Sẽ rà soát những nhà máy nhiệt điện xả thải

Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặt ra tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận trong buổi sáng ngày 7/10. Tại buổi làm việc này, nhiều vấn đề cấp thiết đang đặt ra như tìm đầu ra cho trái cây thanh long, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, gắn với việc gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Chăm.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm lắng nghe các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Bình Thuận.

Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Tấn Hùng và đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

>> Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VIệt Nam dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận

Tiềm ẩn sự cố môi trường

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có mối liên hệ chặt chẽ và chịu ảnh hưởng tác động mạnh mẽ của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, 9 tháng đầu năm 2016, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ.

Tuy nhiên, hiện nay tại Bình Thuận có một số vấn đề tồn tại nhất là những nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường.

Báo cáo với đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị trung ương giám sát, theo dõi chặt chẽ hơn Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân theo trường hợp đặc biệt.

Bởi trong thời gian qua quá trình thi công và hoạt động, một số dự án đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động phát sinh bụi, xỉ than.

Mặt khác, những năm gần đây nhất là từ năm 2015, hiện tượng xâm thực bờ biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân liên tục gây sạt lở bờ biển làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống, kinh tế-xã hội của địa phương.

Do nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường tại các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát đánh giá lại tổng thể các tác động đối với môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, để có các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường một cách căn cơ, bảo đảm an toàn môi trường ở mức cao nhất.

Về vấn đề này, PGS TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, nhà máy Vĩnh Tân đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng cần tiếp tục làm rõ tác động đối với môi trường nước và ô nhiễm biển.

“Vừa qua việc di dời san hô ở Vĩnh Hảo là do ảnh hưởng của dự án này. Cần phải thường xuyên giám sát, có quan trắc, bởi sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì quá trình vận hành là có vấn đề. Phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng, kể cả ở Ninh Thuận, chứ không đơn thuần là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó”, ông Tuấn khẳng định.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận.

Xây dựng hồ trữ nước theo vùng

Trong những năm qua, Bình Thuận rất chú trọng đến công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Đây cũng là địa phương có tiềm năng triển vọng trong việc khai thác titan.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng, với quy hoạch công nghiệp ti tan, tất cả các dự án khác phải dừng lại, bởi theo Luật Khoáng sản, nơi nào có khoáng sản thì tất cả cây trồng nhà cửa không được xây dựng, gieo trồng. Điều này đã gây ra tình trạng nhiều dự án bị kéo dài, từ đó làm nản lòng các nhà đầu tư.

Chưa kể, khai thác sa khoáng titan cần rất nhiều nước. Tuy nhiên, thực tế nước trong các công trình thủy lợi ở Bình Thuận còn chưa đủ cho sản xuất nông nghiệp nên không đủ cho khai thác sa khoáng ti tan. Bình Thuận đành phải dùng lượng nước ngầm.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận điều này đã gây ra các nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước ngầm, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Liên quan đến những vấn đề thiếu nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu nhi của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, Bình Thuận cần phải đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng hồ trữ nước theo vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình tìm hướng đi cho các loại cây trồng mới, theo bà Hoàng Thị Hoa, cần phải tìm ra những loại cây trồng có áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao thích hợp với thổ nhưỡng và biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Không quyết liệt sẽ mất cây thanh long

Trân trọng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Bình Thuận trong những năm qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng bày tỏ nhiều chia sẻ của ông với những khó khăn mà Bình Thuận đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho việc phát triển kinh tế ở địa phương, trong đó có cây thanh long.

Thanh long là cây hàng hóa lớn nhất của Bình Thuận tuy nhiên thời gian vừa qua thanh long không còn là cây giúp người dân Bình Thuận xóa đói giảm nghèo nữa vì “vướng” phải những trở ngại như bệnh đốm nâu vì hiện nay bà con dùng phân hóa học nhiều... mà nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng “sẽ là hậu quả lớn nếu không khắc phục được căn bệnh đốm nâu trên cây thanh long”.

Trước tình trạng này, ông Lê Quốc Doanh cho rằng, Bình Thuận không nên mở rộng diện tích trồng thanh long nữa (hiện đã có 27.000 ha - PV) mà cần tăng cường nâng cao năng suất, chất lượng, rà soát, áp dụng các mô hình canh tác thân thiện hơn.

