SCIC thừa tiền, start-ups đói vốn

Tháng 5-2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố danh sách 120 doanh nghiệp bán vốn trong năm 2016. Trong số này chỉ có tám đơn vị có số vốn nhà nước đang sở hữu từ 100 tỉ đồng trở lên, còn lại là doanh nghiệp nhỏ, nơi vốn nhà nước từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ đồng.

UBND TPHCM vừa lập một quỹ tài trợ cho start-ups với số tiền ban đầu 30 tỉ đồng. Ảnh TL SGT

Lớn nhất có Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG-HNX) mà hiện Nhà nước đang nắm giữ 58% vốn, tính theo giá trị sổ sách là 2.552 tỉ đồng. Không biết có phải do nằm trong danh sách này mà thị giá cổ phiếu VCG đã tăng gần 30% trong một tháng qua, từ mức trên 10.000 đồng lên 12.800 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 7-6-2016).

Tuy nhiên cá nhân, tổ chức nào sẽ bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để mua cổ phần VCG mà SCIC bán ra là câu hỏi khó cho thị trường bây giờ. Đây không phải lần đầu tiên SCIC muốn thoái vốn khỏi VCG. Những năm trước SCIC cũng đã tìm kiếm người mua, nhưng chưa tìm ra, bởi VCG không phải là một doanh nghiệp kinh doanh “xuất sắc”, trong khi tổng nợ lên tới mười mấy ngàn tỉ đồng, chưa kể những bê bối liên quan đến dự án đường ống nước Sông Đà đã từng gây tốn bút mực của báo giới.

Theo SCIC, trong năm tháng đầu năm nay, tổng công ty đã bán được 985 tỉ đồng vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, thu về 2.817 tỉ đồng. Việc bán hết vốn nhà nước ở 120 doanh nghiệp trong danh sách như dự kiến có lẽ sẽ không dễ dàng, trừ một vài công ty niêm yết trên sàn như Gemadept, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại, Xi măng Sài Sơn, Vinacontrol...

Nếu có điều gì khiến thị trường thất vọng từ danh sách thoái vốn của SCIC, thì đó chính là những doanh nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước vào đầu tháng 10 năm ngoái, như Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... đã không được tổng công ty nhắc đến. Chính phủ giao SCIC lập kế hoạch, chọn thời điểm để thoái vốn một cách hiệu quả nhất. SCIC trả lời chung chung rằng đã và đang tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính về phương án thoái vốn khỏi những đơn vị trên.

Vinamilk thời gian qua đã thay đổi một số chức năng ngành nghề kinh doanh, đăng ký lại kinh doanh để nới room lên 100%. Nhưng việc nới room của Vinamilk sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 40% cổ phần tại đây. Những ý kiến cho rằng Nhà nước nên tiếp tục sở hữu cổ phần tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả để hưởng cổ tức dường như vẫn đang chiếm thế thượng phong so với luồng ý kiến Nhà nước sớm thoái vốn để có tiền đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn cho nền kinh tế như giáo dục, y tế, đầu tư phát triển hay thậm chí là lập một quỹ khởi nghiệp quốc gia với số vốn vài trăm triệu đô la Mỹ. Chỉ cần bán 10% cổ phần Vinamilk đang nắm giữ và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 30%, Nhà nước đã có thể có ngay cả tỉ đô la Mỹ cho start-ups mà vẫn là cổ đông to nhất, đủ sức phủ quyết mọi quyết sách của Vinamilk.

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát bỏ túi và hầu hết các nhà đầu tư đều nói họ không tin SCIC sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk và một số doanh nghiệp khác đã được Chính phủ cho phép trong năm nay. Nới room, thoái vốn nhà nước, giao dịch T+0 là ba trong số những động lực để chứng khoán tăng trưởng nhưng cả ba vẫn đang giậm chân tại chỗ. Nới room tại những doanh nghiệp nhỏ không có mấy ý nghĩa thu hút vốn ngoại. Thoái vốn nhà nước thì lần lữa, còn giao dịch T+0 đã được cơ quan quản lý thị trường cho biết chưa thể thực hiện ngay. Thêm vào đó, mục tiêu nâng cấp chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi còn nhiều điều kiện Việt Nam chưa đáp ứng được, trong đó có vấn đề quy mô và vốn hóa thị trường quá nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam vẫn đang ngoài sàn.

SCIC đã từng được kỳ vọng hoạt động theo mô hình Quỹ Temasek của Singapore. Temasek đã đóng góp công sức, hỗ trợ vốn cho start-ups thông qua việc góp vốn mồi để lập các quỹ khởi nghiệp. Trong các cuộc hội thảo và các hội nghị về start-ups gần đây, không hề thấy sự xuất hiện của SCIC dù tổng công ty đang quản lý chục ngàn tỉ đồng và có tới gần 2 tỉ đô la Mỹ gửi ngân hàng, bao gồm cả tiền của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp. Chúng ta cứ loay hoay vốn ở đâu cho khởi nghiệp, còn vốn mà SCIC đang quản lý thì gửi ngân hàng để hưởng lãi, để có lợi nhuận đẹp trên bản báo cáo tài chính hàng năm.

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của SCIC, số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp mà SICI đang quản lý, đến cuối năm ngoái có tới 37.848 tỉ đồng. Chỉ cần 10% số tiền này là đủ lập một quỹ của Chính phủ để hỗ trợ start-ups. UBND TPHCM vừa lập một quỹ tài trợ cho start-ups với số tiền ban đầu 30 tỉ đồng và sẽ nâng lên 100 tỉ đồng vào năm sau. SCIC hoàn toàn có thể góp ngay hàng ngàn tỉ đồng vào quỹ start-ups của TPHCM và tham gia quản lý. Tại sao không? Chúng ta cứ hỏi cơ chế nào cho start-ups? Cơ chế ấy phải bắt nguồn từ nơi có tiền và tiền đang để không như SCIC!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/147472/scic-thua-tien-start-ups-doi-von.html/