng lực cho công chức hải quan.

Tất cả những chủ đề được thảo luận trong SCCP2 đều đáp ứng được sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên hiện nay đó là làm thế nào để có thể tiếp cận được với cuộc cách mạng của khoa học công nghệ mới liên quan đến thương mại điện tử, làm thế nào để vừa đồng thời tạo thuận lợi thương mại vừa có thể tăng cường an ninh, an toàn trong thương mại của khối APEC.

Thanh Thủy

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sccp2-tang-cuong-an-ninh-thuong-mai-dam-bao-giao-thuong-giua-cac-nen-kinh-te-thanh-vien-apec.aspx