Silbervogel, dự án máy bay ném bom đi từ Đức đến Mỹ bằng cách "nhảy cóc"

Silbervogel, tiếng Đức có nghĩa là con chim bạc, là dự án máy bay ném bom xuyên lục địa của Đức Quốc Xã với mục tiêu thả bom vào đất Mỹ thời thế chiến thứ II. Nó được thiết kế để thực hiện những "cú nhảy" ở tầng bình lưu, nhờ vậy mà có thể mang bom từ Đức thả vào Mỹ rồi đáp xuống ở khu vực nào đó gần Nhật, tức là gần hết một vòng Trái Đất. Tuy không trở thành hiện thực (chỉ có một bản mẫu được phát triển để thử nghiệm trong phòng gió) nhưng Silbervogel đã cho thấy kĩ thuật tân tiến của Đức Quốc Xã thời đó mà đến tận ngày nay người ta cũng chưa làm ra được chiếc máy bay ném bom nào có khả năng tương tự.

Silbervogel , tiếng Đức có nghĩa là con chim bạc, là dự án máy bay ném bom xuyên lục địa của Đức Quốc Xã với mục tiêu thả bom vào đất Mỹ thời thế chiến thứ II . Nó được thiết kế để thực hiện những "cú nhảy" ở tầng bình lưu, nhờ vậy mà có thể mang bom từ Đức thả vào Mỹ rồi đáp xuống ở khu vực nào đó gần Nhật, tức là gần hết một vòng Trái Đất. Tuy không trở thành hiện thực (chỉ có một bản mẫu được phát triển để thử nghiệm trong phòng gió) nhưng Silbervogel đã cho thấy kĩ thuật tân tiến của Đức Quốc Xã thời đó mà đến tận ngày nay người ta cũng chưa làm ra được chiếc máy bay ném bom nào có khả năng tương tự.

Ý tưởng

Dự án được bắt đầu vào cuối những năm 1930 bởi kĩ sư không gian người Áo Eugen Sänger và một nhà khoa học Đức tên Irene Bredt. Nó còn được gọi bằng cái tên RaBo (Raketenbomber hay "rocket bomber"). Đây là một trong số những thiết kế được Đức cân nhắc nhằm đánh bom Mỹ, về sau chỉ còn một số máy bay ném bom chiến lược như Messerschmitt Me 264 hay Junkers Ju 390 là thật sự được làm ra để bay xuyên biển Đại Tây Dương.

Đối với Đức, việc đến được Mỹ mà không xài hạm đội hải quân là chuyện rất quan trọng, vì như các bạn cũng đã biết thì Mỹ nằm rất xa Châu Âu và khoảng cách đó lại còn là biển Đại Tây Dương rộng lớn. Nếu Đức muốn đánh Mỹ từ Châu Á thì cũng phải băng qua Thái Bình Dương, vốn không phải là chuyện dễ dàng. Xài tàu biển thì dễ bị dính thủy lôi hoặc bị các máy bay ném bom cỡ trung đánh đám, trong khi đó Mỹ cũng đã triển khai hạm đội của mình nên việc đánh chặn Đức / Nhật sẽ gây ra nhiều rắc rối và làm tiêu hao sinh lực. Chỉ có Nhật là đã thả bom được vào đất Mỹ với trận Chân Trâu Cảng, nhưng đây chỉ là một thất bại của Mỹ khi bị đánh bất ngờ mà thôi, nếu họ được chuẩn bị kĩ càng thì chuyện đánh bom sẽ khó khăn hơn.

Với tất cả những điều trên, năm 1938, dự án Amerika Bomber được Đức thành lập nhằm tạo ra một chiếc máy bay xuyên Đại Tây Dương với khả năng mang số lượng bom lớn tới Mỹ.

Cách hoạt động của Silbervogel

Silbervogel được thiết kế để bay khoảng cách dài bằng các thực hiện nhiều bước nhảy liên tục. Chiếc máy bay sẽ bắt đầu nhiệm vụ của mình bằng cách chạy dọc một đường ray dài 3km nhờ sức đẩy của một cái xe trượt dùng động cơ rocket. Động cơ này sẽ tạo ra lực đẩy 600 tấn trong vòng 11 giây. Khi đạt vận tốc 800km/h thì nó bay lên trời theo góc nghiêng 30 độ, lúc này động cơ của chính Silbervogel sẽ được kích nổ và tiếp tục bay lên độ cao 145km so với mặt đất. Trong quá trình này, động cơ có thể đốt tới 90 tấn nhiên liệu.

Khi đạt tới mốc 145km cao độ, động cơ sẽ giảm sức đẩy và trọng lực sẽ kéo máy bay hạ dần độ cao để tiến vào tầng bình lưu (~50 km), nơi mật độ không khí dày đặc tạo ra một lực đẩy vào phần bụng phẳng của Silbervogel. Điều này giúp máy bay bật lên trở lại giống như một cú nhảy. Silbervogel sẽ lặp lại lối bay này trước khi đến được mục tiêu.

