Sợ cảnh cô lập, cả làng xẻ núi mở đường

Người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) từ bao đời nay sống trong cảnh cô lập với thế giới bên ngoài. Không cam chịu cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu, cả làng đã cùng nhau xẻ núi mở đường với hơn 1.000 ngày công để đi lại, buôn bán...

Quyết xóa cảnh cô lập

Từ trung tâm xã Canh Liên, mất gần 1 ngày lội bộ băng qua nhiều khoảnh rừng và những con dốc cheo leo của núi Ba Cây, chúng tôi mới đến làng Canh Tiến, nơi chủ yếu là người Ba Na, Chăm, Tày, H’re… sinh sống. Theo ông Phạm Đình Ngọc, một người dân trong làng, từ Canh Tiến muốn đi đến trung tâm xã Canh Liên phải mất gần 1 ngày đi bộ vượt núi vì không đi được xe máy. Vì vậy, rất hiếm khi người trong làng đến trung tâm xã, trừ khi có chuyện thực sự cần thiết. Vì xa xôi cách trở nên việc sản xuất của người dân trong làng gặp muôn vàn khó khăn. Ông Ngọc tính toán, nếu 1ha keo dưới xuôi thương lái mua giá 50 triệu đồng, thì tại làng này chỉ khoảng 15 triệu đồng. Thậm chí, nhiều lúc thương lái còn o ép chỉ trả 7 triệu đồng/ha mà người trồng phải nài nỉ mãi mới bán được keo. ­

Từ ngày mở đường, người dân làng Canh Tiến (xã Canh Liên) lưu thông, buôn bán đã dễ dàng hơn. ảnh: D.T

“Người dân trong làng rất sợ ốm đau, vì phải mời thầy lang đến cúng vái tại nhà và đâm trâu mời để các làng bên đến ăn thì mới hết bệnh. Mỗi con trâu là 40 triệu đồng, nghèo cũng phải mua trâu, không có thì vay mượn để lo chữa bệnh. Gần đây, tình trạng đó không còn nữa thì người dân lại “vướng” nỗi lo bỏ mạng giữa đường khi đến bệnh viện. Ở đây không có trạm xá, trong khi đường lên xã xa xôi nên khi có người đau ốm, bà con phải thuê thuyền để đưa đi cấp cứu tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định), mỗi lần đi cũng mất ít nhất 700.000 đồng” - ông Ngọc chia sẻ.

"Ngoài làm rẫy, buôn bán, giờ đây các hộ dân còn nhận việc quản lý và bảo vệ 2.200ha rừng tự nhiên tại khu vực Canh Tiến. Nhờ vậy, bà con vừa có thu nhập vừa giữ được lá phổi xanh của núi rừng”.
Anh Phạm Long

Để thoát khỏi cảnh cô lập, tháng 4.2014, hàng trăm dân làng Canh Tiến đã mang cuốc, xẻng và ngủ ngay tại rừng để xẻ núi mở đường đến xã Nhơn Tân. Sau gần 3 tháng ròng rã “ăn bờ, ngủ bụi”, đoạn đường này mới hoàn thành, người dân có thể di chuyển bằng xe máy dễ dàng. Anh Đinh Văn Thanh (26 tuổi, làng Canh Tiến) cho hay: “Sống cảnh cô lập quá khổ, vì vậy thôn trưởng đã họp dân quyết tâm làm đường, nam nữ trong làng đều tham gia. Làm đường vất vả lắm, có hôm phải mang cuốc, cơm nắm theo để ăn và ngủ luôn tại rừng. Con đường này làm được 2 năm rồi, nhờ vậy cuộc sống người dân bớt khó khăn hơn”.

1.000 ngày làm đường

Anh Phạm Long - Phó làng Canh Tiến cho hay, sau hơn 1.000 ngày thi công ròng rã, người dân trong làng đã mở đoạn đường từ làng đến xã Nhơn Tân dài gần 25km. Chị Đinh Thị Bông, người dân làng Canh Tiến chia sẻ: “Dân ở đây mong mỏi có đường để giao lưu, buôn bán với các vùng lân cận từ lâu lắm rồi, nên khi nghe thông báo làm đường chúng tôi đều hăng hái tham gia. Dù con đường nhỏ, nhưng việc đi lại đã dễ dàng và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với trước đây”.

Ông Đinh Văn Diễn - Chủ tịch UBND xã Canh Liên cho biết thêm: “Làng Canh Tiến với khoảng 130 hộ dân, cuộc sống còn rất nhiều có khăn do chưa có điện lưới quốc gia và đường giao thông. Vì thế, bà con đã tự tìm cách mở đường có thể lưu thông bằng xe máy để giao lưu, buôn bán với bên ngoài. Bên cạnh đó, bà con còn sắm được 3 chiếc thuyền để lưu thông bằng đường thủy”.n

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/so-canh-co-lap-ca-lang-xe-nui-mo-duong-692485.html