Siêu thị tương lai: không quầy tính tiền, không xếp hàng thanh toán

Amazon lên kế hoạch đột phá thị trường bán lẻ bằng cách mở rộng khái niệm: Thế nào là cửa hàng bán lẻ (siêu thị, tiệm sách, cửa hàng điện tử, cửa hàng tiện lợi)?

Cửa hàng mới này được gọi là Amazon Go, không hoạt động như những siêu thị truyền thống hay các cửa hàng điển hình mà được thiết kế để người mua hàng bước qua cửa bằng cách quét mã QR. Khi nhìn thấy đồ muốn mua, khách hàng chỉ cần dùng tay chọn và bỏ vào giỏ như bình thường. Song họ sẽ bật ứng dụng (cũng gọi là Amazon Go). Công nghệ của công ty sẽ tự động phát hiện sản phẩm mà khách cho vào giỏ và đưa vào giỏ hàng kỹ thuật số (cũng tự động xóa khi khách cất lại đồ vào quầy). Mua xong, họ có thể rời khỏi tòa nhà mà không cần chờ xếp hàng thanh toán. Amazon sẽ tự động tính phí trên tài khoản Amazon của khách. Công ty gọi đây là trải nghiệm “Just walk out shopping” (Tạm dịch: Cứ lấy và đi thôi).

Người tiêu dùng cần ứng dụng Amazon Go và quét mã QR khi vào cửa hàng

Ảnh: Amazon

Amazon không tiết lộ nhiều về công nghệ phát hiện này, nhưng cho biết sử dụng hỗn hợp “thị giác máy tính”, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác được ứng dụng trong xe tự lái. Amazon cũng không tiết lộ Amazon Go hoạt động trên dòng điện thoại nào. Nhưng nhiều khả năng là phiên bản mới nhất của hệ điều hành iOS, Android.

Khi người mua cho hàng vào giỏ, công nghệ của Amazon sẽ tự động cập nhật vào danh sách giỏ hàng kỹ thuật số

Ảnh: Amazon

Cửa hàng này bán đồ ăn sáng, trưa và tối, đồ ăn nhẹ, đồ làm sẵn, bánh mì, pho mát, sữa và nhiều thực phẩm khác. Amazon cho biết: Khách hàng sẽ tìm thấy sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng (nhưng từ chối tiết lộ chi tiết) cùng các sản phẩm handmade. Cửa hàng có diện tích khoảng 170m 2 , tương đối nhỏ so với các siêu thị lớn, nhưng sẽ là chiến dịch trọng điểm của Amazon trong tương lai với kế hoạch thiết lập 2.000 cửa hàng thực phẩm trên toàn nước Mỹ trong 10 năm tới. Cửa hàng Amazon Go đầu tiên sẽ được mở ở Seattle đầu năm 2017 và sẽ mở rộng sang San Diego, New York, Portland và Chicago.

Khi chọn xong, khách hàng có thể ra khỏi cửa hàng mà không phải đứng chờ ở quầy thanh toán. Amazon sẽ tự động cập nhật vào tài khoản của người mua và gửi biên lai.

Ảnh: Amazon

Trong nhiều năm qua, tin đồn về việc Amazon sẽ mở cửa hàng liên tục được đưa ra. Cửa hiệu sách thử nghiệm đã chứng minh thông tin này. Song Amazon Go mới đánh dấu bước đi táo bạo nhất của đại gia thương mại điện tử này trong môi trường bán lẻ truyền thống. Bằng cách loại bỏ bớt nhân viên, Amazon có thể giảm chi phí so với đối thủ đang có thế lực trên thị trường bán lẻ truyền thống. Họ cũng có lợi thế rõ rệt trong việc thu thập thông tin, hành vi mua sắm và tích hợp vào hoạt động của công ty. Tuy nhiên, động thái này khá nhạy cảm. Bởi điều đó có thể gây ra mối đe dọa cho 3,4 triệu người đang làm công tác thu ngân (Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ).

Trong chiến dịch tranh cử, tân Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Amazon và nhà sáng lập Jeff Bezos là “cao thủ né thuế” và “có vấn đề độc quyền rất lớn”. Có thể Donald Trump sẽ thêm “sát thủ việc làm” vào danh sách chỉ trích của ông.

Thực tế, Amazon đã lên kế hoạch từ năm 2012, được thử nghiệm tại một cửa hàng gần trụ sở Amazon, trước khi hiện tượng Donald Trump nổi lên. Có vẻ họ muốn nắm bắt 65% người tiêu dùng Mỹ vẫn chỉ đơn giản là thích mua tại cửa hàng thay vì trực tuyến.

65% người tiêu dùng Mỹ thích cảm giác mua đồ ở cửa hàng.

Chuyên gia tiếp thị thực phẩm Phil Lempert đánh giá: Đây là công nghệ tuyệt vời. Ông thích thú với “bộ công cụ” giúp làm nên bữa tối phong phú mà nhanh chóng được bày ra trước mắt. Ông cho rằng: Hiện tại, bữa tối tiện lợi vẫn chưa đủ tiện do mức giá chưa kinh tế. Nhưng Amazon Go sẽ giải quyết điều này và cảnh báo ngành giao đồ ăn sẽ gặp phải đối thủ “cứng cựa”.

Cũng có ý kiến quan ngại. Roger McNamee - đồng sáng lập Công ty Đầu tư Công nghệ Elevation Partners - cho rằng: Amazon không phải công ty bán lẻ đầu tiên cố gắng thay con người bằng công nghệ. Home Depot từng thử nghiệm chương trình tương tự. Song tháng 3/2016, công ty đã phải đền bù gần 20 triệu USD cho những người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán trên thiết bị đầu cuối bị xâm phạm dữ liệu. Ngay cả Howard Schneider, người phát minh ra phiên bản thời kỳ đầu của máy tự kiểm tra trong những năm 1990, nói với NPR vào đầu năm 2016 rằng: Ông đã thất vọng khi công nghệ này bị suy yếu và không hiệu quả.

Khách mua hàng ở siêu thị Sainsbury's có thể tự ra quầy thanh toán và tính tiền mà không phải đối mặt với nhân viên thu ngân.

Ảnh: Bloomberg

Cũng chưa rõ “thiết bị” của Amazon sẽ quét ra được những thông tin gì. Liệu có thực chỉ là sản phẩm để tính tiền? Hay họ sẽ quét cả chính con người và cho ra những thông tin như nhận điện khuôn mặt, hình ảnh cá nhân, tuổi, cân nặng, chiều cao, lịch sử mua hàng… Điều này sẽ đặt lên bàn cân lựa chọn giữa tiện lợi và quyền riêng tư.

Tuy nhiên, McNamee cũng lạc quan cho rằng: Bước đi mới này của Amazon có thể khắc phục một số trục trặc của công nghệ tự kiểm tra như tính toán nhầm hay trộm cắp. Nó cũng sẽ hoạt động tốt ở cửa hàng thực phẩm thay vì hệ thống thương hiệu cao cấp như Apple Store hay Tiffany.

Xem thêm:

Ba căn bệnh trầm kha của doanh nghiệp bán lẻ Việt

Hãng bán lẻ lớn nhất nước Anh 'theo dõi' khách đi mua hàng

Chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl’s: Sống dậy nhờ biết “hoàn trả” linh hoạt

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/sieu-thi-tuong-lai-khong-quay-tinh-tien-khong-xep-hang-thanh-toan