Siêu pháo tăng Đức có diệt nổi Armata và T-90?

Sự ra đời của siêu tăng Nga T-14 Armata đã khiến các nhà nước phương Tây lao vào cuộc chạy đua chế tạo xe tăng tương lai để hạ gục nó.

Đức chế tạo siêu pháo tăng chống T-14 Armata của Nga

Theo tin mới nhất, Đức đang lao vào cuộc chạy đua chế tạo một loại siêu pháo tăng thế hệ mới để chống lại xe tăng T-14 Armata của Nga. Trước đó, Mỹ, Anh, Ba Lan… đã tuyên bố các kế hoạch phát triển xe tăng mới để đối phó với loại xe tăng chưa được biên chế của Nga.

Tại triển lãm vũ khí Eurosatory-2016, tập đoàn quân sự Đức Rheinmetall Defence vừa trình bày mẫu thử nghiệm khẩu pháo mới, được giới thiệu là một phương tiện chiến đấu “khắc tinh” của xe chiến tăng chủ lực T-14 Armata và T-90 đời cuối của Nga.

Nhà xuất bản phân tích quân sự Jane's của Anh cho biết, loại pháo xe tăng mới của Rheinmetall là một khẩu pháo nòng trơn, cỡ nòng 130 mm (lớn hơn cỡ nòng hiện tại của Armata là 125mm), có trọng lượng khoảng ba tấn, trọng lượng thân pháo là 1400 kg.

Hiện tại, loại phóa mới này tạm thời được mô hình hóa trên nền tảng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Đức thuộc dòng Leopard 2 (hiện đang sử dụng pháo chính cỡ nòng 120mm của Rheinmetall). Sau này, một loại tháp pháo mới sẽ được chế tạo để sử dụng cho loại pháo 130mm này.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ là Đức sẽ chế tạo một loại xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai thế hệ mới để đấu với Armata hay sẽ tiếp tục nâng cấp dòng Leopard của mình (hiện đã phát triển đến phiên bản Leopard 2A7).

Sắp tới, công ty Rheinmetall sẽ tiến hành bắn thử nghiệm. Dự kiến sản phẩm mới sẽ hoàn tất về công nghệ vào khoảng năm 2025, sau đó tạm thời Đức sẽ tích hợp loại pháo này trên nền tảng của Leopard để sử dụng trong khi chờ một loại xe tăng thế hệ mới ra đời.

Mẫu pháo 130mm mới của Công ty Rheinmetall-Đức

Các chuyên gia phân tích bình luận rằng, việc chế tạo pháo mới cũng không giúp một loại xe tăng nào chiếm được ưu thế trước Armata bởi trong tương lai, loại MBT mới này của Nga có thể được tích hợp pháo chính hoàn toàn tự động loại 152mm và có thể sử dụng đạn Uranium làm nghèo.

Hơn nữa, điều làm nên sức mạnh của Armata không chỉ là hỏa lực siêu mạnh mà còn nằm ở các công nghệ tiên tiến và các hệ thống phòng vệ, giúp nó trở nên “bất khả chiến bại” trước các loại xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức, Leclerc của Pháp, Challenger 2 của Anh hay Merkava của Israel.

Rất khó để hạ gục T-14 Armata của Nga

Phó Tổng giám đốc của Nhà máy Uralvagonzavod là ông Vyacheslav Khalitov đã từng tuyên bố rằng, Armata là xe tăng thế hệ khác, vượt hơn các mẫu tương tự đến 25%, đặc biệt là về độ an toàn. Các mẫu xe chiến đấu dựa trên nền tảng Armata cũng có tính năng tương tự.

Ông lưu ý rằng hiện Armata đang được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ bị động mạnh nhất trên thế giới với vỏ giáp đồng nhất chế tạo bằng vật liệu mới và công nghệ mới diêu bền, cùng với các loại giáp phản ứng nổ siêu hạng, có khả năng chống cả các đầu nổ chống tăng kép (Tandem)

Ngoài ra, mẫu thiết giáp bánh xích trên nền tảng Armata mà Nga chế tạo với hệ thống an ninh 4 cấp hiện nay là độc nhất vô nhị trên thế giới, và cho phép công nghệ xe tăng của Nga vượt hơn các nước dẫn đầu như Mỹ, Israel, Đức và Pháp khoảng 10-20 năm.

Tăng Armata được đánh giá mạnh hơn tất cả các loại tăng phương Tây

Cấp độ đầu tiên của hệ thống bảo vệ chú trọng tới việc giảm thiểu các nguồn bức xạ nhiệt, điện từ và hồng ngoại của Armata, khiến đối phương khó phát hiện xe bọc thép trên chiến trường trong phạm vi dải tần radar, tia hồng ngoại và kính quang học.

Cấp độ bảo vệ thứ hai là hệ thống phòng thủ chủ động (APS - Active Protection Systems), sử dụng thiết bị gây nhiễu hệ thống điều khiển tên lửa và dẫn đường, khiến đạn pháo và tên lửa chống tăng bay chệch hướng, không thể bắn trúng mục tiêu.

Cấp độ thứ ba là hệ thống bảo vệ chủ động “Hard kill and soft kill”, gồm có hệ thống radar mảng pha chủ động trên xe, cho phép phát hiện và tiêu diệt đạn pháo ngay trên đường bay của chúng đến Armata, nếu đạn pháo, tên lửa vượt qua cả hai cấp độ trên.

Hệ thống bảo vệ cấp độ bốn là thiết kế tháp pháo tự động không người điều khiển, sử dụng hệ thống điều khiển xa, gia tăng cơ hội sống sót nếu trúng đạn vào tháp pháo.

Khác với kiểu xe tăng truyền thống, kíp xe làm việc bên trong khoang bọc thép, tách rời khỏi hệ thống lưu trữ và nạp đạn xe tăng, nâng cao khả năng sinh tồn trong trường hợp xe bị đạn xuyên phá.

Điểm khác biệt chính trong tính năng của chiến xa Armata là tháp pháo và khoang bọc thép dành cho tổ lái tách rời phần chiến đấu. Sơ đồ bố trí như vậy nâng cao khả năng sống sót của lính tăng kể cả khi tổ hợp chiến đấu bị phá hoại.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/sieu-phao-tang-duc-co-diet-noi-armata-va-t-90-3311186/