Siết chặt công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, công nhân ngành than 'ấm ức, thiệt thòi'

Nhiều công nhân đang làm việc tại ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất bức xúc trước việc siết chặt công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội tại đơn vị.

Vừa qua, một số đơn vị ngành than phát đi thông báo về việc tổ chức khám chữa bệnh, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thông báo cho biết, thực hiện kiến nghị của bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, hiện nay một số bệnh không phải dịch có tần suất khám bệnh tăng và tần suất khám bệnh của công nhân tăng như: đau lưng, đau đầu, cảm sốt.

Thông báo của đơn vị ngành than cho hay: Qua theo dõi, việc ký nghỉ ốm của một số đơn vị, trạm y tế công ty nhận thấy có tình trạng ký ốm cho công nhân không phù hợp, không đúng quy định của bảo hiểm xã hội và công ty.

Do vậy, để tránh việc vượt quỹ bảo hiểm y tế và xuất toán công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, nhiều đơn vị ngành than đã siết chặt công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, quá trình khám cấp công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội tại trạm y tế đối với những trường hợp nằm trong phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, bệnh có triệu chứng rõ ràng và trường hợp vượt quá khả năng phân tuyến điều trị tại cơ sở.

Đối với trường hợp công nhân đi khám bệnh những ngày thứ 7, khi công ty vẫn làm việc bình thường, trạm y tế chỉ giải quyết cấp công nghỉ ốm đối với những bệnh có triệu chứng rõ ràng, cấp cứu.

Trước việc các đơn vị ngành than siết chặt công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội vì chịu áp lực từ bên bảo hiểm xã hội, nhiều công nhân phản ứng gay gắt, cho rằng việc siết chặt công nghỉ ốm như vậy là cứng nhắc, không phù hợp với công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành than.

Ông Linh, một công nhân bậc 6, có trên 20 năm làm thợ mỏ tại Công ty than Vàng Danh (thành phố Uông Bí) phản ánh: “Từ khi có quy định mới này, nhiều hôm tôi bị đau lưng nhưng không xin nghỉ được công ốm vì bên y tế bảo không có triệu chứng. Làm nghề mỏ như chúng tôi việc đau lưng, mệt mỏi rất hay xảy ra, nếu quy định muốn nghỉ công ốm phải có triệu chứng bệnh rõ ràng hoặc cấp cứu là gây khó khăn cho người lao động”.

Công nhân hầm lò là ngành đặc thù, vất vả và độc hại nên cần có sự linh hoạt trong việc xem xét chế độ nghỉ công ốm. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo luật bảo hiểm xã hội, người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nghỉ ốm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

“Chúng tôi hàng năm đóng đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì phải được hưởng chế độ của mình. Giờ ví dụ tôi bị đau lưng hoặc đau đầu, thông thường những bệnh đó thì khám khó ra bệnh và như vậy sẽ không được nghỉ công ốm, quá thiệt thòi cho công nhân”, ông Linh bức xúc nói.

Một công nhân khác bày tỏ: “Nếu bị đau lưng, đau đầu hoặc mệt mỏi nhưng không được nghỉ công ốm thì nhiều công nhân có thể vẫn cố gượng đi làm để có tiền công. Và khi sức khỏe họ không đảm bảo, rất dễ gây tai nạn lao động, lúc đó người khổ nhất vẫn là công nhân, gia đình họ và doanh nghiệp”.

Trao đổi với phóng viên về việc nhiều đơn vị ngành than siết chặt công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, ông Phan Xuân Thủy – Giám đốc Công ty than Vàng Danh, một đơn vị lớn của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, Công ty cũng đã có báo cáo gửi tới ban tổ chức nhân sự và lãnh đạo TKV, để Tập đoàn kiến nghị lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xem xét lại chế độ khám nghỉ ốm cho công nhân ngành than.

Ông Thủy nhìn nhận việc bảo hiểm xã hội tăng cường quản lý công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội là rất đúng và cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thủy, ngành than là ngành đặc thù do công việc rất vất vả, độc hại nên cần có sự vận dụng linh hoạt.

“Công nhân người ta đau đầu cũng là ốm, sao bắt người ta đi làm được, mà ốm thì phải cho người ta nghỉ, mà nghỉ ốm thì phải được hưởng chế độ. Không lẽ người ta ốm lại bảo ông đau đầu giả vờ à, như thế thì không được”, ông Phan Xuân Thủy nói; đồng thời cũng kiến nghị bảo hiểm xã hội nên hiểu và chia sẻ cho những người lao động đang làm việc ở những ngành đặc thù.

Viết Cường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/siet-chat-cong-nghi-huong-bao-hiem-xa-hoi-cong-nhan-nganh-than-am-uc-thiet-thoi/183864