Sinh viên top 100 xuất sắc nhất thế giới chia sẻ cách học tiếng Anh siêu đẳng

Nguyễn Chí Hiếu, sinh viên xuất sắc nước Anh năm 2004 và top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 thẳng thắn chỉ ra quan niệm chưa đúng của phụ huynh về việc học tiếng Anh.

Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Từ lâu, các phụ huynh Việt Nam quan niệm, tiếng Anh là chìa khóa mở ra thành công. Nhưng có tế có phải như vậy.

Trong tọa đàm "Học tiếng Anh như thế nào, tại sao?" do Học viện Phát triển tư duy và kỹ năng IEG tổ chức, Nguyễn Chí Hiếu, sinh viên xuất sắc nước Anh năm 2004 và top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 thẳng thắn chỉ ra quan niệm chưa đúng của phụ huynh về việc học tiếng Anh.

Mở đầu câu chuyện, Nguyễn Chí Hiếu đưa ra một cuốn sách của một tác giả người Mỹ. Cuốn sách này đã cho thấy 2 kim chỉ nam. Thứ nhất là hình ảnh con vịt của ĐH Stanford. “Nhìn trên mặt nước có vẻ bình yên nhưng ở dưới mặt nước, con vịt đang đạp rất mệt mỏi. Tức là nếu đứng từ bên ngoài nhìn vào, sinh viên ĐH Stanford rất hoành tráng nhưng thực ra trong đó họ đang học hành rất cật lực, nhất là những người không đủ năng lực” – Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Thứ hai là hệ thống giáo dục của các trường ĐH đã vô tình định hướng giáo dục phổ thông. Hệ thống đó cho ra một hệ thống sinh viên rất thông minh, vì đã nỗ lực để đạt được thành tích đó nhưng lại sợ hãi, mất phương hướng. Chỉ biết đi học, làm bài kiểm tra. Họ không biết học để làm gì. Học đơn giản chỉ để trả bài. Đó là tư tưởng vô tình 12 năm chúng ta đã gò học sinh vào. Chính vì vậy khi vào ĐH, sinh viên phải tự bơi, họ mất phương hướng, không biết bơi như thế nào.

Từ câu chuyện trên, Chí Hiếu quay trở lại câu chuyện học tiếng Anh hiện nay. Theo anh, một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ suốt 20 năm, ba kỹ năng tạo nên một sinh viên thành công ở bất kỳ đại học nào của Mỹ là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề đa chiều và viết lập luận, phân tích. Tuyệt nhiên không một giáo sư ĐH nào coi khả năng ngôn ngữ (tiếng Anh) là yếu tố quyết định. Và trong một khảo sát của tổ chức kinh tế thế giới với các nhà tuyển dụng, kết quả về các kỹ năng họ cần ở nhân viên cũng tương tự.

Chí Hiếu cho rằng việc học sinh nói tiếng Anh chuẩn 100% không quan trọng bằng năng lực của mỗi đứa trẻ. "Hôm nay con nói không tốt nhưng chỉ cần đặt vào môi trường tiếng Anh hai năm là con có thể nói giỏi. Vì vậy, tiếng Anh không phải là mục tiêu dài hạn để phụ huynh tập trung cho con học trong suốt 12 năm", anh Hiếu khẳng định.

Thay đổi lại quan niệm học tiếng Anh

Nguyễn Chí Hiếu cũng nêu ra một thực trạng đang tồn tại ở Việt Nam. Như là một lộ trình đã vạch, tất cả học sinh Việt Nam đều học tuần tự theo quy trình: Tiểu học học giao tiếp, THCS học ngữ pháp, đọc hiểu và luyện thi, THPT sẽ tập trung vào luyện thi.

Anh không cho rằng cách làm đó là sai. Nhưng là học sinh chuyên Anh từ cấp THCS, và tự nhận mình vẫn nói tiếng Anh chưa chuẩn, Nguyễn Chí Hiếu khẳng định học tiếng Anh để phát triển kiến thức, tư duy và tính cách mới quan trọng.

"Ở độ tuổi Tiểu học, phụ huynh nên tìm cách tạo môi trường và thói quen cho con hơn là ép con chỉ học nguyên giao tiếp", anh Hiếu nói và phân tích thêm một môi trường để con tiếp xúc với tiếng Anh tự nhiên là cần thiết nhất. Bên cạnh đó, cần tạo cho con thói quen nghe, nói, đọc, viết hàng ngày.

Cấp THCS hiện nay, học sinh học nhiều về ngữ pháp, kỹ năng đọc hiểu ở trường. Theo khảo sát, học sinh hiện nay làm các câu hỏi ngữ pháp thì tốt nhưng cho viết bài văn lại không viết được. Quan điểm của anh Hiếu, ngữ pháp chỉ là tương đối, trong nhiều ngữ cảnh việc phá vỡ quy luật ngữ pháp lại đem đến một bài viết hay.

Theo anh Hiếu, học này là giai đoạn mở rộng kiến thức và tư duy cho con ở mọi lĩnh vực và tiếng Anh lúc này chỉ là công cụ để lấy kiến thức nền và phát triển tư duy. Thay vì cho con học ngữ pháp hàng ngày và luyện thi, phụ huynh cần cho con đọc các tài liệu bằng tiếng Anh như sách học thuật, truyện, báo. Với môi trường và thói quen được trang bị từ tiểu học, các con sẽ quen dần và có thể đọc được những tài liệu dài hơn, khó hơn.

Bậc THPT, học sinh cần có nhận thức xã hội đúng đắn, hiểu được giá trị của chính mình và phải xác định học tiếng Anh để phục vụ điều này. Anh Hiếu nhận định nhiều học sinh được học bổng đi du học Mỹ nhưng không biết mình là ai dẫn đến nhanh chóng bị stress.

“Xác định được mục tiêu học tiếng Anh ở mỗi giai đoạn, phụ huynh và học sinh sẽ tự tìm ra phương pháp học đúng đắn. Một lần nữa tôi phải nói tiếng Anh chỉ là công cụ để phát triển kiến thức, tư duy và tính cách cho học sinh", anh Hiếu nhấn mạnh khi kết thúc bài nói chuyện của mình.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/sinh-vien-top-100-xuat-sac-nhat-the-gioi-chia-se-cach-hoc-tieng-anh-sieu-dang-1156128.tpo