Sẽ bảo vệ quyền lợi của 3 người Việt thiệt mạng ở Angola

“Chúng tôi có một nhóm luật sư có thể tư vấn cho người nhà các nạn nhân cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân nhân một cách tốt và nhanh nhất”, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài cho biết.

Theo ông Hải, người nhà các nạn nhân có thể chủ động liên lạc với Hội để được tư vấn về mặt pháp luật. Hội cũng sẽ thông qua quan hệ với các tổ chức ở các nước để tác động. Bồi thường thỏa đáng cho thân nhân người bị hại Với tư cách là Chủ tịch Hội, ông Hải cam kết sẽ nghiên cứu vụ việc này và sẽ đưa ra những kiến nghị đối với Nhà nước cũng như chính quyền nước sở tại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Đồng thời, ông Hải bày tỏ sự chia buồn đến thân nhân của các nạn nhân trong hai vụ việc nói trên và nói: “Tôi kịch liệt phản đối những kẻ sát nhân đã vô cớ sát hại những lao động vô tội làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Angola. Đó là hành động vô lương tâm cần lên án. Đề nghị những kẻ này phải bị trừng trị thích đáng và bồi thường thỏa đáng về vật chất cũng như tinh thần cho thân nhân người bị hại”. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Lao động Ngoài nước, Bộ LĐTBXH, cho biết: Bộ Ngoại giao và Cơ quan lãnh sự sẽ chủ trì hỗ trợ ba nạn nhân xấu số thiệt mạng ở Angola. Nếu họ sang theo đúng quy định của Luật người Việt đi lao động ở nước ngoài có đăng ký, thì chúng tôi sẽ nắm được vấn đề và xử lý. Tuy nhiên, họ lại sang theo con đường visa du lịch, nhưng họ là công dân Việt Nam nên chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan ngoại giao và lãnh sự xử lý kịp thời. Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Angola để họ được hưởng quyền lợi của mình nếu họ làm việc hợp pháp, có bảo hiểm. Đại sứ Phạm Tiến Nhiền cũng khẳng định: “Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã gửi công hàm tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Bộ Nội vụ Angola, đề nghị điều tra và cung cấp thông tin về ba cái chết của công dân Việt Nam. Phía Việt Nam đã yêu cầu công ty xây dựng phải giải thích và bồi thường cho gia đình nạn nhân Xuân Hóa. Phía sứ quán cũng đã làm việc với người môi giới về vụ án của chị Hải và Xuân”. Cũng theo ông Nhiền, hai vụ án xảy ra với ba công dân VN kể trên là việc rất hãn hữu, tình hình an ninh của người VN đang sinh sống và làm việc tại Angola nhìn chung tốt, không có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, số người lao động VN sang Angola làm việc theo con đường visa du lịch hiện cao gấp ba lần số visa lao động, nên gây khó khăn cho sứ quán và Hội người Việt Nam, nhất là khi chẳng may xảy ra chuyện. Những cái chết bí ẩn Những ngày gần đây, cộng đồng người Việt tại Angola đang xôn xao về những cái chết bí hiểm của ba người Việt Nam làm việc tại thủ đô Luanda theo diện lao động tự do, gồm: chị Nguyễn Thị Hải (35 tuổi, quê ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, có hộ khẩu thường trú ở Giao Thủy, Nam Định); chị Nguyễn Thị Xuân (31 tuổi, ở Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị sát hại ngày 24/2 tại thành phố Genna, cách thủ đô 20 km; và anh Trần Xuân Hóa (43 tuổi, Hùng Sơn, Thanh Miện, Hải Dương) bị giết ngày 17/2 tại thủ đô Luanda. Thi thể các nạn nhân được đưa về nước qua sân bay Nội Bài và an táng tại quê nhà trong ngày 27/2. Theo người nhà của nạn nhân, một số lao động VN làm cùng bà Xuân và bà Hải sau vài ngày không thấy hai người này đi làm, đã đến khu nhà trọ tìm và thấy có nhiều vết máu trong nhà, đồ đạc bị lục tung. Chia nhau tìm kiếm, họ tìm thấy thi thể của hai nạn nhân tại khu vườn sau nhà, trên người có nhiều vết đâm, chém. Em trai của bà Xuân kể: “Trước ngày bị giết, chị tôi có liên lạc với gia đình và nói sẽ gửi về 6.000 USD, nhưng sau đó gia đình liên lạc lại thì không được, vài ngày sau thì nhận được tin dữ. Khi thi thể của chị tôi đưa về nhà, gia đình đã mở một phần quan tài ra xem và thấy trên mặt chị có một vết chém rất sâu ngang mang tai và mặt còn nhiều vết cắt khác...” Về phần ông Hóa, người nhà cho biết, ông xuất cảnh sang Angola theo diện du lịch và làm việc tại đây hơn một năm qua. Đại sứ VN tại Cộng hòa Angola Phạm Tiến Nhiền cho biết: “Vụ án của anh Trần Xuân Hóa xảy ra tại công trường xây dựng của một công ty Braxin. Lúc đó buổi tối, trời mưa, anh Hóa lấy tấm biển báo ở khu vực công trường để che đầu. Không biết có lời qua tiếng lại giữa hai bên hay không, sau đó bảo vệ công trường dùng súng bắn chết anh Hóa. Việc làm này của bảo vệ công trường là sai vì luật pháp Angola không cho phép lực lượng không phải vũ trang được sử dụng súng và lãnh đạo công trường đã nhận lỗi với phía VN”. Hiện, người môi giới Việt Nam của hai bà Xuân và Hải (tên là Tuyết) đã bị nhà chức trách Angola bắt giữ để làm rõ các thông tin liên quan đến các nạn nhân bị sát hại. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất cứ thông tin nào về hung thủ cũng như nguyên nhân các nạn nhân bị giết. Đại diện gia đình các nạn nhân đều cho biết, sẽ làm đơn gửi các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam, nhờ điều tra nguyên nhân cái chết cũng như trách nhiệm của những người đã đưa thân nhân họ sang làm việc ở Angola.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Se-bao-ve-quyen-loi-cua-3-nguoi-Viet-thiet-mang-o-Angola/20103/82445.datviet