'So kè' lợi thế của ông Trump và ông Putin trong cuộc gặp đầu tiên

Cuộc "chạm trán" lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Valdimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đang được dư luận thế giới ngóng chờ.

Tổng thống Trump cho biết, ông muốn tìm cách hợp tác với người đồng cấp phía Nga - mục tiêu vô cùng khó khăn bởi sự khác biệt trong vấn đề Syria và Ukraine, cũng như cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi biểu cảm, cử chỉ và lời nói của 2 nhà lãnh đạo đều sẽ được phân tích để xem liệu một nhà tài phiệt bất động sản, cựu ngôi sao truyền hình thực tế có thể bắt kịp với một cựu điệp viên hay không.

Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo có khả năng lấn át Hội nghị thượng đỉnh G20.

Ông Trump chịu sức ép trong nước

Điều lo ngại là, đội ngũ cố vấn của một người mới trong làng chính trị như ông Trump lại dường như lại có sự chuẩn bị kém kỹ càng hơn so với ông Putin - người từng làm việc với 2 cựu Tổng thống Mỹ cùng nhiều lãnh đạo thế giới khác.

“Kremlin không muốn điều gì hơn là một tuyên bố tích cực sau cuộc gặp từ Tổng thống Mỹ”, Hạ nghị sĩ Adam Schiff của đảng Dân chủ cho biết.

Nhiều chuyên gia nhận định, Tổng thống Trump đang phải chịu sức ép từ Washington buộc phải có động thái cứng tắn với Moscow.

Hôm thứ Năm (6/7), trong bài phát biểu tại Warsaw, Ba Lan, ông Trump đã kêu gọi Nga ngừng "những hoạt động bất ổn" và chấm dứt hỗ trợ cho Syria và Iran. Động thái này đã nhận được sự khen ngợi từ phe “hiếu chiến” của đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - người thường chỉ trích Trump về các vấn đề an ninh - cho rằng, đây là khởi đầu tốt cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trước cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga, 3 thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho Tổng thống bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc" về thông tin chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch thảo luận về việc nối lại hoạt động các cơ sở ngoại giao của Nga ở Maryland và New York mà chính quyền cựu Tổng thống Obama đã thu hồi năm ngoái nhằm phản ứng với cáo buộc cuộc can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Ông Trump cũng đang phải “vật lộn” với vụ thử tên lửa liên lục địa thành công của Triều Tiên. Tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng là ưu tiên hàng đầu của Trump trong chính sách đối ngoại. Tổng thống Mỹ đã gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề này. Ông cũng dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Tổng thống Nga Putin "trên cơ"?

Trong khi đó, tờ New York Times cho rằng, dù kết quả ra sao, cuộc gặp vẫn đem lại nhiều lợi thế cho Nga. Tổng thống Nga Putin chắc chắn có thể làm chủ “sân khấu” và xuất hiện một cách mạnh mẽ. Trong trường hợp cuộc gặp không đem lại nhiều kết quả Moscow có thể cho rằng, ông Trump đang bị chính trị gia trong nước gây áp lực.

Andrei V. Kolesnikov, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định, đây là một tình huống có lợi cho ông Putin.

Tổng thống Nga chắc chắn sẽ xuất hiện với phong thái đĩnh đạc, nhằm mục đích tạo ra mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn và khẳng định lại vai trò của Moscow là ngang bằng với Washington trong các vấn đề toàn cầu.

Nhà bình luận Vladimir Frolov nhận định, ông Putin sẽ cố gắng khai thác lợi thế đó. Tổng thống Nga đã nỗ lực để hạn chế việc Mỹ can thiệp vào các vấn đề toàn cầu mà không cần trao đổi với các cường quốc khác.

Một lợi thế ông Putin có thể đưa ra thương lượng với ông Trump là việc tạo sức ép lên Triều Tiên. Đầu tuần, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố nỗ lực chung để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Dự báo, một thỏa thuận ngừng các cuộc diễn tập quân sự chung của Washington và Seoul sẽ được trao đổi với sức ép kiềm chế chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng từ Moscow. Nhiều thông tin rò rỉ còn cho rằng, ông Putin có khả năng tìm kiếm sự xác nhận của ông Trump về thỏa thuận này trong cuộc gặp.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/so-ke-loi-the-cua-ong-trump-va-ong-putin-trong-cuoc-gap-dau-tien-292346.html