Sẽ có chính sách riêng về chống chuyển giá trong thương mại điện tử

Đó là ý kiến của đại diện Tổng cục Thuế tại Hội thảo “Chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển châu Á Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 1-12-2016.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo bà Nguyễn Thị Hánh, Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, hiện nay tại Việt Nam đang đứng thứ 17 trên thế giới và đứng thứ 8 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về sử dụng internet với khoảng 42 triệu người (chiếm 45% tổng dân số) đang sử dụng. Ngoài ra, cả nước hiện đang có 130 triệu thuê bao di động trong đó phần lớn là sử dụng điện thoại di động thông minh.

Cùng với sự phát triển của Internet, thương mại điện tử (TMĐT) cũng phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) và cá nhân với nhiều loại hình đa dạng trò chơi trực tuyến, mua bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số. Mua sắm trực tuyến dần trở thành thói quen của đông đảo dân cư và trở nên thường xuyên với các DN.

Trong đó các loại hình kinh doanh TMĐT phổ biến gồm hoạt động quảng cáo trực tuyến, kinh doanh các sản phẩm số; sách điện tử, phim ảnh, ứng dụng, trò chơi điện tử và nhạc; mua bán hàng qua mạng; cung cấp dịch vụ trực tuyến; cung cấp dữ liệu trực tuyến. Ngay từ năm 2013 một số DN của Việt Nam đã được tổ chức Word Starup Report định giá và xếp hạng với giá trị hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Một số DN có doanh thu lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm và đã thực hiện XK sản phẩm TMĐT ra nước ngoài

Về hệ thống pháp luật thuế về giá chuyển nhượng, bà Hánh cho biết, từ tháng 10-2015 ngành thuế đã tổ chức bộ máy quản lí chuyên trách giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và một số Cục Thuế quản lí nhiều DN lớn, phần lớn cán bộ, công chức thuế đã được trang bị những kiến thức cơ bản về quản lí giá chuyển nhượng.

Đối với lĩnh vực TMĐT, ngoài việc quản lí về tình hình kê khai, nộp thuế, ngành thuế cũng đã thực hiện kiểm tra, thanh tra tính tuân thủ của các tổ chức cá nhân, mặc dù vậy, do đặc thù của hoạt động TMĐT khá phức tạp, nhiều sản phẩm số hóa rất khó xác định giá trị thực và giá bán, nhiều sản phẩm là tài sản vô hình, giao dịch trong TMĐT có nhiều điểm khác biệt so với giao dịch thương mại truyền thống dẫn đến việc quản lí thuế về TMĐT gặp nhiều thách thức trong quản lí đối tượng, quản lý kê khai doanh thu, chi phí.

Bên cạnh đó, việc xác định bản chất giao dịch và giá trị, giá bán của sản phẩm vô hình dịch vụ và các sản phẩm số hóa cũng như việc tìm kiến các giao dịch độc lập và các bên độc lập để so sánh trong quá trình xác định giá tính thuế... cũng gặp khó khăn.Chính vì vậy, cho đến nay ngành Thuế cũng chưa thực hiện được một vụ thanh tra nào về giá chuyển nhượng trong lĩnh vực này.

Để nâng cao hiệu quả quản lí giá chuyển nhượng trong TMĐT, theo Bà Hánh, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật (tiến tới có chính sách riêng về quản lí giá chuyển nhượng trong TMĐT), cơ chế phối hợp quản lí, phân loại sản hẩm, quy định chi tiết về cơ sở thường trú, ngành thuế sẽ tăng cường công tác đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách quản lí giá chuyển nhượng và các công chức khác có liên quan. Đồng thời, nhận diện và tập trung thanh tra đối với người nộp thuế có rủi ro cao về trốn thuế hoặc rủi ro cao về tránh thuế thông qua giá chuyển nhượng, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lí, tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài chính,Tổng cục Thuế và các bộ, ngành có liên quan, tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan Thuế nước ngoài.

Nhận định về tình hình chuyển giá tại Việt Nam, Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho biết, hành vi chuyển giá gần đây đã diễn ra khá phức tạp. Cùng với sự phức tạp của nền kinh tế, sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, sự lỏng lẻo trong kiểm soát của các cơ quan chức năng đã tạo lỗ hổng cho DN tìm cách lách luật, thực hiện hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan. Thủ đoạn này không chỉ có các DN, tập đoàn đa quốc gia mà ngay cả các DN trong nước cũng có biểu hiện của hành vi gian lận chuyển giá nội địa.

Theo thông tin từ đại diện Tổng cục Thuế, từ năm 2010, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng đối với nhiều trường hợp trong đó có những trường hợp có số điều chỉnh tăng doanh thu hoặc giảm chi phí lên tới hàng trăm tỉ đồng/hồ sơ.

Ông Hoàng Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG cho biết, Việt Nam là một trong số gần 100 nước có quy định về xác định giá trị trường và được đánh giá nước có hành động nhanh và kịp thời trong sửa đổi chính sách và pháp luật về thuế trong vấn đề giá chuyển nhượng để phù hợp với thực tế và luật pháp quốc tế.

“Vấn đề giá chuyển nhượng không chỉ nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng mà còn nhận được sự quan tâm của các DN và các tập đoàn đa quốc gia. Theo kết quả khảo sát của KPMG hơn 50% DN đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) trong đó có 80% DN ưu tiên xác định giá chuyển nhượng”, ông Dương cho biết.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/se-co-chinh-sach-rieng-ve-chong-chuyen-gia-trong-thuong-mai-dien-tu.aspx