Sẽ có điểm sàn riêng ngành sư phạm: Không để tuyển sinh bằng mọi giá

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý “đầu vào” sẽ có thực trạng nhiều trường tuyển sinh bằng mọi giá. Nếu các trường ĐH Sư phạm lấy điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn thì chất lượng đào tạo sẽ đi xuống.

Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Tại đây, nhiều giải pháp quyết liệt đã được đưa ra thảo luận nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.

Cụ thể, nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Cần phải cân nhắc kỹ khi lấy thí sinh dưới mức điểm sàn

Trước vấn đề siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm cho rằng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã bỏ điểm sàn hệ CĐ nhưng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”, các trường ĐH Sư phạm phải lấy điểm chuẩn trên mức điểm sàn.

Mặc dù Luật Giáo dục ĐH đã cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng vì chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai và vì uy tín đào tạo, các trường ĐH Sư phạm cần phải cân nhắc kỹ khi lấy thí sinh dưới mức điểm sàn.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm 2016, nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ lụy việc buông lỏng quản lý “đầu vào” nên mới có thực trạng nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng mọi giá để có thể tồn tại. Nếu bây giờ các trường ĐH Sư phạm lấy điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn thì chất lượng đào tạo giáo viên sẽ xuống dốc.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, năm nay, những trường ĐH sư phạm truyền thống, có uy tín, chất lượng đào tạo vẫn lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở lên. Trong thực tế chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo tài chính. Do đó, nhiều trường xem việc tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường.

Nếu để đảm bảo kinh phí hoạt động, các trường sư phạm có thể sắp xếp công việc phù hợp như thay vì đào tạo các ngành mới thì nên tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới. Lúc đó, vấn đề chỉ tiêu sẽ không còn quá quan trọng với các trường.

Phải xem lại quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành giáo dục

Cũng liên quan đến việc điểm sàn ngành sư phạm thấp, ông Phạm Tất Thắng Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc cần rà soát và quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, xem lại sự cần thiết của các trường CĐ sư phạm ở mỗi địa phương.

Ông cho rằng, hiện nay các trường phổ thông có nhiều cơ hội lựa chọn, những địa phương có điều kiện tốt thì ngay bậc tiểu học họ cũng tuyển những người tốt nghiệp ĐH. Bên cạnh đó, tình trạng thừa GV cục bộ ở các địa phương, ở một số cấp học, môn học; điều kiện giao thông liên tỉnh hiện nay cũng rất thuận tiện… nên chúng ta cần xem lại hệ thống đào tạo GV theo cách tổ chức mỗi tỉnh thành có một trường sư phạm có còn hợp lý hay không.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Ông Thắng cho rằng việc quy hoạch các trường nên đầu tư, xây dựng các trường sư phạm lớn, có chất lượng theo vùng, khu vực để đào tạo GV cho một khu vực nhất định. Mỗi cơ sở sẽ đào tạo GV dạy nhiều cấp học chứ không nhất thiết phải phân chia bậc trung cấp, bậc CĐ thì đào tạo GV dạy cấp học nào như hiện nay. Làm được như vậy thì chất lượng giáo sinh ra trường chắc chắn sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần xem lại quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành giáo dục. Có một thực tế là dù thời điểm này ở địa phương không cần lắm về nguồn nhân lực do những trường CĐ, ĐH sư phạm địa phương đào tạo ra nhưng năm nào các trường đó vẫn tuyển sinh, vẫn đào tạo. Đào tạo không có địa chỉ, không theo nhu cầu nhưng vẫn phải làm để duy trì sự tồn tại của chính họ.

Do vậy, chất lượng đầu vào thấp, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao mà vẫn thiếu GV cục bộ… là thực tế khó tránh. Điều này vừa lãng phí nguồn lực vừa tô đậm thêm “bức tranh màu trầm” về tỷ lệ thất nghiệp trong chính ngành giáo dục.

Tú An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/se-co-diem-san-rieng-nganh-su-pham-khong-de-tuyen-sinh-bang-moi-gia