Sở GTVT Hà Nội: Chưa thể xóa bỏ ngay những cây cầu phao

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội có 20 cầu phao, mặc dù biết các cầu phao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng do nhu cầu của người dân nên vẫn chưa thể xóa bỏ ngay những cây cầu này.

Báo Lao động Thủ đô số 95, ra ngày 10/8 có bài viết “Thấp thỏm trên những cây cầu phao cũ nát”, phản ánh tình trạng xuống cấp của hệ thống cầu phao dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Sau khi báo đăng, Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô đã nhận được Công văn số 3666/SGTVT-VP của Sở GTVT Hà Nội.

Theo đó, Sở GTVT khẳng định: Sở đã kiểm tra, thống kê hiện trạng cầu phao trên địa bàn thành phố theo thông tin báo chí nêu. Qua thống kê, hiện thành phố có 20 cầu phao, bao gồm: Mỹ Đức (9 chiếc), Ứng Hòa (10 chiếc), Sóc Sơn (1 chiếc). Cầu phao chủ yếu có kết cấu bằng thuyền bê tông cốt thép, mặt lát gỗ, lan can thép được nhân dân xây dựng tự phát để phục vụ dân sinh (xe đạp, xe máy và người đi bộ) của nhân dân địa phương các xã Bột Xuyên, Đại Hưng, Việt Long… thuộc các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn.

Hiện nay, các cầu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng do nhu cầu của người dân nên vẫn chưa thể xóa bỏ ngay những cây cầu này. Là cầu tạm nên tuổi thọ cầu tương đối thấp, việc duy tu, duy trì cầu phao chủ yếu do nhân dân hoặc các tổ chức, cá nhân nhận thầu khoán, có sự quản lý của nhà nước, chính quyền địa phương.

Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định khi lưu thông trên cầu phao. Ảnh Định Luyện

Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định khi lưu thông trên cầu phao. Ảnh Định Luyện

Những năm qua, Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số cầu yếu cũng như xây dựng mới một số cầu nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp hoặc xóa đi một số cầu tự chế, cầu phao không đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố như: Cầu Đồng Dài, Thuần Lương, Yên Trình, Văn Phương, Phương Trạch, Bìm, Trôi…

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã triển khai thực hiện hoàn thành khoảng 30 cầu giao thông nông thôn, sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (cầu Cam Thượng, cầu Bã, cầu Tân Dân, cầu Anh Trỗi…)

Sở GTVT cho biết: Hiện nay, cũng như trong giai đoạn tới, việc đầu tư xây dựng các cầu mới nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp hoặc xóa đi một số cầu tự chế, cầu phao… không đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn là dùng nguồn vốn ngân sách thành phố, ngân sách huyện (theo phân cấp).

Thành phố cũng đã và đang quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng mới, hoàn thành một số cầu trong giai đoạn 2016 – 2018 như: cầu Ba Thá, cầu Mỹ Hòa (Bột Xuyên), cầu Bầu, cầu Quảng Tái, cầu Đông Trằm, cầu Tri Phú, Phú Tiên, Hoàng Thanh, Đầm Mơ, Ngọc Động, Đào Xuyên…

Các cầu phao dân sinh thường không đảm bảo an toàn, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa bão. Ảnh Đinh Luyện

Ngoài ra, kể từ năm 2015 thành phố đã bắt đầu sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ để xây dựng một số cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông như: cầu Ba Quân, cầu Cộng (thị xã Sơn Tây), cầu Đồng Hoàng (quận Hà Đông). Khi thực hiện đầu tư hoàn thành các cây cầu này thì việc đi lại của nhân dân sẽ thuận lợi, cơ bản thay thế các cây cầu tự chế (chủ yếu trên sông Đáy và sông Nhuệ).

Tuy vậy, Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định: Với nhu cầu dân sinh cục bộ tại các khu vực cần thiết có cầu, với nguồn lực kinh tế chưa đáp ứng việc xây dựng đồng bộ hệ thống cầu đường mới nên việc xóa bỏ các cầu phao chưa thực hiện được ngay, các địa phương phải tiến hành thực hiện quản lý về chất lượng an toàn giao thộng để phục vụ dân sinh.

Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định khi lưu thông trên cầu, đảm bảo an toàn giao thông, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/so-gtvt-ha-noi-chua-the-xoa-bo-ngay-nhung-cay-cau-phao-59652.html