Sếp OCB đầu quân LGL: Chủ tịch Lê Hà Giang 'học mót' Đất Xanh?

3-4 năm trước, đã có cơn lốc nhân sự cấp cao từ một số nhà băng và chứng khoán đổ vào giới DN địa ốc. Điểm lợi, khi CEO địa ốc kiêm nhiệm vị trí cấp lãnh đạo của nhà băng, là dòng tiền rót cho địa ốc trơn tru và khép kín trong bối cảnh thị trường khật khừ, tín dụng khó khăn. Nay, BĐS phất trở lại, cách sử dụng nhân sự 'chéo' đang được tái áp dụng...

Ngân hàng – địa ốc: Khi hai ta về một nhà

Điển hình về việc "thay tướng hòng đổi vận" của DN BĐS là Đất Xanh của doanh nhân Lương Trí Thìn. Tháng 5.2015, Công ty CP Địa ốc Đất Xanh (Mã DXG) công bố thông tin thay đổi nhân sự chủ chốt tại ĐHĐCĐ thường niên. Cụ thể, nhân vật được bổ nhiệm vào HĐQT của DXG là ông Phạm Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Phương Đông.

Đáng chú ý, HĐQT của DXG còn có một lãnh đạo khác của VietABank là ông Trần Việt Anh (được bổ nhiệm trước ĐHCĐ 2015 ít ngày, giữ cương vị Phó Văn phòng HĐQT, PGĐ Khối Giám sát và Quản lý Rủi ro VietABank).

Đất Xanh từng rất thành công với cách sử dụng nhân sự "mượn" của nhà băng

Những biến đổi về nhân sự tại DXG được cho là không bất ngờ với giới thạo nghề BĐS khi tham chiếu vào cơ cấu cổ đông lẫn kế hoạch đầu tư của Đất Xanh. Cụ thể, tính đến 10.3.2014, cổ đông lớn nhất của DXG là Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn với số lượng sở hữu tới gần 15,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20,91% vốn cổ phần. Về phía VietABank – đối tác chiến lược của DXG, tính đến cuối năm 2013, đang sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu, tương đương 3,12% vốn cổ phần.

Tại ĐHCĐ 2014, ông Nguyễn Quang Vinh (Thành viên HĐQT VietABank kiêm nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT DXG) đã bật mí về mối quan hệ chéo giữa DXG và nhà băng hoàn toàn có mục đích sâu xa: “Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, VietABank cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nguồn tài chính cho Tập đoàn Đất Xanh trong việc thu mua, đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án BĐS, cũng như giới thiệu các cơ hội kinh doanh, có chính sách tín dụng phù hợp, góp phần giảm bớt gánh nặng về tài chính cho khách hàng có nhu cầu mua nhà đất...”.

Khi ông Vinh rời nhiệm tại HĐQT của DXG (tháng 6.2014), VietABank đã mau mắn "thay" đại diện khác vào bộ máy vận hành của đối tác chiến lược DXG là ông Trần Việt Anh – Phó Văn phòng HĐQT, Phó GĐ khối Giám sát &Quản lý rủi ro VietABank (được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017 thay ông Trần Minh Toàn).

Với vai trò là cổ đông chiến lược của DXG, năm 2013 VietABank ký hợp đồng tín dụng trung hạn với DXG với số tiền cho vay 310 tỷ đồng, thời hạn vay 5 năm. Mục đích vay là đầu tư dự án chung cư Sunview Town (quận Thủ Đức, TPHCM)... Có ý kiến cho rằng, sự phát triển thần kỳ (cả về thương hiệu, lợi nhuận lẫn tốc độ tăng vốn như thổi) của DXG hiện tại được khởi nguồn từ chính những bản hợp đồng tín dụng quãng thời gian khó khăn trước đây (2013-2014).

Long Giang Land học được gì từ người đi trước?

Tham chiếu một số gương mặt mới nổi trên thị trường, Long Giang Land (LGL) của ông chủ Lê Hà Giang đã bắt đầu sử dụng phương án nhân sự đến từ nhà băng – trùng với kế hoạch đẩy mạnh đầu tư 1 loạt dự án tại Hà Nội lẫn TP.HCM tới đây.

Năm 2016, LGL từng khá trắc trở về việc huy động vốn để nuôi các dự án. Là một "tay ngang" trên thị trường địa ốc, năm trước, LGL bất ngờ công bố đầu tư 2 siêu dự án (Rivera Park Hà Nội và và Riveria Park Sài Gòn) với tổng mức đầu tư lên tới 2.664 tỷ đồng, vượt gấp 7,5 lần vốn chủ sở hữu lúc đó của LGL.

Với sự có mặt của CEO OCB trong bộ máy lãnh đạo, người Long Giang sẽ vận dụng ra sao chiến thuật "nhân sự chéo"?

Diễn biến trong năm, LGL thể hiện trạng thái "giật gấu vá vai" với những động thái: trình ĐHCĐ phương án phát hành cổ phiếu, trái phiếu; vay ngắn hạn từ SHB và BIDV để "ném" vào dự án theo dạng nhỏ giọt... Từ đây, sự nghi ngại của thị trường đầu tư BĐS chuyên nghiệp dành cho một đơn vị "miệng còn hơi sữa" như LGL là khó tránh khỏi.

Tại ĐHCĐ vừa qua, con số lợi nhuận năm 2016 của LGL khá khiêm tốn (lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 15 tỷ đồng). Đáng chú ý, năm 2017, LGL đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tới... 100 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 532 tỷ đồng. Đồng thời, LGL cũng rậm rịch tăng vốn bằng phát hành tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần 20% (vốn điều lệ cũ gần 200 tỷ đồng).

Một điểm nhấn khác trong cơ cấu nhân sự của LGL, là sự góp mặt của ông Hồ Hồng Hà, GĐ Vùng khách hàng cá nhân khu vực miền Bắc của OCB - giữ chức TGĐ LGL. Như một cách xoa dịu nghi vấn LGL đang chuẩn bị "giật nóng" của OCB để "bóc ngắn cắn dài", ông Hà nhấn mạnh: "Tôi sẽ có kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn, bớt phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng để giảm giá thành sản phẩm từ đó nâng cao hiệu quả cho công ty và cổ đông"

Dẫu vậy, 2 năm gần nhất (2015-2016), chính OCB đã rất bạo chi tại hàng loạt dự án đình đám dưới vai trò tài trợ, cho vay bảo lãnh. Cuối năm 2015, chỉ trong 1 tháng, OCB đã tài trợ và cho vay bảo lãnh 3 dự án lớn Western Dragon, Topaz City và Diamond Lotus. Trước đó, tháng 8.2015, NHNN ra quyết định về việc bổ sung giấy phép hoạt động của OCB theo hướng "OCB được phép cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng". Năm 2016, OCB bảo lãnh và cho vay dự án Flora Fuji của đại gia Nam Long...

Do đó, chưa thể khẳng định phát ngôn của tân TGĐ LGL – CEO OCB sẽ chấm dứt những đồn đoán về việc ông chủ Lê Hà Giang âm thầm lên kế hoạch "giật nóng" dòng tiền từ nhà băng này để cụ thể hóa tham vọng đầu tư trong tương lai gần.

Thái Bình

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sep-ocb-dau-quan-lgl-chu-tich-le-ha-giang-hoc-mot-dat-xanh-765851.html