Sẽ chẳng còn phải lo lạc hành lý khi đi máy bay?

Nguồn ảnh: Sơn Phạm Cứ 1.000 hành khách đi máy bay thì có 6 người phải “xa rời” hành lý lâu hơn dự kiến.

Nguồn ảnh: Sơn Phạm

Hồi hộp chờ hành lý ký gửi hiện ra trên băng chuyền ở điểm đến là cảm giác thường thấy khi đi máy bay. Dù số hành lý bị thất lạc giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng có một thực tế là cứ 1.000 hành khách thì có 6 người phải “xa rời” hành lý lâu hơn dự kiến (do chờ hãng hàng không tìm hành lý thất lạc) hoặc có thể sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Những sơ sẩy này đã khiến ngành hàng không tổn thất 2,1 tỉ USD mỗi năm và gây ra không ít phiền toái cho hành khách.

Tuy nhiên, từ tháng 6.2018, người đi máy bay có thể an tâm hơn về hành lý ký gửi khi Quyết định 753 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) có hiệu lực. Theo đó, các hãng hàng không bị bắt buộc phải theo dõi 4 giai đoạn trong hành trình di chuyển của hành lý ký gửi: khi hành lý lần đầu được giao cho hãng hàng không, khi được mang lên máy bay, khi được giao cho khu vực chuyển tiếp và khi được chuyển đến hành khách. Quyết định này đã được thông qua vào năm 2013 và áp dụng cho 275 hãng hàng không thành viên của Hiệp hội, vốn chiếm tới 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu.

Tương tự như cách các công ty vận tải theo dõi bưu kiện, hãng hàng không sẽ có thể theo dõi hành lý khi chúng di chuyển qua sân bay và di chuyển qua lại giữa các máy bay, vốn là thời điểm mà gần phân nửa vụ thất lạc xảy ra.

Nhờ theo dõi cả 4 giai đoạn mà hành lý được xếp lên máy bay nhanh hơn và số vụ gian lận hành lý giảm xuống. Trong trường hợp thất lạc, chúng sẽ nhanh chóng được tìm thấy và trả lại cho chủ sở hữu. Các hãng hàng không, sân bay và nhân viên phụ trách hành lý sẽ tiếp cận dữ liệu được chuẩn hóa, cho phép nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn cho hành khách về vị trí hiện tại của hành lý bị thất lạc và sân bay để biết ai chịu trách nhiệm xử lý những hành lý bị thất lạc đó. Sẽ mất ít thời gian và tiền bạc hơn vào khâu làm báo cáo thất lạc hành lý.

Để theo dõi hành lý, nhãn hành lý phải được quét tại 4 giai đoạn của quá trình vận chuyển. Loại nhãn hành lý truyền thống chỉ bao gồm các thông tin như tên hành khách, ngày tháng, điểm đến và dòng mã code và nhãn có thể được quét bằng laser hay bằng tay. Nhưng cách làm như vậy thường sử dụng nhiều lao động mà đôi khi nhãn bị hư hại và dòng mã code không đọc được. Nhưng nay quy định mới buộc ngành hàng không phải sử dụng các công nghệ tân tiến hơn. Chip RFID là một giải pháp thay thế hiệu quả. Theo đó, thông tin về hành lý và hành khách được lưu trữ trong con chip (chip được gắn vào nhãn hoặc bên trong hành lý) và được quét hàng loạt với độ đáng tin cậy gần như 100%.

Qatar Airways, hãng hàng không đầu tiên tuân thủ Quyết định 753, đã đi thêm một bước nữa khi cho phép hành khách tự mình theo dõi hành lý thông qua một ứng dụng. Những công ty khác cũng tận lực hỗ trợ làm thông suốt hành trình vận chuyển hành lý. Horizn Studios (trụ sở tại Berlin) hiện đang bán hành lý được gắn hệ thống theo dõi GPS cũng như thẻ bảo vệ gửi cảnh báo khi ví hoặc hành lý rời xa chủ sở hữu hơn 30m. Trace Me, một công ty nghiên cứu và phát triển của Anh, cho phép khách hàng đăng ký và theo dõi túi xách bằng SITA WorldTracer, một hệ thống theo dõi được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không

Khánh Đoan

Nguồn The Economist

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/kham-pha/se-chang-con-phai-lo-lac-hanh-ly-khi-di-may-bay-3320165/