Sợ hãi với… thủ tục làm "người điên"

Xin được mở đầu bài viết này bằng hai cái tin kiểu “hồi âm bài báo”: Hai bệnh nhân đặc biệt vừa được công nhận là “người điên” - sau hành trình dài chiến đấu với trăm ngàn thứ thủ tục “trần đời có một”.

Cả hai vụ việc đều người huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và việc tiến tới được công nhận là “người điên” của họ đều có sự tham gia nòng cốt của… các nhà báo.

Một trong hai người điên đó là nhân vật chính trong phóng sự “Mở cũi cho lòng nhân” đã đăng báo Lao Động số ra ngày 24.7.2010, anh Lê Văn Nga - người đã bị cùm cả hai chân trong căn phòng hôi thối suốt 2.500 ngày. Những tưởng cái gì béo bở lợi lộc thì mới phải “chạy chọt cửa nọ cửa kia”, ai dè, để được công nhận là bệnh nhân tâm thần, hai nhân vật khốn khổ của chúng tôi đã phải trải qua đủ những hành động điên khùng nhất, như: Nhiều lần đốt nhà để xem… tro bụi, đâm lãnh đạo công an thủng bụng, đào mả bố và mả ông bà lên… xem xương, ăn rác rưởi ngoài chợ huyện...

Nỗi buồn khi lòng nhân được “mở cũi”!

Trong căn bếp rộng vài mét vuông, ẩm thấp, nồng nặc xú uế, Lê Văn Nga (xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê) ngồi bần thần, thở nặng nhọc. Nga vừa được gia đình và chính quyền xã, huyện, tỉnh phối hợp cưa bỏ cái cùm kinh dị sau 2.700 ngày nó hành hạ anh đến thân tàn ma dại. Sau bài viết trên báo Lao Động, đã có 25 triệu đồng được độc giả gửi đến cho ông Phiên (bố Nga) xây sửa nhà cửa. Nhưng tiền thì có nghĩa gì với Nga. Bởi (như đã viết) suốt hơn 6 năm qua, Nga liên tục bị cùm, không cựa quậy hai chân, không thể đứng lên được lần nào.

Chiếc cùm từng tra tấn Lê Văn Nga suốt 2.500 ngày, giờ đã được phá, anh ta đã trở thành bệnh nhân tâm thần có sổ, được phát thuốc và hưởng trợ cấp hằng tháng.

Anh ta chỉ có thể nằm và ngồi ngắm hai ống chân, bàn chân bị cùm của mình teo tóp dần. Da hoại tử thối inh, hai chân đùi chỉ còn da bọc xương bé xíu như cẳng tay. Nga ăn và phóng uế tại chỗ. Quần cộc thì mặc bằng cách cắt đũng thả từ trên đầu xuống. Càng ngày bệnh điên loạn càng nặng, trong khi gia đình ông Phiên có tới 3 đứa con điên (em trai Nga còn giết vợ ném xuống giếng, hiện đang sống cùng nhà). Nga từng vác gậy bổ vào đầu ông bố già ngoài 70 tuổi của mình, đến nỗi ông bất tỉnh nhân sự, khâu 8 mũi trên đỉnh đầu, nằm Bệnh viện huyện Cẩm Khê 3 tháng giời. Nga cũng đâm thủng bụng lãnh đạo công an xã, tấn công kinh hãi với gần như đủ cả 7 - 8 ông bà hàng xóm xung quanh.

Và, ông Phiên nhờ cán bộ và bà con đóng cùm giam Nga lại cũng là việc “nước mắt chảy vào trong”, đau lắm. Điều đáng oán trách hơn là: Trong vụ này, cán bộ cơ sở, ít ra là lãnh đạo xã, ngành y tế và ngành lao động - thương binh - xã hội của Phú Thọ quá đã vô trách nhiệm. Nói rộng hơn là lỗi ở cách mà tất cả chúng ta ban hành và thực thi các quy định về quản lý sao cho hiệu quả và nhân ái đối với các bệnh nhân tâm thần “điên hết cỡ”. Em trai Nga (Lê Văn Nghĩa) điên loạn dùng chày gỗ đập chết vợ, ném xuống giếng, cái chết ấy là do ai? Nga trở thành “ác quỷ” trong mắt hàng trăm nạn nhân của anh ta, lỗi là do ai? Không thể đổ lỗi cho những người điên được.

Lập luận này của chúng tôi trong bài viết trước đã được minh chứng là đúng đắn, khi mà vừa qua cán bộ địa phương đã cầm trên tay các bài báo, tìm đến nhà Lê Văn Nga, cưa cùm, khống chế đưa bệnh nhân khốn khổ đi điều trị rồi trao sổ “tâm thần”, hằng tháng tiền trợ cấp được đổ về. Cái vô lý được giải tỏa. Thậm chí vô lý đến mức, ngay trong nhà ông Phiên có 3 người con điên, thì 2 người gây trọng án không được công nhận là bệnh nhân tâm thần, trong khi người con út ù lỳ chỉ thỉnh thoảng gào thét dọa người qua đường - lại nghiễm nhiên được duyệt thủ tục làm người điên.

