Siêu thị quá tải, chợ thưa thớt trong ngày 2/9

Hầu hết siêu thị trên địa bàn TP HCM hôm qua gần như ngập trong "biển người" khi lượng khách đến vui chơi, mua sắm tăng đột biến.

Sức mua tăng 50% Theo nhiều nhân viên của hệ thống siêu thị Co.op Mart, lượng người đến đây vui chơi, mua sắm ước tính tăng khoảng 100% và sức mua cũng tăng hơn 50% so với ngày thường. Siêu thị Big C An Lạc cũng đã phải làm việc hết công suất để phục vụ lượng khách tăng mạnh. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết, Big C đã phải chuẩn bị trước nhiều phương án để khách hàng có điều kiện mua sắm thoải mái nhất như mở cửa sớm 30 phút và đóng cửa muộn 30 phút so với ngày thường; mở 100% quầy thu ngân từ sáng sớm; mở thêm các quầy thanh toán lưu động trong trường hợp cần thiết; tăng ca đối với lực lượng an ninh, giao hàng, mở các bãi giữ xe phụ… “Bên cạnh các chương trình khuyến mãi chung, mỗi siêu thị còn chuẩn bị những hoạt náo riêng trong dịp lễ như hội chợ trái cây, dùng thử các thực phẩm chế biến mới nhất…”, bà Trang nói. Siêu thị này cũng đang tung ra khoảng 1.500 mặt hàng, với có mức giảm giá từ 5 đến 40%. Trong khi siêu thị gần như quá tải thì tại các chợ truyền thống lượng người mua lại giảm hơn một nửa, thậm chí có một số chợ đã đóng cửa cho tiểu thương nghỉ lễ. Điển hình như tại chợ Bình Tây (chợ Lớn), quận 5, đóng cửa từ cuối ngày 1/9. Đại diện ban quản lý chợ cho biết, nguyên nhân khiến chợ tạm đóng cửa là do năm nay nghỉ lễ dài, gần như không có khách đến chợ, khiến doanh số giảm mạnh. “Do bán không được nên chúng tôi đã đóng cửa cho tiểu thương nghỉ ngơi một ngày”, vị này cho biết. Các dịch vụ tại Hà Nội đua nhau ‘chém đẹp’ Các dịch vụ tại những khu vui chơi công cộng tại Hà Nội lại được dịp “chặt chém” khách hàng. Ghi nhận của Đất Việt, trong ngày 2/9, các dịch vụ như nước giải khát, đồ ăn nhanh, giữ xe tại các khu vực hồ Hoàn Kiếm, lăng Hồ Chủ Tịch, công viên Thống Nhất, Văn Miếu Quốc Tử Giám… “mọc lên như nấm sau mưa”, giá cũng tăng hơn hẳn so với với ngày thường. Cụ thể, tại nơi gửi xe trên đường Chùa Một Cột khu vực lăng Bác, trên tấm biển báo ghi 2.000 đồng một xe đạp, 3.000 đồng một xe máy thế nhưng khi thu vé, chủ bãi thản nhiên thu của khách là 10.000 đồng với xe máy, 5.000 đồng với xe đạp. Tương tự, cách đó 200 m, trên vỉa hè đường Hùng Vương, giá vé xe máy 5.000 đồng một chiếc trong khi biển chỉ dẫn là 3.000 đồng. Tại nhiều điểm khác, giá trông coi xe cũng thừa dịp tăng lên gấp đôi khi lượng xe đông nghẹt. Dịch vụ nước giải khát, đồ ăn nhanh tại các khu vui chơi cũng tăng lên “chóng mặt”. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, lượng du khách đổ về rất đông. Dịch vụ nước giải khát như trà xanh không độ, trà xanh C2, nước khoáng Aquaphina… được “hét” giá cao gấp đôi bình thường. Trà xanh không độ lạnh có giá 15.000 đồng một chai trong khi đó trên thị trường chỉ có 7000 đồng, nước lọc aquaphina lạnh 10.000 một chai, tăng lên 6.000 đồng so với ngày thường. Nước mía được đóng trong những chiếc túi “siêu nhỏ” có giá từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng một túi. Những loại đồ uống như kem ốc quế, trà sữa trân châu, chanh leo... được các xe tải lưu động đậu bên cạnh vỉa hè ở hồ Hoàn Kiếm phục vụ “tận tình” thượng đế nhưng với giá “tên trời”. Trà sữa trân châu có giá 15.000 đồng một cốc trong khi đó ngày thường chỉ có giá 10.000 đồng, chanh leo có giá 20.000 đồng một cốc, kem ốc quế có giá 10.000 đồng một chiếc… Giá các loại dịch vụ trong ngày này tăng đột biến nhưng người dân vẫn phải ngậm ngùi, "bấm bụng" móc hầu bao... Đình Sơn - Nguyễn Huệ

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Sieu-thi-qua-tai-cho-thua-thot-trong-ngay-29/20109/110519.datviet