Sìn Hồ - Lai Châu: Chợ hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, Chủ tịch huyện phủi trách nhiệm

Được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế. Nhưng nhiều khoản đầu tư vào huyện Sìn Hồ, Lai Châu còn chưa phát huy được hiệu quả. Thậm chí, địa phương này còn làm theo kiểu “xây cho hết tiền”. Dự án chợ Sìn Hồ mới là một minh chứng cho sự yếu kém trong công tác quản lý xây dựng cơ bản.

Chợ xây dựng xong đến mấy năm nhưng chưa 1 ngày nào họp chợ. Cửa vẫn đóng, vòi cứu hỏa thì hoen rỉ. Hỏi đến trách nhiệm thì Chủ tịch huyện bảo vẫn đang chờ bổ sung... dự án mới có tiền làm tiếp. Vậy, trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ ở đâu khi để xảy ra tình trạng lãng phí như trên?

Khu chợ Sìn Hồ mới đã “đốt” gần chục tỷ đồng, nhưng chưa hoạt động, vẫn chờ... tiền để làm giai đoạn 2.

Trao đổi với một số hộ dân sinh sống ở thị trấn Sìn Hồ, gần khu chợ Sìn Hồ mới xây, anh H, một thợ sửa chữa xe máy cho biết: nếu tính ra, cái chợ Sìn Hồ mới này được đầu tư, xây dựng được khoảng 6-7 năm nay rồi. Bà con nhân dân cũng không thể nhớ nổi ngày khởi công nữa, rồi đến thời ông Giàng A Tính lên làm Bí thư Huyện ủy cũng thấy “hứa hẹn” sẽ đưa chợ này vào hoạt động. Và “lời hứa” cũng chưa thấy thực hiện thì nay ông này làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mà dự án vẫn bỏ ngỏ.

Qua điều tra, phóng viên được biết: dự án chợ Sìn Hồ mới được khởi công xây dựng vào khoảng năm 2010. Làm ì ạch mãi mới xong. Đến nay, vẫn chưa đưa vào sử dụng. Cả khu đất chợ vẫn để trống. Còn khu nhà thì nay đã han gỉ hết, vòi nước cứu hỏa, cánh cửa đều hỏng cả. Cỏ mọc um tùm trước sự thờ ơ của chính quyền. Đây là một sự lãng phí lớn khi 1 huyện nghèo, các dự án công trình đầu tư đều chỉ biết “ngóng chờ” từ Trung ương về, tại sao lại không biết “tôn trọng” và sử dụng cho đúng hiệu quả.

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tình trạng các công trình xây dựng xong rồi bỏ mặc là khá phổ biến và nhiều tai tiếng. Một số lớp học xây xong rồi... đóng cửa chờ học sinh. Nguyên nhân là do khảo sát kém, chỗ cần xây thì không xây, chỗ không cần thì lại xây. Không những thế, nhiều người làm “quan” nhưng em trai, em họ lại mở doanh nghiệp để nhận các công trình chỉ định thầu. Có chỗ lại đầu tư xây dựng vào vùng lòng hồ ngập....

Làm việc với ông Bình, Trưởng Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản của huyện Sìn Hồ, ông Bình cho biết: Ban quản lý không làm cái chợ này, dự án này thuộc về những lãnh đạo thời kỳ trước. Tiếp tục liên hệ với ông Trương Quang Phiệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ về những bất cập trên. Đặc biệt sự lãng phí tiền bạc đối với 1 dự án không hiệu quả. Ông Phiệt cho biết: hiện tại, cái chợ này vẫn chưa xong, mới xong giai đoạn 1, chờ giai đoạn... 2. Lúc nào xây dựng giai đoạn 2 mới xong mới đưa vào hoạt động. Rồi ông này lại lý giải, hiện giờ còn khó khăn nên chưa làm giai đoạn 2, chắc phải đợi xã hội hóa. Rồi ông này biện minh hàng loạt lý do: nào khu chợ cũ hiện có 140 hộ, chợ mới có... 40 hộ, nên thiếu ki ốt cho họ. Bởi vậy, muốn có chợ mới đi vào hoạt động thì cứ... chờ. Và chờ đến bao giờ thì chính ông Phiệt cũng không rõ nữa.

Trụ sở UBND huyện Sìn Hồ

Phân tích về những vấn đề lãng phí ngân sách mà không sử dụng có hiệu quả, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Việc các chủ đầu tư sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn đầu tư là việc làm tắc trách, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Vai trò của họ đến đâu khi để dự án “chết chìm” mà cũng không rõ. Làm việc phải nghiêm túc chứ ngân sách nhà nước không phải là cái “bánh ngọt” để các vị làm theo kiểu cho xong rồi đổ lỗi cho nhau, luật sư Phất nhấn mạnh.

“Mục sở thị” trước những phản ánh của người dân, phóng viên nhận thấy, những tố cáo của người dân về dự án chợ Sìn Hồ mới là có cơ sở và đúng sự thật. Chất lượng công trình đã xuống cấp trầm trọng. Sắt thép ở khu nhà chợ chính đã hỏng, han gỉ... Cỏ mọc khắp nơi, hoang tàn... Thêm nữa, chợ lại hoạt động quá xa khu trung tâm nên sau này cũng khó có người đến hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Giang (quê Thái Bình), đang kinh doanh buôn bán ở chợ Sìn Hồ cũ cho biết: nếu nói về địa thế, khu chợ Sìn Hồ cũ thấp hơn mặt đường nên khi mưa lũ, nước có chảy vào chợ. Nhưng bà con vẫn phải họp, cũng nghe nói nhiều về chuyện phải di dời ra chợ mới xây. Nhưng tất cả cũng chỉ là nghe nói thôi, còn đến bao giờ, thì người dân cũng chả quan tâm nữa bởi nghe mãi, giờ nhàm. Mọi người chả ai quan tâm nữa.

Thay lời kết, như vậy: Việc để hàng chục tỷ đầu tư xây dựng xong rồi bỏ hoang, khi hỏi đến lại đổ thừa cho giai đoạn 2, rồi mai kia lại giai đoạn 3, 4... chỉ là cách nói bao biện của Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ - ông Trương Quang Phiệt. Không thể cứ làm, cứ xây rồi lại bỏ mặc để chờ, trong khi tuổi thọ công trình có hạn. Đã đến lúc cần chấm dứt nạn làm bừa, phung phí tiền ngân sách ở đây.

Đức Hải - Đà Giang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/sin-ho-lai-chau-cho-hang-chuc-ty-dong-bo-hoang-chu-tich-huyen-phui-trach-nhiem.html