Khó khăn lớn thứ hai là câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm chủ lực này.

Để giải quyết theo ông Lê Quốc Doanh, Bình Thuận cần thực sự quan tâm đến đề xuất của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là Bình Thuận cần phải liên kết lại, cần xây dựng hợp tác xã kiểu mới.

“Trước thời điểm Quốc hội khai mạc tới đây chúng tôi sẽ trở lại Bình Thuận để tiến hành một chương trình sơ kết riêng về cây thanh long. Chúng ta không thể để trái cây của chúng ta cứ lang thang theo kiểu sáng giá 10 chiều giá 8. Nếu chúng ta không quyết liệt làm sớm chúng ta sẽ mất cây thanh long“.

Gìn giữ giá trị lịch sử của người Chăm

Bình Thuận với đặc thù là có 35 dân tộc thì có 34 dân tộc là đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống trong đó giá trị lịch sử văn hóa của người Chăm được xem là nổi bật. Việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa đồng bào Chăm đang đặt ra nhiều thách thức.

GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử của người Chăm, Bình Thuận cần phải đặt ra một chiến lược toàn diện để gìn giữ phát huy vì Bình Thuận được xem là Vương quốc cuối cùng của nước Chămpa.

GS Đỗ Quang Hưng đặt ra ba vấn đề.

Thứ nhất là cần phải tôn vinh những trí thức, danh nhân văn hóa của người Chăm vì cộng đồng Chăm rất lớn.

Các khách mời tham dự buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình thuận.

Thứ hai là bộ thư tịch cổ của người Chăm. Theo Giáo sư Hưng, Bình Thuận sở hữu nguồn thư tịch rất nhiều, thư tịch này chính thức có, không chính thức có và liên quan đến tiến trình của cả dân tộc chứ không chỉ người Chăm.

“Nếu chúng ta không khôi phục thì nguồn tư liệu quý giá này sẽ bị “tuồn” ra nước ngoài lúc nào không hay. Hiện nay, nhà nước đang biên soạn một bộ Quốc sử và trong đó lịch sử của đồng bào Chăm, Vương quốc Chămpa là một phần, một bộ phận của tiến trình lịch sử đó”-GS Đỗ Quang Hưng khẳng định.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm bảo tồn gắn với phát triển, GS Hưng cũng cho rằng, cần phải bảo tồn chữ viết cổ của người Chăm.

Bởi lực lượng trí thức, danh nhân người Chăm còn ít cho nên việc gìn giữ chữ viết người Chăm đang gặp khó.

Hiện nay, nhiều người Chăm chỉ nói được tiếng dân tộc mình nhưng lại không viết được. Đó cũng là một trong những trăn trở mà Mặt trận Bình Thuận đang tìm cách cùng với các cấp chính quyền gìn giữ và phát huy.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Phát huy gìn giữ văn hóa của đồng bào Chăm như thế nào là một vấn đề quan trọng, tuy nhiên theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nên bắt đầu từ những việc làm thực tế để làm sao góp phần xây dựng khối đại đoàn kết.

Với đặc điểm của đồng bào Chăm, một dân tộc có hai đạo; có tôn giáo nhưng không có trường đào tạo, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đặt ra cho tỉnh là làm thế nào để bà con bắt kịp với nhịp độ phát triển.

Đồng thời nên hình thành đề tài về phương thức phát huy văn hóa trong đồng bào Chăm, có nghiên cứu bài bản để xây dựng đề án này.

Tiết kiệm nước, hiện đại hóa cây thanh long

Đánh giá cao nỗ lực của Bình Thuận trong việc triển khai nhiệm vụ kinh tế, xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, riêng về vấn đề nước, dù tỉnh đã có chiến lược ở tầm quốc gia nhưng cần phải có kế hoạch dành ngân sách trong 5 năm.

Không chỉ nhà nước, mà các thành phần khác cũng phải lo trữ nước. “Phải làm sao chung sống với tình trạng ít nước mà không thiếu nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Nhắc tới kinh nghiệm của Singapore, cách đây 15 năm không có nước, phải nhập nước từ Malaysia, nhưng hiện nay trở thành nước xuất khẩu nước.

