Sẽ không còn "bản 7 không"

Với sự hỗ trợ của VNPT, Là Si sẽ không còn được biết đến như là một bản 7 không: “không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không thông tin, không thủy lợi”.

Nơi nghèo khó bủa vây Từ quốc lộ 4D vào đến trung tâm bản Nậm Ló, xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chỉ có một con đường đèo độc đạo dài gần 30 km toàn đá hộc, ngoằn ngoèo. Mặt đường rộng khoảng 1m, vừa cho 1 chiếc xe máy “bò”, chênh vênh giữa đồi núi trùng điệp, một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực thẳm. Nhiều đoạn khúc khuỷu, qua suối, dốc cao, đá gộc to, chỉ có cách xuống xe, vừa đi vừa đẩy vừa bê. Như để trấn an, anh lính Biên phòng Lường Văn Vân (Đồn Biên phòng Pa Tần) vừa đi vừa pha trò. Vân kể ngày đầu hành quân vào bản, cuốc bộ mất nửa ngày đường, sau đi bằng xe máy mất khoảng 2 tiếng, nguy hiểm, nhưng tuần hai lần ra vào, đi nhiều thành quen. Dù quen đường thì lính Biên phòng cũng chỉ "thảnh thơi" vào mùa khô, chứ vào mùa mưa thì chật vật lắm. Nậm Ló có 11 hộ, hơn 50 khẩu người dân tộc Mảng (cùng với dân tộc La Hủ là 2 dân tộc chỉ có ở Lai Châu). Anh em Biên phòng quen gọi là "Nậm Ló 4 không”, vì điện, đường, trường, trạm đều chưa có. Đồng bào ở đây quanh năm chỉ làm được một vụ nương rẫy, nên cuộc sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp của Chính phủ. Cũng như Nậm Ló, bản Là Si, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) là bản tận cùng miền Tây Bắc, giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và là vùng thượng lưu sông Đà. Cả bản Là Si có 41 hộ người La Hủ với 212 nhân khẩu sống rải rác thành 4 chòm bản. Cứ 5 hộ lại sống thành một chỏm bản xung quanh một quả núi, từ chỏm này sang chỏm khác có khi mất nửa ngày, thậm chí cả ngày đường leo núi. Hầu hết các gia đình ở Là Si đều trong diện đói nghèo, khó khăn lớn nhất của đồng bào là thiếu đất canh tác và không có kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt... Giao thông không thuận tiện, đặc biệt là vào mùa mưa, nên đồng bào La Hủ gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nếu Nậm Ló là "bản 4 không" thì Là Si được biết là một bản có đến 7 không: “không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không thông tin, không thủy lợi”. Y sỹ Phạm Duy Ninh (Đồn Biên phòng 311) cho biết, ở Là Si, một đứa trẻ sinh ra gần như không có sự chăm sóc nào đặc biệt. Dù trở dạ trong góc nhà hay ngoài bìa rừng, người mẹ đều phải tự mình xoay xở : Khỏe thì sống, yếu thì chết. Thậm chí chỉ cách đây vài năm, người phụ nữ La Hủ vẫn để mình trần, chỉ khi cán bộ Biên phòng đến tuyên truyền, vận động, tục này mới được thay đổi. Sống “nguyên thủy” như vậy nên dân số người La Hủ suy giảm rất nhanh và đã được liệt kê vào danh sách cần được bảo tồn. Chúng tôi dừng lại trước lán nhỏ của gia đình anh Lù Lí Sinh. Mới 18 tuổi nhưng Sinh đã có vợ và hai con. Túp lều của gia đình Sinh rộng chưa tới 10m2 xiêu vẹo, che đậy bằng mấy tấm phên nứa rộng hoác. "Tài sản" giá trị của gia đình này là hai chiếc xoong méo mó, đen xì nằm chỏng chơ bên đống tro nguội lạnh, vài chiếc áo rách cuộn tròn trên chõng tre. Không sõi tiếng Kinh nên Sinh nói chuyện với tôi bằng tiếng La Hủ qua phiên dịch của mấy anh lính Biên phòng. Khi được hỏi, bây giờ thích nhất điều gì, Lù Lí Sinh ngượng ngùng "mình chỉ mơ ước có ngôi nhà tốt hơn để không bị mưa, gió và có đất để trồng trọt để đủ ăn…". "Ngôi nhà" của gia đình chị Lỳ Sế Pư. Nhà chị Lỳ Sế Pư (ở chòm 1 bản Là Si), cũng không hơn gì căn nhà của Lù Lí Sinh. 30 tuổi chị Pư đã có 4 đứa con, đứa đầu 12 tuổi, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm ngửa. Vừa cho con bú, Pư vừa bày một xoong củ mài luộc còn sượng, nhựa thâm sì cho ba đứa trẻ ăn trưa. Những ánh mắt ngây thơ, pha lẫn sợ sệt khi nhìn thấy người lạ nhưng thi thoảng chúng vẫn cắn một miếng củ mài ăn ngon lành. Tương lại mới cho Nậm Ló, Là Si Chúng tôi lên Là Si đúng ngày đoàn công tác của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) lên triển khai dự án xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng giám đốc VNPT, cho biết thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, VNPT đã quyết định đầu tư 200 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Lai Châu để phát triển kinh tế xã hội, nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững tại 2 huyện Mường Tè, Sìn Hồ. VNPT sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu xóa toàn bộ nhà tạm cho đồng bào dân tộc; khám chữa bệnh cho người dân; xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho học sinh; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh dân tộc Mảng, La Hủ; đào tạo và phát triển nghề; từ 2009-2015 đầu tư xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin… Đại tá Trần Hữu Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Lai Châu, cho biết, từ nguồn hỗ trợ của VNPT, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đang tập trung nguồn lực, huy động 100% quân số, với quyết tâm ngay trong năm 2009 này sẽ hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất là xóa nhà tạm cho đồng bào La Hủ, Mảng tại 2 huyện Sìn Hồ, Mường Tè. Riêng Nậm Ló, Là Si sẽ có nhà ở kiên cố ngay trong tháng 11/2009. Bà con sẽ được về ở tập trung trong bản để bộ đội Biên phòng dạy cách làm kinh tế tại chỗ, học cái chữ, từng bước xóa tập tục du canh du cư, ổn định đời sống. Đại tá Trần Hữu Phúc khẳng định: "Chúng tôi biết việc giúp người La Hủ ở Là Xi, người Mảng ở Nậm Ló vẫn còn đó nhiều khó khăn phía trước, nhưng bộ đội Biên phòng Lai Châu sẽ quyết tâm giúp đồng bào đổi đời". Tổng Giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng cùng lãnh đạo huyện Sìn Hồ và Bộ đội Biên phòng Lai Châu tham gia Lễ động thổ nhà tình nghĩa VNPT tặng gia đình chính sách huyện Sìn Hồ. Lại mất 5 tiếng dò dẫm trên con đường xuyên rừng, chúng tôi mới ra tới quốc lộ 4D khi mặt trời đã dần khuất sau những dãy núi trùng điệp. Phía sau núi cao và mây mù ấy, cuộc sống vẫn còn rất nhiều gian khó. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, một tương lai tốt đẹp đang đến với những đồng bào nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2009/10/121271.cand