Ông Phiên năm nay 76 tuổi, lọm khọm ra cảm ơn các nhà báo. Tôi bảo: Khổ thân ông, bao năm cầm đơn lên xã, lên huyện xin cho con được là người điên mà chẳng ai “ban” cho, đến nỗi phải đêm đêm nằm khóc tự đập vào mặt trừng trị mình: “Phiên, mày ác như đế quốc, mày cùm chân con đã 6 năm”. “Thôi thì “được làm người điên” muộn vẫn hơn là... không, ông ạ” - tôi an ủi. Ông Phiên cay đắng: “Nó đang phục hồi dần, mai khỏe lên, có khi nó lại đánh tôi tiếp thì sao?”. Những người có mặt đều ngơ ngác: “Ờ nhỉ”.

Ăn rác, đốt nhà, đánh mẹ, vác cuốc đào mả bố!

Lẽ ra, cưa cùm xong phải đưa Nga đi chữa bệnh và quản lý chứ? Tôi đang lo lắng mình làm phúc phải tội thì nhận được thông tin “len lén vui vui” từ một đồng nghiệp trong nhóm làm phim (đã được giải thưởng), viết sách (đã in), viết báo và làm nhiều hoạt động xã hội để “chiến đấu” cho người điên bớt khổ sở, bớt gây án và bớt chịu nhiều nhẫn tâm vô lý. Đó là chuyện bệnh nhân tâm thần Nguyễn Văn Độ - 54 tuổi, nhà ở khu 10, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ (cách nhà anh Nga độ 5km) - vừa được cán bộ địa phương và đích thân ông Hùng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ - lên khám, làm thủ tục công nhận là “người điên”. Lộ trình của con người với nhiều “chiến tích” kinh hoàng, kinh dị kia được có sổ tâm thần, được Nhà nước cho gần 300.000 đồng/tháng, “được” về Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng chữa bệnh đã bắt đầu được... vạch ra, sau quá trình dài dặc xin xỏ, kiến nghị đầy chua xót.

Ông Nguyễn Văn Độ thường bới rác kiếm đồ ăn ngoài thị trấn Sông Thao.

Ghé thăm. Ông Hữu - em trai ông Độ; em Mạnh - 25 tuổi, con trai ông Độ; bà Hưởng - người mẹ tội nghiệp gần 90 tuổi của ông Độ...; gặp nhà báo ai cũng dớn dác, bất bình. Bà Hưởng rên hừ hừ, hai ngày nay chưa được hột cơm, sự sống dường như cạn nhiều lắm rồi trong căn phòng sực mùi xú khí ấy. Đứa con gái bà gần 40 tuổi, là ngần ấy năm bị câm, động kinh, bại liệt cứ ú ớ trêu ghẹo mẹ. Cô ấy bò dưới sàn nhà, trong khi bà cụ lết đi chậm hơn cả tiếng rên rẩm, “chú cho tôi tiền, tôi đang đói khát, tôi ăn được tiền đâu, có đủ sức đi chợ nữa đâu”. “Thằng Độ nó đốt nhà tôi mấy bận, nó đào mả chồng tôi lên, đào cả ba - bốn cái mả ông bà nó nữa. Nó đào hầm nó sống ngoài vườn. Nó đốt nhà, tôi ra can ngăn, nó đánh tôi vỡ đầu. Rồi vì thế nó bị người ta bắt đi tù những mấy năm giời. Vừa về. Tôi không dám ra vườn gặp nó đâu...”.

Chúng tôi ngậm ngùi ra ngoài vườn, gia đình hàng xóm bỏ chạy hết, đeo cái máy quay trước ngực, tôi dò dẫm xâm nhập lãnh địa kinh dị của người điên Nguyễn Văn Độ. Tôi ghi hình là bởi suy nghĩ: Cố gắng đứng ở chỗ nghe đồn cực kỳ bẩn thỉu và tai ương ấy càng ít càng tốt, nhờ máy quay ghi rồi về xem kỹ lại sau. Đường vào nhà bà Hưởng rộng hơn 1m, nhưng giờ phải bắc thang mới vào được, bởi ông Độ đào hầm khoét ngạch đã nhiều năm. Hàng xóm sợ quá phải rào tường bằng dây thép đan mắt cáo, nhưng ông Độ đào hẳm xuống khỏi mặt đường hơn 1m, thành thử đất đai, công trình xung quanh đều có chân móng lêu đêu, có thể bị sập bất cứ lúc nào. Có người góp ý thì bị ông Độ đánh cho gần chết.

