Sẽ triển khai bán chứng khoán T+2 như thế nào?

Sau các thông tin định hướng và chờ đợi, Ủy ban Chứng khoán đã bắt tay vào quá trình chuẩn bị cho cơ chế giao dịch bán chứng khoán theo T+2 thay vì phải theo T+3 như hiện nay.

Theo quy trình hiện nay, sau khi mua chứng khoán, nhà đầu tư phải chờ đến ngày làm việc thứ 3 sau ngày thực hiện giao dịch chứng khoán đó mới về tài khoản của mình (T+3). Nhưng thực chất, chứng khoán về đến tài khoản vào buổi chiều ngày làm việc thứ 3, nếu bán ra chứng khoán đó nhà đầu tư phải chờ đến phiên tiếp theo (T+4). Để rút ngắn quy trình trên, Ủy ban Chứng khoán đã nghiên cứu và đưa ra phương án cho giao dịch T+2. Ngày 24/3 vừa qua, Ủy ban đã có buổi thảo luận với các thành viên thị trường để lấy ý kiến hoàn thiện phương án này. Nhanh nhất phải mất 2 - 3 tháng Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán) cho biết, trước mắt, để chính thức bắt tay chuẩn bị cho kế hoạch trên cần phải có tính pháp lý. Và ngày 25/3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43 sửa đổi, bổ sung Quyết định 87 liên quan đến hoạt động thanh toán, bù trừ trong giao dịch chứng khoán… Thông tư này có quy định Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn về việc bán chứng khoán sau ngày giao dịch. Cơ sở pháp lý đã có, việc còn lại là xác định quan điểm, các vướng mắc để nhanh chóng đưa phương thức giao dịch được cho là có lợi cho thị trường và nhà đầu tư vào vận hành. Về cuộc gặp với các thành viên thị trường nói trên, ông Sơn cho biết: “Nhìn chung các công ty chứng khoán đều đồng ý với phương án mà Ủy ban Chứng khoán đưa ra. Khi chúng ta rút ngắn quá trình giao dịch bán chứng khoán thì cũng là bước cải thiện khi mà có rủi ro biến động của thị trường quá lớn, thay vì đến ngày T+4 họ mới bán được chứng khoán thì T+2 họ đã được bán. Họ sẽ giảm thiểu được rủi ro. Phương thức này cũng sẽ góp phần tạo thêm thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên để triển khai được thì cũng mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là việc điều chỉnh lại phần mềm hệ thống của các thành viên, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, trung tâm lưu ký. Sau khi điều chỉnh phần mềm hệ thống thì phải có một giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa vào vận hành. Theo tôi quá trình chuẩn bị này nếu chúng ta nỗ lực và nhanh nhất thì cũng phải mất từ 2 – 3 tháng. Ngoài điều chỉnh phần mềm hệ thống, để triển khai giao dịch T+2 thì cần bổ sung thêm một số tài khoản để hạch toán trong quá trình chứng khoán đang về tài khoản, để đảm bảo quá trình giám sát của Trung tâm Lưu ký đối với công ty chứng khoán, cũng như khách hàng khi sử dụng dịch vụ này. Ngoài ra trong quá trình triển khai sử dụng thì cũng phát sinh một số vấn đề trong việc hoàn tất đối chiếu giao dịch trong ngày T+1 cũng như xử lý các vấn đề về sửa lỗi, rồi thực hiện quyền của người mua bán chứng khoán, và đặc biệt là về vấn đề công bố thông tin đối với giao dịch của các cổ đông lớn khi sử dụng phương thức T+2". Không chờ 100% thành viên chuẩn bị xong Ông dự tính thế nào về khả năng chuẩn bị của các công ty chứng khoán trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng đó? Đó là một dịch vụ tiện ích cho số đông nhà đầu tư. Trên tinh thần đó thì chúng ta phải đưa ra yêu cầu các công ty chứng khoán có những nỗ lực nhất định trong việc điều chỉnh phần mềm hệ thống. Chúng ta không thể chờ 100% công ty chứng khoán hoàn chỉnh hệ thống phần mềm đó mới đưa vào thực hiện. Chúng tôi cân nhắc dựa trên một số công ty chứng khoán có nỗ lực tích cực trong việc điều chỉnh phần mềm hệ thống và những công ty đó có một thị phần khách hàng khá lớn thì xem xét đưa vào triển khai áp dụng. Cũng giống như triển khai giao dịch trực tuyến, chúng ta không thể chờ 100% công ty chứng khoán đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống và kết nối với các sở thì mới áp dụng. Việc công ty này áp dụng trước, công ty kia áp dụng sau có mất công bằng giữa các nhà đầu tư không, thưa ông? Triển khai T+2, một số công ty được áp dụng, một số công ty chưa thì như tôi nói lúc đầu là chúng ta không thể chờ 100% được. Và khi thị phần của những công ty đã chuẩn bị xong chiếm khoảng 75% thì chúng ta có thể triển khai. Còn những công ty chưa chủ động điều chỉnh, chưa đủ điều kiện điều chỉnh thì họ áp dụng sau, và họ vẫn thực hiện theo kỳ thanh toán như hiện nay. Sẽ giám sát đến từng tài khoản Nếu cho bán theo T+2 nhưng vẫn thanh toán theo T+3 thì có những bất cập gì không, thưa ông? Hiện nay chúng ta vẫn thực hiện quy trình thanh toán T+3. Đây là quy trình chuẩn của quốc tế. Các thị trường phát triển họ vẫn áp dụng thanh toán theo T+3. Khi chúng ta cho phép bán chứng khoán theo ngày T+2 thì nó có sai lệch trong thanh toán chứng khoán. Nguyên tắc thanh toán hiện nay là tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời. Nếu cho bán T+2 thì tiền vẫn phải nhận vào chiều T+3, lúc đó có độ lệch nhất định. Sắp tới Bộ Tài chính sẽ cho phép một số nghiệp vụ mới phát sinh, như dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, các giao dịch ký quỹ thì sẽ thu hẹp sự hạn chế của chênh lệch này. Thời gian qua một số công ty chứng khoán “ưu ái” khách “VIP” bằng T+2. Khi T+2 được chính thức triển khai, liệu có trường hợp công ty chứng khoán lại rút ngắn xuống T+1, thậm chí T+0 và việc giám sát sẽ như thế nào? Hiện nay Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã hoàn chỉnh phần mềm cho phép theo dõi đến từng tài khoản của khách hàng. Cơ sở pháp lý cho việc theo dõi này đã được Bộ Tài chính ban hành ở thông tư hướng dẫn. Trung tâm Lưu ký sẽ giám sát đến từng tài khoản, từ đó giám sát việc bán khống và có cơ sở, chứng cứ để xử lý nghiêm khắc các công ty làm sai quy định.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2010032612002407p0c7/se-trien-khai-ban-chung-khoan-t2-nhu-the-nao.htm