Singapore - Malaysia xây đường sắt cao tốc tránh tắc đường liên quốc gia

Dự án sẽ được khởi công từ năm 2018 và đi vào hoạt động từ năm 2026 với kinh phí 14,7 tỉ USD.

Làn xe nối dài bất tận trên cầu Second Link

Tắc nghẽn đến ngạt thở tại biên giới giữa Singapore - Malaysia buộc Chính phủ hai nước bắt tay xây dựng đường sắt cao tốc nối liền biên giới, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại.

3h sáng đã là… giờ cao điểm

Dù đã được kết nối bằng cả đường cao tốc Johor - Singapore Causeway và cầu Second Link nhưng người dân hai nước Malaysia và Singapore vẫn đối mặt với hai vấn đề lớn kéo dài và nhức nhối nhiều năm nay, đó là tắc đường, phí cầu đường tăng. Phó giám đốc Cơ quan Xuất nhập cảnh Malaysia, ông Abdul Rahim Chung cho biết: 3h sáng đã là giờ cao điểm trên hai tuyến đường này vì mọi người cố gắng đi sớm để tránh tắc đường.

Cũng như hàng nghìn người khác thường xuyên phải di chuyển từ Johor Bahru tới Singapore để làm việc, anh Steven Choy, cư dân Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), 33 tuổi cho biết: Mỗi sáng, khi trời còn chưa tỏ, anh đã lách cách chiếc xe máy rời nhà trọ qua cầu Second Link sang Singapore. “Có ngày, tắc đường kéo dài hơn một tiếng đồng hồ trên cầu. Tôi ghét tắc đường và mưa nhưng vẫn phải cố vì kế mưu sinh”, anh Choy kể. Còn cô Yvonne Lim cùng chồng mới chuyển nhà tới thị trấn mới Nusajaya (Malaysia) gần cầu Second Link vài năm trước. Để sở hữu ngôi nhà trong mơ, cô và chồng chấp nhận cảnh mỗi ngày rời nhà từ 5h sáng để đưa con đi học và quay sang đi làm ở Singapore.

Số liệu thống kê từ Cơ quan Xuất nhập cảnh Malaysia năm 2015 cho thấy, mỗi ngày có hơn 250 nghìn lượt xe di chuyển qua đường Johor - Singapore Causeway. Khoảng 58% trong số đó là xe máy, 36% là ô tô. Đây được coi là biên giới bận rộn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài tắc nghẽn, thời gian trở lại đây, Chính phủ Malaysia bắt đầu tăng phí cầu đường trên Johor - Singapore Causeway với lý do chi phí bảo trì hạ tầng tăng. Không kém cạnh, Singapore ngay sau đó cũng tăng phí cầu đường để kiểm soát số lượng phương tiện đăng ký biển nước ngoài vào thành phố. Tắc nghẽn cộng thêm tăng phí cầu đường khiến người tham gia giao thông tại khu vực này thêm áp lực, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lớn tại biên giới.

Singapore chịu thiệt?

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu rộng, các vấn đề biên giới và đi lại đòi hỏi hai nước phải mở rộng hạ tầng, kết nối giao thông. Giải pháp mới nhất vừa được công bố gần đây là dự án xây dựng đường sắt cao tốc Singapore - Kuala Lumpur với tốc độ 300km/h, rút ngắn thời gian hành trình từ 5 tiếng xuống còn 90 phút.

Song, tuyến đường sắt trải dài trên 350 km chỉ có 15km nằm trên đất Singapore. Do đó, một số chuyên gia Singapore e ngại, nước này không nhận được nhiều lợi ích kinh tế từ các dịch vụ dọc tuyến đường sắt . Dù vậy, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định: “Càng chú trọng tạo thuận lợi cho người dân di chuyển đi lại, hai nước càng nhận được nhiều lợi ích”. Dự kiến, tuyến đường này sẽ phục vụ 20 triệu người/năm.

Ngoài cắt giảm thời gian, di chuyển bằng tuyến đường sắt này được đánh giá sẽ thuận lợi hơn phương thức hàng không nhờ kết nối thuận tiện với đô thị. Chẳng hạn, từ Bandar Malaysia - điểm dừng đường sắt tại Kuala Lumpur vào trung tâm thành phố chỉ mất 10 phút lái xe.

Trong khi, di chuyển từ sân bay tới trung tâm Kuala Lumpur mất tới gần một giờ. Hơn nữa, để thuận tiện, hai bên cũng nhất trí thiết lập các chốt kiểm tra xuất nhập cảnh tại ba địa điểm - Singapore, Iskandar Puteri và Kuala Lumpur. Đồng nghĩa, người tham gia giao thông sẽ được hải quan hai nước thông qua ngay từ khi lên tàu.

Nhật Bản tự tin thắng thầu

Sau khi kêu gọi đấu thầu cho dự án đường sắt cao tốc, Malaysia và Singapore nhận được khoảng 250 đơn dự thầu đến từ nhiều đơn vị nước ngoài. Sau khi sàng lọc, còn 98 đơn vị; Trong đó 14 tổ chức nước ngoài đề nghị được cung cấp thông tin thêm về kế hoạch dự án, bao gồm hai tập đoàn sản xuất tàu của Nhật và Trung Quốc cùng nhiều tập đoàn khác đến từ châu Âu như: Pháp, Đức, Canada... Một số chuyên gia cho rằng, dự án này có thể là đấu trường khốc liệt khác giữa nhà sản xuất tàu Nhật Bản - Trung Quốc.

Đối mặt với các công ty đến từ châu Âu đã có nhiều năm kinh nghiệm, còn Trung Quốc cũng là đối thủ mạnh mới nổi, Nhật Bản sớm đi trước một bước khi nhanh chóng phối hợp giữa Chính phủ và đại diện doanh nghiệp để xúc tiến đấu thầu dự án. Người phát ngôn Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Keiichi Ishii đã gặp Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai và Bộ trưởng Giao thông Singapore Josephine Teo, đề cập tới dự án đường sắt cao tốc này. Nhật Bản tự tin giành được dự án và hoàn thành sớm chỉ trong 7 năm. Về phía chủ đầu tư, giới chức Malaysia cho biết, trong quá trình xem xét nhà thầu, dù yếu tố giá cả quan trọng nhưng an toàn mới là tiêu chí hàng đầu.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/singapore--malaysia-xay-duong-sat-cao-toc-tranh-tac-duong-lien-quoc-gia-d160758.html