Theo các nguyên lý khí động lực học, mỗi cú nhảy như vậy sẽ không còn cao như cái trước đó, vậy mà người ta vẫn tính toán rằng Silbervogel có thể vượt biển Đại Tây Dương để mang một quả bom nặng 4 tấn thả xuống Mỹ rồi bay tiếp đến một bãi đáp ở gần Nhật. Như vậy, tổng hành trình của máy bay sẽ vào khoảng 19.000 đến 24.000 km. Để bạn dễ so sánh thì những chặng bay dài nhất trong thời hiện đại ngày nay có khoảng cách 13.804 km từ Sydney, Úc đến Dallas, Mỹ, và máy bay thực hiện chặng bay này là Airbus A380 và Boeing 747.

Sau chiến tranh, người ta phân tích và thấy rằng có một lỗ hổng trong việc thiết kế chiếc Silbervogel, đó là nhiệt độ khi chiếc máy bay này bay trở lại vào bầu khí quyển sẽ cao hơn so với tính toán ban đầu. Nếu Silbervogel thực sự được chế tạo theo các số liệu của Sänger và Bredt thì nó sẽ nổ trong quá trình xâm nhập khí quyển. Vấn đề có thể được giải quyết bằng cách gia cường một lớp chống nhiệt, nhưng khi đó máy bay sẽ nặng thêm và người ta sẽ phải giảm trọng lượng của quả bom xuống (nhưng nếu Đức Quốc Xã chế tạo được bom hạt nhân thì khối lượng bom nhỏ cũng đã đủ chết).

Ngoài ra, sự thật là chiếc Silbervogel quá tân tiến so với thời đó cũng góp phần làm dự án bị thất bại. Để chế tạo được máy bay này sẽ tốn rất nhiều tiền của, trong khi Đức còn phải chi nhiều cho các mặt trận đông tây. Dự án bị ngừng lại năm 1942, tuy nhiên Đức vẫn cho Sänger tiếp tục làm việc tới năm 1944 với hi vọng đánh bom được Mỹ nếu họ chiếm được thêm một số vùng đất khác và phóng máy bay từ đó.

Cảm hứng cho các máy bay hiện đại

Mặc dù không bao giờ bay lên trời nhưng ý tưởng của chiếc Silbervogel vẫn rất thú vị. Sau khi Đức thua cuộc, Quân Đồng Minh và Nga đã thấy được bản vẽ của mẫu máy bay ấn tượng này nên họ bắt đầu nghiên cứu chế tạo những chiếc máy bay tầm xa dựa theo ý tưởng của người Đức.

Eugen Sänger, nhà khoa học đã tham gia vào dự án Silbervogel từ những ngày đầu, lúc này đang làm việc cho chính phủ Pháp (khoảng năm 1949). Xô Viết được cho là thuyết phục ông về làm cho Nga nhưng ông từ chối, sau đó Joseph Stalin đã ra lệnh cho con trai mình là Vasily đi bắt cóc Sänger nhưng có vẻ như đã không thành công. Mặc dù vậy, Xô Viết vẫn cố gắng tạo ra một thiết kế của riêng mình và gọi nó bằng cái tên Keldysh với tầm bay khoảng 12.000 km nhưng tốc độ chậm hơn khá nhiều so với Silbervogel. Lại một lần nữa, chiếc máy bay này chưa từng một lần xuất hiện trong đời thực mà chỉ dừng ở mức nghiên cứu.

Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc. Với ý tưởng và máy bay ném bom dạng trượt, Boeing đã tạo ra X-20 - chiếc máy bay với cùng khả năng "nhảy cóc" như là Silbervogel. Về mặt hiệu năng hoạt động, X-20 có rất nhiều điểm tương đồng với Silbervogel nhưng bề ngoài của nó nhìn không giống như một cái tên lửa . Điều này là do sự đóng góp của Walter Dornberger, nhà khoa học Đức nắm nhiều kiến thức về Silbervogel. Mặc dù đã có một số hợp đồng được ký kết nhưng về sau dự án X-20 cũng đã bị hủy bỏ.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Ý tưởng của chiếc Silbervogel đã giúp người ta hiểu được những kiến thức cần thiết trong việc tạo ra một chiếc tàu vũ trụ có khả năng tái sử dụng và có mang người trong đó. Đúng, chính là chiếc tàu con thoi của NASA. Tàu con thoi đã giúp việc bay xung quanh bầu khí quyển Trái Đất trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thật là bất ngờ với Đức Quốc Xã đúng không nào?

Tham khảo: Jalopnik , Wikipedia , False Steps , World of War Planes

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/silbervogel-du-an-may-bay-nem-bom-di-tu-duc-den-my-bang-cach-nhay-coc.2549274/