“Lâu đài” của ông Độ nằm ở dưới mặt vườn chừng 2m, ở đó có những cột gạch chín và gạch mộc lở lói như “di tích cổ”, rồi sào tre gỗ, phủ lá chuối khô lên trên. Bên trong treo các buồng chuối chín vàng, các đùm nylon cũ, các con thú đồ chơi trẻ em sặc sỡ sắc màu (nhặt ngoài bãi rác) lên một cách kỳ dị. Có khoảng độ 30 đôi dép cũ bẩn thỉu xếp bầy hầy trước cái cót ép làm giường. Chiếc màn rách hôi thối căng lụp xụp trên... gạch vụn. Bên cạnh, hắm trong lòng đất là một hỏa lò đắp đất với la liệt nồi soong méo mó, một đống túi nylon tanh tưởi khổng lồ đang được châm lửa đốt, khói bốc lên âm thầm dìu dặt với mùi vị vô cùng khó chịu. Tôi rùng mình, lao ra khỏi “thái ấp kỳ quặc” đó với cảm giác buồn nôn. May là hôm nay ông Độ ốm, nằm thiêm thiếp trong hốc đất.

Khu vườn chuối mà ông Độ “ngự trị” không thể nào ra quả được, vì củ chuối bị ông Độ cứ khoét ra ăn dần theo lối của... loài gặm nhấm. Hằng ngày, ông Độ ra bãi rác ngoài chợ huyện Sông Thao (cách địa đạo nhà ông vài trăm mét), lẩn mẩn nhặt con gà chết, chút rau cỏ, thịt thà người ta đổ bỏ, cơm thừa canh cặn về ăn. Có khi ông ta cũng nhỏm nhẻm ăn luôn ngoài bãi rác. Món ông Độ thường ăn nhất là ốc sên sống, ốc sên luộc. Ăn no, ông tiếp tục đào hầm, rồi xuống ao tắm táp, có khi ông ở truồng vài ngày liền. Hễ ai ngó đến khu vực ông Độ “quản lý” là ông vác dao đuổi, vác gạch ném chí mạng. Hàng xóm, ít ai chưa từng bị ông đánh.

Cậu con trai Nguyễn Văn Mạnh của ông Độ tím tái mặt mày vì cố nín không khóc: “Em mang thức ăn về, bố em bỏ thối mới ăn, mà chủ yếu thích ăn đồ ngoài bãi rác. Em đi làm ở Hà Nội, chỉ ao ước bố em được trở thành “người điên” có sổ, có trợ cấp, được vào trung tâm quản lý. Chứ để như thế này, bố em sẽ sớm chết. Em đã nhiều lần viết đơn cho thị trấn, cho huyện, đặc biệt là các cô chú ở phòng lao động - thương binh - xã hội, nhưng...”.

Ông Hữu - em trai ông Độ, nhà ở ngay kề khu “lãnh địa bất khả xâm phạm” của anh trai - thở dài: “Nói xin lỗi nhà báo, tôi sợ ông anh trai bị điên của tôi sẽ ấy chết thối trong “hầm hào công sự” ấy thì nhục!”. Gia đình ông Hữu cho biết, họ đã xin xỏ, kiến nghị cho ông Độ được là người điên có sổ khám - chữa bệnh suốt... mấy thế hệ. Cụ Thuận (bố đẻ ông Độ và ông Hữu) “chạy” mãi không được, chán nản đến khi chết, rồi đến lượt ông Hữu và con trai ông Độ tiếp tục “công trình”. Mãi rồi, phải đến khi các nhà báo vào cuộc, thì thủ tục làm người điên mới có chút hy vọng. Ngày 11.8.2011vừa qua, khi phơi bày sự thật lên các trang báo, đặc biệt là sự “vận động hành lang” của các nhà báo tâm huyết, đoàn công tác của Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ đã về khám, giám định và “giải quyết chế độ chính sách” cho người điên hết cỡ Nguyễn Văn Độ.

Thẳng thắn mà nói, quả là sau vài năm, sau bao lần ngược xuôi đay nghiến, giục giã, phê phán sự vô trách nhiệm của cán bộ cơ sở, chỉ với một mong muốn duy nhất cứu được người điên khỏi thảm cảnh sống không bằng con vật bị ruồng rẫy - bây giờ “cứu” được ông Độ và anh Nga rồi, tôi lại có cảm giác thêm buồn và tuyệt vọng. Chỉ còn biết thở dài: Ôi, quái dị cái “thủ tục làm người điên”.

Đỗ Doãn Hoàng

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/so-hai-voi-thu-tuc-lam-nguoi-dien/66593