SCIC khó bán hết VNM

Hôm nay (12-12), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức bán đấu giá 130,6 triệu cổ phần (tương đương 9% vốn điều lệ) tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM), với giá khởi điểm 144.000 đồng/CP. Tuy nhiên, khả năng SCIC sẽ không thể bán hết số cổ phần như mong muốn, do có quá ít NĐT tổ chức đăng ký mua.

NĐT chỉ đặt mua 60%

Theo công bố của SCIC, đợt đấu giá này không phân biệt NĐT trong nước hay NĐTNN, không lựa chọn NĐT chiến lược. Tuy nhiên, đến hết hạn đăng ký tham gia, chỉ có 2 NĐT là tổ chức nước ngoài thuộc Singapore F&N là F&NBev Manufacturing và F&N Dairy Investments đăng ký mua 78,4 triệu cổ phần (tương đương 60% số cổ phần được chào bán). Trước đó, 2 công ty thuộc tập đoàn đồ uống này đã đăng ký mua vào mỗi công ty 39,19 triệu cổ phần (tương đương 2,7% cổ phần của VNM). Hiện tại F&N Dairy Investment đang là cổ đông ngoại lớn nhất của VNM, với tỷ lệ sở hữu đạt xấp xỉ 11% (tương đương 1 tỷ USD), có đại diện là ông Lee Meng Tat trong HĐQT của VNM.

F&N đầu tư vào VNM từ năm 2005 với giá vốn đầu tư rất thấp. Nếu tham gia đấu giá thành công, 2 công ty liên quan đến F&N này sẽ phải chi ra tối thiểu 11.300 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), tỷ lệ sở hữu của F&N tại VNM sẽ tăng từ 11% lên 16,4%. Được biết, F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Tỷ phú này chính là người đã mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam năm 2015, và mua Phú Thái Group vào năm 2013.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, giá CP VNM chốt ở mức 135.800 đồng/CP, thấp hơn giá chào bán gần 8.000 đồng/CP. Như vậy, nhiều khả năng NĐT nhỏ lẻ sẽ không mua CP của VNM và SCIC chỉ có thể bán hết khoảng 60% số cổ phần mang ra chào bán. Đây là điều được giới đầu tư dự báo từ trước, vì ngay sau khi SCIC tổ chức roadshow giới thiệu về đợt chào bán này, giá CP VNM đã liên tục sụt giảm và có thời điểm CP này xuống dưới mốc 130.000 đồng/CP. Với số tiền này, NĐT có nhiều lựa chọn mới đầy hấp dẫn như: SAB (TCTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn), BHN (TCTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội) hay ACV (TCTCP Cảng hàng không Việt Nam).

Chèn Ảnh
Mô tả Ảnh

NĐT không mặn mà

Từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng doanh thu thuần hợp nhất của VNM có xu hướng giảm. Do quy mô doanh thu lớn, tính trên giá trị tuyệt đối, doanh thu của VNM tăng đều khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, việc giá sữa nguyên liệu tăng mạnh từ đầu năm 2016 đến nay, đã khiến NĐT quan ngại về hiệu quả kinh doanh của VNM. Hoạt động kinh doanh của VNM chịu ảnh hưởng lớn bởi giá sữa bột nhập khẩu do chi phí sữa bột nhập khẩu (bao gồm sữa tách béo và sữa nguyên kem) chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí nguyên vật liệu. Theo thống kê, giá nguyên vật liệu sữa năm nay bắt đầu tăng từ tháng 3 đến nay (so với cuối năm 2015 đã tăng 25-30%). Giải thích về hiện tượng này, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM, cho rằng giá sữa nguyên liệu tăng cao do Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung và giá tăng từ đáy, ở mức đáy người dân châu Âu từ chối chăn nuôi, khiến Nhà nước phải trợ giá đẩy giá tăng. Bà Liên khẳng định trong vòng 3-5 năm nữa điều này này sẽ không lặp lại. Trong xu hướng giá tăng này, VNM đã có sự chuẩn bị đối với nguyên vật liệu nhập từ Hoa Kỳ và châu Âu. Hiện tại VNM đã ký kết các hợp đồng về giá sữa nguyên liệu đến tháng 5-2017. Nhờ việc ký hợp đồng tương lai (nhiều kỳ hạn khác nhau nhưng tối đa 1 năm tùy vào dự báo giá của doanh nghiệp), đã giúp VNM không chịu hoàn toàn áp lực từ việc giá sữa nguyên liệu.

Một trong những yếu tố khiến NĐT không mặn mà với VNM là sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, dù doanh nghiệp vẫn đang nắm vị trí dẫn đầu trong ngành sữa. Mức độ cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gia tăng, khiến việc mở rộng thị phần của doanh nghiệp trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, đối với mảng sữa bột, VNM vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu với thị phần khoảng 41% về sản lượng nhờ một số lợi thế cạnh tranh như giá bán hợp lý, uy tín về thương hiệu và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, VNM gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ là các doanh nghiệp nước ngoài, như Abbott (với các thương hiệu Grow, Pediasure, Similac); FrieslandCampina (với các thương hiệu Dutch Lady, Friso, Frisolac); Mead Johnson (với các thương hiệu Enfa, Enfagrow); Nestle (với các thương hiệu Nan, Lactogen, Cerelac). Đối với mảng sữa nước, VNM cũng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 54% theo sản lượng, nhưng sức ép ngày càng lớn với sự xuất hiện của những đối thủ lớn, như FrieslandCampina (thương hiệu Dutch Lady); IDP (thương hiệu Love’in farm); CTCP Sữa TH (thương hiệu TH True Milk); Vinasoy (thương hiệu Vinasoy, Fami). Đối với mảng sữa chua, VNM hiện chiếm thị phần 85% nhưng khả năng sụt giảm thị phần trong thời gian tới rất lớn, với sự cạnh tranh của một số thương hiệu TH True Milk, Dutch Lady, Ba Vì, Well Yo.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161210/scic-kho-ban-het-vnm.aspx