Sẽ không kiểm soát được lạm phát?

TP - TS Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Khoa học Thị trường Giá cả cho rằng, giá các nguyên liệu đầu vào như xăng, điện, nước… tăng sẽ tạo xu thế vòng xoáy kéo theo hàng hóa, dịch vụ khác cùng tăng giá và lạm phát không kiểm soát được.

TPHCM và Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2 ở mức rất cao. Theo ông mức giá điện dự kiến tăng từ 1-3 tới và giá xăng vừa qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI và nguy cơ lạm phát? Theo tôi, chỉ số giá tháng 2 của cả nước sẽ khoảng 2%. CPI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng tăng 1,68%, còn CPI ở Hà Nội tăng 2,61%. Với mức tăng CPI 2% của tháng 2 cộng với mức tăng của tháng 1 thì CPI của hai tháng đầu năm đã ở mức 3%. Thông thường theo quy luật, tháng 3 là tháng CPI phải giảm và nếu tăng thì sẽ rất là thấp, kỳ vọng ở dưới 0,5% thì mới giữ được mức tăng CPI cả năm dưới một con số. Còn nếu tháng 3 CPI tăng từ 0,5% đến 1% thì chỉ qua hai tháng có thể thấy khó giữ được CPI cả năm dưới 7%. Việc tăng giá xăng 590 đồng/lít sẽ tác động vào giá tháng 3. Có thể nói chọn thời điểm để tăng giá như hiện nay là không phù hợp. Điều chỉnh giá điện, theo tôi, nếu để qua tháng 3 thì tốt hơn. Vì các tháng 3, 4 và 5 là khoảng thời gian kinh tế chịu tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ của năm 2009 rất rõ. Theo ông, với đầu vào tăng như vậy thì trong thời gian tới giá hàng hóa sẽ thế nào? Nếu không kiểm soát tốt thì CPI có thể tăng tới hai con số. Cái sợ nhất của câu chuyện tăng giá là tạo ra xu thế vòng xoáy. Giá cứ tăng và liên tục tăng, kéo theo hàng hóa, dịch vụ khác cùng tăng giá và lạm phát không kiểm soát được. Ông có nói, thời gian tới, tác động của việc nới lỏng tín dụng năm 2009 thể hiện sẽ rõ hơn. Vậy tác động này sẽ như thế nào? Độ trễ của việc nới lỏng tín dụng sẽ là 5-6 tháng. Như vậy đến tháng 4, 5 giá sẽ tăng rất cao. Vì khi tháng 3 CPI không giảm được do tác động của giá xăng, giá điện tăng thì tháng 4, 5 khả năng giá hàng hóa tăng cao là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta phải lựa chọn tăng giá điện hay ổn định vĩ mô để phát triển. Cùng với đó, nếu lạm phát trong nửa năm 2010 mà lên 6% thì buộc phải siết chặt tín dụng. Từ cuối 2009, việc siết tín dụng đã làm rồi và doanh nghiệp cũng kêu rất nhiều. Nếu quý I-2010, mức tăng trưởng đạt thấp thì sẽ phải nới tín dụng. Tuy nhiên, khi nới thì sẽ kéo theo chỉ số giá tăng cao và sẽ lại phải siết tín dụng lại. Việc siết chặt này sẽ tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng và các doanh nghiệp sẽ khốn đốn. Thậm chí là nếu siết theo kiểu sốc, trong nửa cuối năm 2010 là phải quay sang chống lạm phát. Việc giá xăng tăng, theo giải thích của các doanh nghiệp là do tác động của tỉ giá tăng cao. Ông đánh giá việc này thế nào? Tỷ giá tăng là một phần. Theo Nghị định 84 thì việc giá xăng tăng giảm tính theo giá bình quân trong 20-30 ngày và chỉ mang tính thời điểm. Nghị định 84 “giao quyền” tăng giá trong khoảng cộng trừ 7% cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp dường như chỉ quan tâm cộng 7% còn trừ không thấy nói đến. Ngay cả việc lúc giảm được thì tại sao không giảm, mà tăng thì lại tăng ngay?. Việc tăng giá được lý giải là giá dầu thô và giá dầu thành phẩm tăng, là không thuyết phục. Ví dụ, theo Nghị định 84 thì có ít nhất 11 yếu tố cấu thành giá xăng dầu, nhưng tất cả các yếu tố đó lại không được làm rõ. Dù doanh nghiệp giải thích thế nào thì cũng khó thuyết phục vì cho đến nay chỉ thấy tăng giá chứ không giảm. Nhà nước nên đặt ra trần để họ cạnh tranh bằng cách hạ giá, không cạnh tranh bằng cách tăng giá. Bây giờ doanh nghiệp không có mục tiêu gì để giảm giá, mà chỉ tăng giá thôi. Phạm Tuyên Thực hiện Tháng 1, tháng 2 là những tháng đầu năm, đúng Tết Nguyên đán, nên các doanh nghiệp chưa sản xuất mạnh và chưa thực sự bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Tiến độ sản xuất sẽ tăng trở lại từ tháng 3. Với quyết định thực hiện tăng giá điện từ tháng 3 và thông tin được đưa ra sớm, sẽ giúp các DN sớm hoạch định chiến lược kinh doanh cả năm, sớm tính toán được chi phí đầu vào để chủ động có các biện pháp quản lý, tiết giảm chi phí hợp lý cũng như có chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu thời điểm tăng giá chậm lại, sẽ khiến các DN bị động, và sẽ làm xáo trộn mọi phương án, mọi tính toán của DN. Khi các bộ trình phương án tăng giá đều đã tính toán các yếu tố đầu vào sẽ là bao nhiêu, tác động đến giá cả, lạm phát thế nào. Về nguy cơ lạm phát cao, ông Thỏa lưu ý không thể chủ quan, mục tiêu giữ CPI cả năm ở mức 7% là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng khó vẫn phải làm và để làm được cần phải có sự quyết liệt thực hiện ngay từ đầu và cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát thị trường, công tác quản lý giá phải được làm quyết liệt và triệt để. Các yếu tố hình thành giá của DN phải được kiểm tra chặt chẽ, tránh việc DN lợi dụng giá điện, giá xăng dầu tăng để đẩy giá tăng. Đặc biệt là kiểm tra sát sao các DN đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để chuẩn bị hàng hóa trước Tết phải nghiêm túc giữ ổn định giá bán, không được lợi dụng nhu cầu tăng, lợi dụng chi phí đầu vào tăng để tăng giá bán không hợp lý. Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=187129&channelid=3