Singapore đã xây dựng hệ thống trữ nước ngầm, công nghệ tái sinh nước…, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, Bình Thuận nên tham khảo và nghiên cứu mô hình này.

Đối với việc phát triển cây thanh long, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có chiến lược hiện đại hóa với cây thanh long.

Từ thay đổi phương thức sản xuất: Chuyển từ hộ cá thể sang mô hình liên kết, thành lập HTX đến việc tiêu thụ sản phẩm gắn với hiện hóa công nghệ, hiện đại hóa tiêu thụ sản phẩm bằng các chương trình xúc tiến quốc gia.

“Với 27.000 hecta thanh long, 30.000 hộ sản xuất thanh long, phải tổ chức lại mô hình sản xuất. Cá thể là mô hình lạc hậu, không phải mô hình hội nhập. Không thể cấp chứng chỉ xuất xứ cho 30.000 hộ được, vì thế khó xuất khẩu. Chỉ khi nào vào HTX mới giám sát lẫn nhau để thực hiện các tiêu chí hiện đại”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bình Thuận vốn là địa phương cung cấp con giống hải sản nổi tiếng. Nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nếu việc vận hành nhà máy nhiệt điệt đe dọa đến chất lượng con giống này thì phải tạm dừng, nhất là việc xả thải.

“Trong kiến nghị của Mặt trận tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị rà soát toàn bộ hệ thống nhiệt điện quốc gia về xả thải. Ở Trà Vinh, cũng đang phải tính lại quy hoạch nuôi tôm do nhà máy nhiệt điện Duyên hải chưa chốt được phương án xử lý xỉ thải”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chiều ngày 6/10, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã đến khảo sát mô hình trồng thanh long của gia đình ông Huỳnh Văn Bảy, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tình Bình Thuận.

* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Phát triển theo hướng tiết kiệm nước

Nước là vấn đề phát triển then chốt của Bình Thuận. Với đặc điểm lượng mưa ít của Bình Thuận, mùa mưa kết thúc sớm, đến muộn thì phải hình thành các hệ thống hồ, chuyển từ chỗ nhiều xuống ít. Trong bối cảnh đất thấm rất nhiều nước thì chúng tôi phải thực hiện kiên cố hóa kênh mương và tiến hành xem xét cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng tiết kiệm nước.

Tôi thấy người dân cầm vòi phi 34 để tưới nước cho cây thanh long mà xót lắm vì như thế rất phí nước.

Trong bối cảnh này, người dân cũng phải chủ động tìm nguồn nước trong trang trại, không lý gì trang trại 10 hecta mà lại không có hồ trữ nước.

PGS.TS Võ Sỹ Tuấn:
Ô nhiễm môi trường đang gây ra phân hóa xã hội

Tình hình ô nhiễm môi trường thực tế nặng nề hơn nhiều so với những báo cáo. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây phân hóa xã hội, đơn cử như gây xung đột giữa doanh nghiệp và người dân. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thì rất nguy hiểm, dẫn đến phân hóa trong xã hội, cản trở sự phát triển.

Theo đó, phải bảo đảm sự phát triển bền vững, có sự hợp tác giữa chính quyền-doanh nghiệp-người dân trên cơ sở minh bạch mọi thông tin.

Ông Trần Tấn Hùng:
Gắn phát triển tôn giáo với phát triển du lịch

Người Chăm có hai tôn giáo lớn là Bàni và Bàlamôn đã được công nhận để hai tôn giáo này hoạt động tốt. Sắp tới chúng ta cần quan tâm hơn để các chức sắc hoạt động tốt hơn và ổn định.

Từ năm 2015, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị Bình Thuận cần có chính sách quy hoạch đất cho công tác tôn giáo để phục vụ phát triển du lịch và sinh hoạt tôn giáo.

Trong thời gian tới, Bình Thuận cần có quy hoạch cụ thể hơn để các tín đồ từ tôn giáo này sang hoạt động ở tôn giáo khác và quy hoạch về đất đai phù hợp, gắn phát triển tôn giáo với phát triển du lịch như lễ hội Kate và Nghinh Ông.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Dạ Yến-Văn Nhất
Ảnh: Hoàng Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/it-nuoc-nhung-khong-the-thieu-nuoc/126259