Serbia tăng cường năng lực quốc phòng với chiến đấu cơ Rafale

Serbia mới đây đặt mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia thông qua việc xem xét khả năng mua thêm 12 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Theo trang The EurAsian Times, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu tháng 4 nhân chuyến công du Pháp, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chiến đấu cơ Rafale của Pháp, ca ngợi đó là “một trong những dòng máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới” được trang bị ra-đa và tên lửa tối tân. Tổng thống Serbia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội Serbia thông qua việc trang bị loại máy bay chiến đấu hiện đại này và xác nhận, Belgrade đang tích cực đàm phán để mua 12 chiếc Rafale từ hãng chế tạo máy bay Dassault Aviation của Pháp.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, ngày 8-4. Ảnh: Reuters

Kế hoạch mua chiến đấu cơ Rafale của Serbia được ấp ủ từ năm 2021, song mãi đến khi tham dự Triển lãm quốc phòng quốc tế (IDEX) 2023 tại Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Tổng thống Serbia mới nêu rõ quyết tâm sở hữu dòng máy bay này khi tuyên bố, tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở châu Âu kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thôi thúc quốc gia này tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng. Nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đề cập đến sự xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu, nêu rõ việc sở hữu một đội quân hùng mạnh có thể là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của quốc gia trong tương lai.

Dù sở hữu quân đội có quy mô lớn nhất khu vực Balkan, Serbia hiện vẫn phụ thuộc vào trang thiết bị quân sự do Nga (và trước đây là Liên Xô) viện trợ, như MiG-29, trực thăng Mi-35, tên lửa và xe tăng của Nga. Quân đội Serbia nhận 10 chiếc MiG-29 do Nga và Belarus tài trợ vào năm 2017 và 2021, theo The EurAsian Times. Các máy bay này, bao gồm cả 4 chiếc kế thừa từ Nam Tư cũ, đều được sản xuất cách đây khoảng 40 năm và có một số hạn chế nhất định.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, dưới áp lực của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Belgrade dường như đã nỗ lực tìm kiếm nguồn nhập khẩu vũ khí thay thế. Tháng 4-2022, Serbia mua hệ thống tên lửa phòng không FK-3 và sau đó là một số máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) do Trung Quốc sản xuất.

Những mảnh vỡ còn lại của chiếc F-117 Nighthawk được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Belgrade (Serbia). Ảnh: The EurAsian Times

The EurAsian Times nhận định, lâu nay, Serbia vẫn theo đuổi chính sách trung lập về quân sự. Quân đội Serbia thường xuyên tham gia các cuộc tập trận do cả Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức, tham gia chương trình Đối tác vì hòa bình của NATO-vốn được thiết kế cho các quốc gia không muốn trở thành thành viên của NATO.

Tuy nhiên, lịch sử của Serbia với NATO đầy rẫy những bất hòa. Ký ức về cuộc tấn công bất ngờ của NATO năm 1999 còn chưa phai mờ trong tâm trí người Serbia, khi máy bay NATO ném bom đất nước này trong 78 ngày nhằm buộc Tổng thống Nam Tư khi đó là Slobodan Milošević rút quân khỏi Kosovo và cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vào vùng đất này. Chiến dịch này đánh dấu lần đầu tiên NATO tự ý tấn công một quốc gia có chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Có lẽ đó cũng là lý do khiến công chúng Serbia tới nay vẫn kiên quyết phản đối việc gia nhập NATO, dù các quốc gia thuộc Nam Tư cũ khác đều đã trở thành thành viên NATO.

Một điều bất ngờ khác là vào ngày 27-3-1999, chỉ 3 ngày sau khi bị NATO bất ngờ tấn công, quân đội Nam Tư cũ đã sử dụng tên lửa đất đối không SA-3 (của Liên Xô cũ) bắn rơi chiếc F-117 Nighthawk (của Mỹ), loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới. Sự kiện này đã phá vỡ quan niệm về sự bất khả chiến bại gắn liền với công nghệ tàng hình của dòng máy bay chiến đấu hiện đại.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/serbia-tang-cuong-nang-luc-quoc-phong-voi-chien-dau-co-rafale-772495