Sẽ có sân Hàng Đẫy mới hiện đại bậc nhất

Ngày 6.2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở VHTT kiểm tra hiện trạng các cơ sở TDTT do đơn vị này quản lý để tiến tới bàn giao cho các CLB thể thao, trong đó có việc bàn giao SVĐ Hàng Đẫy cho CLB bóng đá Hà Nội. Lãnh đạo CLB Hà Nội cũng đã mời các kiến trúc sư Châu Âu thiết kế 3 phương án trình TP. Hà Nội để xây mới SVĐ có lịch sử gắn liền với bóng đá Việt Nam này.

Chứng nhân lịch sử của bóng đá Việt Nam

Khi chủ trương giao sân Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội được hiện thực hóa và đề án xây dựng SVĐ mới được thông qua, đây sẽ là một cột mốc lịch sử với SVĐ đã 59 tuổi này. Kể từ khi được khánh thành vào năm 1958, Hàng Đẫy trở thành chứng nhân lịch sử của bóng đá Việt Nam với nhiều thăng trầm cùng biết bao thế hệ cầu thủ, VĐV.

Cựu danh thủ Thể Công - Vũ Mạnh Hải - chia sẻ: “SVĐ Hàng Đẫy đã gắn bó với cả sự nghiệp cầu thủ của tôi từ trận đầu tiên thi đấu cho đội 1 năm 1970 Thể Công đến khi kết thúc sự nghiệp năm 1981, hay là những trận đấu với các đội bóng Liên Xô (cũ), Cuba, Trung Quốc, các trận derby với Công an Hà Nội cũng đều rất đáng nhớ. Biết bao cảm xúc thăng trầm của đời cầu thủ đều đọng lại ở Hàng Đẫy. Cuộc đời cầu thủ của chúng tôi đều gắn bó với nơi này, tất cả những vui buồn, vinh quang, nước mắt đều ở nơi đây.

Vết nứt trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Đ.H

Với cầu thủ chúng tôi và người dân Hà Nội thì SVĐ Hàng Đẫy giống như một thánh địa bóng đá. Một SVĐ đã chứng kiến những điều tinh tú nhất của bóng đá Hà Nội và Việt Nam. Bởi hơn nửa thế kỷ qua, đã có nhiều sự kiện bóng đá từ cấp độ CLB lẫn ĐTQG đều diễn ra tại đây. Với tất cả những điều đó, tôi mong rằng SVĐ Hàng Đẫy sẽ được giữ lại một phần kỷ niệm nào đó để làm nhân chứng lịch sử, chứ đừng xóa bỏ hết mọi thứ giống như sân Cột Cờ trước đây. Đó là sân bóng có cả trăm năm tuổi nhưng giờ đã không còn nữa”.

Cựu danh thủ Thể Công và ĐTQG Hồng Sơn nhắc lại những kỷ niệm ở sân Hàng Đẫy đã gắn bó không chỉ với sự nghiệp cầu thủ mà còn cả với tuổi thơ của anh. “Vào những năm 1080, khi tôi 10 tuổi đã được các chú, các bác dắt đến sân Hàng Đẫy xem những trận đấu tuyển quốc gia thi đấu với các đội bóng quốc tế hay những trận đấu của Thể Công, Công an Hà Nội… Đó là nơi đã chứng kiến và sản sinh ra biết bao nhiêu thế hệ danh thủ...

Năm 2016, trước thềm VCK U.19 Đông Nam Á, SVĐ Hàng Đẫy xuất hiện những vết nứt lớn tại khán đài A và Ban quản lý sân đã phải gắn biển báo “khu vực nguy hiểm cấm ngồi”. Tuy nhiên, vết nứt này nằm ở phần nối giữa khán đài cơi nới thêm, không ảnh hưởng đến kết cấu tổng thể của sân. Ban quản lý sân và Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội đã báo cáo Sở VHTT Hà Nội về tình trạng của sân để xin ý kiến và biện pháp sửa chữa.

Sân Hàng Đẫy cùng với Cột Cờ đều là những chứng nhân lịch sử mà những người yêu mến Thể Công đều nhớ. Đó là nơi đã đọng lại những hoài niệm, ký ức đẹp mà mỗi người dân thủ đô đều nhắc đến trên bàn trà hay trong cuộc sống. Người Hà Nội yêu Thể Công dù đi xa, khi có dịp trở về vẫn dành thời gian đến Hàng Đẫy để tận hưởng không khí bóng đá nơi đây. Tôi cho rằng, đó chính là linh hồn, là nơi để người ta đến chia sẻ với nhau vui buồn, những điều trong cuộc sống thông qua bóng đá”.

Nói về việc SVĐ Hàng Đẫy sẽ được xây mới, Hồng Sơn cho biết: “SVĐ Hàng Đẫy vẫn luôn đọng trong ký ức mọi người. Tuy nhiên, khi bóng đá phát triển theo xu hướng hiện đại, cần có những thay đổi sao cho phù hợp với mô hình chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của AFC, FIFA. Tôi cho rằng đó là xu hướng tất yếu”.

SVĐ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo CLB Hà Nội cho biết CLB đã thuê các kiến trúc sư Châu Âu thiết kế 3 mô hình để đưa ra thuyết trình trước TP. Hà Nội và lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Việc giao SVĐ cho các CLB được xem như xu hướng tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp, những nền bóng đá phát triển trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Trước đó, Sở Xây dựng có đề xuất đầu tư hơn 50 tỉ để sửa chữa lại sân. Tuy nhiên, phương án này sau đó đã không cần thiết nữa do TP. Hà Nội đã quyết định giao sân cho CLB Hà Nội. Được biết, nguồn kinh phí xây dựng sân được huy động chủ yếu từ Tập đoàn T&T.

Thực tế, mô hình giao SVĐ cho CLB khai thác, sử dụng không mới ở Việt Nam. SVĐ Cẩm Phả đã được giao cho CLB Than Quảng Ninh khai thác, sử dụng khá hiệu quả, nhờ đó Cẩm Phả mới có cơ hội thay da đổi thịt nhờ vào khoản kinh phí khủng đầu tư, cải tạo.

Cũng theo lãnh đạo CLB Hà Nội, do diện tích xây dựng hạn chế nên SVĐ Hàng Đẫy mới sẽ có không quá 30.000 chỗ ngồi. Đây sẽ là sân hiện đại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, có tầng hầm để mở các dịch vụ kèm theo như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm…, các phòng chức năng, khu VIP sẽ rất tiện nghi, hiện đại, được coi là điểm nhấn của SVĐ mới.

Trong thời gian xây dựng, CLB Hà Nội có thể chọn sân Mỹ Đình làm sân nhà tạm thời. Mới đây, trong cuộc khảo sát của LĐBĐ Châu Á (AFC), sân Hàng Đẫy không đảm bảo tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu của AFC Champions League và CLB Hà Nội cũng đã phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà.

Trao đổi với Lao Động, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Hiện tại chủ trương đã có nhưng chúng tôi phải chờ hoàn thành thủ tục pháp lý mới bàn giao. Bên phía đơn vị tiếp nhận sân Hàng Đẫy phải có đề án nhận sử dụng và khai thác như thế nào để báo cáo TP. Hà Nội, còn đề án xây dựng SVĐ mới thì phía CLB Hà Nội sẽ gửi trực tiếp lên TP. Hà Nội”.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/se-co-san-hang-day-moi-hien-dai-bac-nhat-636720.bld