Showbiz Việt và một năm 2016 đầy mất mát

Năm 2016, làng nghệ thuật Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, để lại sự tiếc nuối trong lòng khán giả.

Nhạc sĩ Lương Minh

Chiều tối 28/2, nhạc sĩ Lương Minh - Phó Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam đã đột ngột qua đời, để lại nhiều sự tiếc thương trong giới nghệ thuật.

Nhạc sĩ Lương Ngọc Minh (28/7/1967) được bạn bè, đồng nghiệp biết đến với nghệ danh Lương Minh và qua những sáng tác nổi tiếng như Chiếc lá, Mùa thu, Trao em trọn tình yêu… Bên cạnh cương vị Phó ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam , ông còn là một nhạc sĩ đầy đam mê, một nhà báo nhiều tâm huyết với một tâm hồn đầy trăn trở và một tấm lòng nhân hậu.

Nhạc sĩ Thanh Tùng

Ngày 15/3, những người yêu âm nhạc đã phải đón nhận một tin buồn khi nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai ở tuổi 68. Nhạc sĩ Thanh Tùng bị tai biến từ năm 2008 và liệt phần cơ thể bên trái, không nói được. Không chỉ chịu di chứng tai biến và phải làm bạn với chiếc xe lăn trong 8 năm, ông còn bị tiểu đường và phải chạy thận hàng tuần trước khi mất. Dù đã ra đi nhưng những nhạc phẩm về tình yêu của ông như Một mình, Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển… vẫn sống mãi trong lòng khán giả.

Nhạc sĩ Trần Lập

Sau nhiều tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng, ngày 17/3, Trần Lập đã trút hơi thở trong vòng tay của gia đình, bạn bè. Sự ra đi bất ngờ của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã để lại cú sốc lớn trong lòng khán giả.

Trần Lập sinh năm 1974 tại Nam Định. Anh là nhạc sĩ, ca sĩ chính của ban nhạc rock Bức Tường. Nhiều ca khúc của nhóm đã trở nên quen thuộc với giới trẻ cũng như những người yêu Rock Việt như Bông hồng thủy tinh, Tâm hồn của đá, Đường đến ngày vinh quang...

Tháng 11/2015, thông tin về bệnh ung thư đã được chính Trần Lập bất ngờ chia sẻ trên mạng xã hội. Mặc dù phải đối chọi với bệnh tật, nam ca sĩ vẫn luôn lạc quan và mạnh mẽ.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Chiều 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh tuổi già, hưởng thọ 76 tuổi. Ông bị bệnh về đường hô hấp kèm suy thận, suy tim khiến sức khỏe giảm sút trong nhiều năm qua.

Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông nổi tiếng với những sáng tác như Không, Tình yêu đến trong giã từ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi… Ngoài viết nhạc, ông còn nổi danh là một nhạc công piano.

NSƯT Hán Văn Tình

Cách đây 2 năm, NSƯT Hán Văn Tình được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi. Đến đầu năm 2016, bệnh tình của ông trở nặng, khối u di căn đến nhiều bộ phận của cơ thể. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa song Hán Văn Quỳnh đã không thể vượt qua bạo bệnh. Ông ra đi trong vòng tay của những người thân yêu tại nhà riêng vào ngày 4/9.

NSƯT Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Trường đào tạo Sân khấu tại Hà Nội, ông về đầu quân tại Đoàn tuồng TW, nay là Nhà hát tuồng Việt Nam và làm việc từ đó cho tới năm 2015. Ông được khán giả biết đến và yêu mến qua nhiều bộ phim truyền hình cũng như các tiểu phẩm hài. Một trong những vai diễn để đời của Hán Văn Tình chính là vai Chu Văn Quềnh trong bộ phim Đất và người.

Năm 1999, Hán Văn Tình được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Ông còn được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vì có nhiều đóng góp cho lĩnh vực sân khấu nước nhà.

Ca sĩ Minh Thuận

Sau nửa tháng điều trị căn bệnh ung thư phổi tại bệnh viên Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), Minh Thuận đã trút hơi thở cuối cùng vào 8h ngày 18/9, hưởng dương 47 tuổi.

Minh Thuận sinh năm 1969, là một trong những ca sĩ khởi xướng dòng nhạc nhẹ Việt Nam. Anh có rất nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt chiếm được cảm tình của khán giả yêu nhạc những năm 90. Những năm gần đây, anh thường xuyên đóng vai trò nhà sản xuất phim hay các chương trình ca nhạc. Năm 2014, anh tham gia Gương mặt thân quen và đoạt giải Á quân.

NSND Thanh Tòng

NSNSD Thanh Tòng qua đời ngày 22/9 tại nhà riêng vì bệnh tim mạch, hưởng thọ 68 tuổi. Sinh năm 1948, NSNSD Thanh Tòng (tên thật là Nguyễn Thanh Tòng) là một trong những nghệ sĩ đại thụ của sân khấu cải lương tuồng cổ.

Với những đóng góp của mình cho sân khấu, ông được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2007 và là nghệ sĩ nhiều năm đoạt giải Mai Vàng trong cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn. Những tác phẩm ông sáng tác và dàn dựng được xem là chuẩn mực của cải lương tuồng cổ như Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long…

NSƯT Phạm Bằng

Ngày 31/10, khán giả và các nghệ sĩ của làng hài Việt Nam đã không giấu nổi sự bàng hoàng, nuối tiếc trước sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng. Được biết, từ cuối tháng 6 khi cơ thể bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và xuống sức nhanh chóng, NSƯT Phạm Bằng đã đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm túi mật và viêm gan. Trong quá trình điều trị bệnh, nghệ sĩ Phạm Bằng đã sụt mất 8kg.

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông vừa là nghệ sĩ sân khấu vừa diễn hài kịch. Phạm Bằng nổi tiếng với các vai diễn hài mang lại tiếng cười cho nhiều tầng lớp khán giả.

NSƯT Út Bạch Lan

Sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư gan, NSƯT Út Bạch Lan đã trút hơi thở cuối cùng ngày 4/11 tại nhà riêng, thọ 82 tuổi.

NSƯT Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 , tại ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa , Long An trong gia đình nghèo khó. Thủa đầu khởi nghiệp, bà cùng danh cầm Văn Vĩ đã tạo nên mối lương duyên để cả hai – người trở thành danh ca, người trở thành danh cầm.

Hơn 60 năm gắn bó với nghề, bà là nữ danh ca có nhiều vai diễn để đời, được báo giới và công chúng đặt cho nhiều biệt danh như Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ Út Bạch Lan.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-nghe-si-viet-qua-doi-trong-nam-2016-20161229183724386.htm