Sinh viên sa bẫy lừa mua hàng

Tao bị mua hớ rồi mày ơi!”, “Không ngờ bị lừa dễ thế”, “Mua phải hàng đểu rồi mày ạ”. Đó là những câu cửa miệng của nhiều sinh viên.

Chiêu mời đon đả

Những kiểu mời chào như “Vào mua quần áo đi cháu, quần áo đẹp mà rẻ lắm”, “Em ơi, vào mở hàng cho anh, hàng mới nhập về nhiều mẫu mã, giá phải chăng”,…Đằng sau những kiểu mời chào như vậy, không ít sinh viên đã sà vào, với những chủ hàng dễ tính thử hàng không được thì đi, nhưng với những chủ hàng khác đã vào rồi thì phải “xì tiền” ra.

Đinh Hiền (ĐHQGHN) còn nhớ lại kỉ niệm đi chợ ở Ngã Tư Sở. Dạo qua chợ cùng mấy người bạn, Hiền đã sà vào ngay cửa hàng bán mĩ phẩm và quần áo của bà chủ quán cạnh đường sau câu mào khách rất ngọt: “Vào xem hàng đi các con, nhìn các con xinh tươi thế này vào mở hàng lấy may lấy mắn cho bác”.

Xem qua, xem lại đồ quần áo, mĩ phẩm, Hiền không ưng ý cái nào nên đành quay đi. Nhưng chưa kịp bước ra khỏi bậc cửa, đã bị bà chủ hàng kéo lại và chêm vào câu: “Định vào hàng người ta rồi mà không mua à. Đã vào đây rồi thì phải xì tiền ra chứ”.

Chưa kịp choáng theo luật “vào rồi thì phải mua”, Hiền đã phải đối mặt với bộ mặt hằm hằm của bà chủ quán “không mua không xong với bà đâu”. Cuối cùng, Hiền với nhóm bạn đã phải mua thỏi son với giá cắt cổ so với giá của mặt hàng trên thị trường.

Mặc cả rồi mà vẫn bị “chém”

Đây là chiêu mà nhiều sinh viên thường bị lừa nhất khi đi dán điện thoại. Thông thường, mỗi sinh viên đều ngã giá trước khi đưa điện thoại cho người dán. Mỗi lần dán điện thoại chỉ hết tầm độ 50k là đã có một mác mới đẹp cho chú dế cưng. Nhưng theo kiểu được thế lấn lướt, đã dán xong rồi thì phải giả tiền khiến nhiều sinh viên phải ớ người ra, khi phải trả giá cho vài miếng dán điện thoại lên đến vài trăm ngàn.

Những tay dán điện thoại này thường lí sự rằng, giá em mặc cả lần đầu chỉ dán được mặt trước thôi, còn mặt sau và miếng dán cạnh giá đắt em à. Thành ra cộng cả mấy mặt với giá “tự chém”của các chủ hàng dán điện thoại. Một chiếc điện thoại nhỏ đã phải trả lên hàng trăm nghìn.

Đặc biệt, chúng lợi dụng khi người dán lơ là đã mặc cả xong xuôi, chỉ ngồi chờ để lấy điện thoại thì chúng tự thêm thắt và “chế” ra những khoản “trên trời dưới đất” nên giá rất cao.

Một khi người dán không chịu trả thì đừng “nằm mơ” đi khỏi gian hàng, những “đàn anh” quán bên cũng đã sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” trong trường hợp khách không chịu trả tiền. Bởi vậy, dù có bị chém đến mấy, nhiều sinh viên cũng phải cắn răng chịu đựng với giá “trời ơi đất hỡi” như vậy.

Hải Anh (HV Báo chí & Tuyên truyền) ấm ức kể lại: “Mình đã mặc cả 40k trước khi dán điện thoại nhưng đến phút trả tiền, anh chủ hàng đòi mình 200k. Giá cắt cổ thế mà mình vẫn phải chấp nhận trả”.

Hải Anh cho biết đã từ chối không trả tiền vì giá đã mặc cả, nhưng nhìn ánh mắt lườm lừ từ anh dán hàng điện thoại và mấy gian hàng cạnh bên, đành ngậm ngùi mà trả cho xong chuyện. Khi đi xong, Hải Anh còn nghe câu “không trả tiền không xong đâu cô bé ạ”, rồi cả bọn chúng phá lên cười khoái chí ở phía sau.

Đồ xịn ở cửa hàng lớn?

Thông thường nhiều sinh viên vẫn tin rằng những cửa hàng lớn đều bán đồ thật, dù có đắt một chút vẫn thấy an tâm. Nhưng họ không biết rằng, đằng sau cái mác lớn của một số cửa hàng, lại có những món đồ được trà trộn rất tinh vi để đánh lừa giác quan của người mua.

Linh (ĐH Luật HN) đã không ngậm ngùi kể lại vụ đi cắt kính của mình. Dạo qua mấy cửa hàng bán kính ở đường Cầu Giấy, Linh ưng ý khi chọn cho mình được một cửa hàng khá rộng và trông bắt mắt. Cắt kính với giá 500k nhưng chỉ vài ngày sau khi rửa mặt, chiếc gọng kính của Linh đã bị ra màu và có biều hiện của sự tróc lớp vỏ bên ngoài. Xót tiền khi cắt nhầm phải kính đểu nhưng có muốn đổi lại thì sự cũng đã rồi. Bởi khi đã mang kính ra khỏi cửa hàng thì không thể quay lại đổi nữa.

Đây có chắc là hàng hiệu?

Hoặc Lê Mai (HV Tài chính) đã mua nhầm phải hàng hết sử dụng ở một cửa hàng…mới khai trương. Mai chia sẻ, ở bên ngoài vỏ nhãn mác vẫn mới tinh nhưng khi xé lớp vỏ ấy ra mới biết đã hết hạn sử dụng.

Những kiểu cửa hàng mới khai trương này thường đánh vào tâm lí của người tiêu dùng khi thấy có gian hàng mới sẽ vào và với mức giá khuyến mãi từ 30% đến 50% thì nhiều khách sẽ vào. Dù ít hay nhiều cũng sẽ có người mua và họ dễ dàng trà trộn vào đấy những thứ đã không còn sử dụng được.

Mặc dù biết những cửa hàng, chủ quán nào biết làm ăn có uy tín, có chất lượng, không “chặt chém” sẽ được nhiều sinh viên ghé qua mua thường xuyên. Nhưng với số lượng sinh viên đông, đặc biệt là những sinh viên mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội thì việc “giăng bẫy” của các chủ quán còn nhiều.

Bởi vậy, mỗi sinh viên hãy tự đề cao cảnh giác cho mình, đừng dễ tin vào ngay những lời mời ngọt ngào hoặc những gian hàng bắt mắt. Trước đó, muốn mua mặt hàng gì, bạn nên tham khảo ý kiến của bạn bè, người quen đã từng mua ở những cửa hàng ấy. Hoặc nên hỏi trước giá của các sản phẩm mình sẽ mua.

Mặt khác, bạn có thể nhờ người quen đèo đi mua ở những cửa hàng mà họ biết đối với các mặt hàng đắt đỏ. Họ sẽ có nhiều góp ý cho bạn về món hàng cần mua.

Không nên tự quyết định khi mua những mặt hàng đắt tiền bạn nhé.

Theo Bùi Thị Thủy/Vietnamnet

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/sinh-vien-sa-bay-lua-mua-hang.html