Số phận bi thảm của tàu tuần dương Mỹ

Xác chiếc tàu vận chuyển quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima được tìm thấy dưới đáy Thái Bình Dương, khép lại thảm kịch lớn nhất của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2.

Tuần dương hạm USS Indianapolis của hải quân Mỹ

Tỉ phú Paul Allen, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, công bố đã phát hiện xác tàu tuần dương USS Indianapolis bị tàu ngầm Nhật Bản phóng ngư lôi đánh chìm vào tháng 7.1945, làm 880 người thiệt mạng. Theo thông báo, đội tìm kiếm tìm thấy xác tàu hồi cuối tuần ở độ sâu 5.500 m tại vùng biển phía đông Philippines. Dù tọa độ chính xác được giữ bí mật nhưng tờ Los Angeles Times dẫn các nguồn tin ước tính vị trí này nằm ở khoảng giữa đảo Leyte của Philippines và đảo Guam.

Đây là phát hiện quan trọng, có ý nghĩa khép lại một trong những thảm kịch tồi tệ nhất của hải quân Mỹ. Nỗ lực tìm kiếm trước đây không mang lại kết quả do thiếu thiết bị và xác định sai vị trí. Trong khi đó, đội ngũ của tỉ phú Allen hoạt động trên con tàu Petrel được trang bị nhiều công cụ dò tìm tối tân, bao gồm tàu ngầm không người lái, cũng như mở rộng khu vực tìm kiếm lên đến khoảng 1.500 km2 nhờ những thông tin mới nhất do tiến sĩ sử học Richard Hulver cung cấp.

Ngày 16.7.1945, tuần dương hạm USS Indianapolis cùng 1.196 quân nhân rời cảng San Francisco với nhiệm vụ tuyệt mật là chở các bộ phận quan trọng của bom nguyên tử đến căn cứ Mỹ ở đảo Tinian để chuẩn bị tấn công thành phố Hiroshima. Rạng sáng 30.7.1945, sau khi hoàn thành sứ mệnh, tàu đang trên đường đến Philippines thì bị tàu ngầm I-58 của Nhật do thiếu tá Mochitsura Hashimoto chỉ huy phát hiện và phóng 2 quả ngư lôi trúng đích. Chiếc tuần dương hạm gần 10.000 tấn chìm chỉ trong vòng 12 phút. Gần 900 người nhảy xuống xuồng cứu hộ và không có áo phao. Tuy nhiên, phải hơn 3 ngày sau, máy bay tuần tra Mỹ mới phát hiện những người trôi dạt. Cuối cùng chỉ còn 316 người sống sót, bao gồm thuyền trưởng Charles McVay III. Số còn lại chết vì kiệt sức, đói khát và bị cá mập tấn công. Đáng chú ý là đến ngày 6.8.1945, cả gia đình thiếu tá Hashimoto đều thiệt mạng khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Thuyền trưởng Charles McVay III (trái) và thiếu tá Mochitsura Hashimoto

Tháng 11.1945, ông McVay III trở thành thuyền trưởng duy nhất trong lịch sử hải quân Mỹ phải ra tòa án binh vì để mất tàu trong chiến tranh. Ông bị kết tội thiếu trách nhiệm, không cho tàu chạy theo hình zích zắc để tránh bị tấn công, nhưng được miễn hình phạt. Ngay thời điểm đó, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh vụ xử. Bản thân ông Hashimoto cũng ra làm chứng khẳng định thuyền trưởng McVay III không thể làm gì khác để tránh khỏi thảm họa. Theo giới sử gia, vụ chìm tàu USS Indianapolis là hậu quả của một loạt bất cập trong hệ thống triển khai nhiệm vụ, chỉ huy, thông tin liên lạc của hải quân Mỹ và ông McVay III bị mang ra làm “dê tế thần”.

Bản án oan khiến vị thuyền trưởng chịu nhiều áp lực và ông tự sát vào năm 1968 ở tuổi 70. Đến năm 1998, để tham dự một cuộc thi về lịch sử, một học sinh 12 tuổi ở Florida tên Hunter Scott bắt đầu tìm hiểu về tàu USS Indianapolis. Cậu càng lúc càng bị cuốn hút và cuối cùng đã phỏng vấn 150 quân nhân còn sống, nghiên cứu hơn 800 tài liệu để đưa đến kết luận thuyền trưởng McVay III cần được minh oan. Với sự ủng hộ của hạ nghị sĩ Joe Scarborough, Scott công bố nghiên cứu của mình và ra điều trần trước quốc hội Mỹ. Sau đó, thân nhân những người trên tàu và cả thiếu tá Nhật Hashimoto ký thỉnh nguyện thư về minh oan cho thuyền trưởng McVay III. Ngày 30.10.2000, Tổng thống Bill Clinton ký sắc lệnh giải tội cho vị thuyền trưởng, 5 ngày sau khi ông Hashimoto qua đời ở tuổi 91.

Trang USNI hôm qua dẫn lời ông Arthur Leenerman (93 tuổi), một trong những thủy thủ còn sống, cho biết: “Tôi đã mong ước điều này mấy chục năm qua. Tôi tin rằng phát hiện mới sẽ giúp gia đình những người đã mất phần nào nguôi ngoai”. Trong khi đó, Earl O'Dell Henry Jr., con trai thiếu tá Earl O'Dell Henry, nói ông coi con tàu là nấm mồ của cha mình. “Tôi lặng người đi và khóc khi nghe tin”, ông kể.

Theo tỉ phú Paul Allen, tàu Petrel sẽ tiếp tục tiến hành thăm dò và ghi hình toàn khu vực trong vài tuần tới nhưng ông không đề cập khả năng trục vớt. “Tôi hy vọng tất cả những người liên quan với con tàu lịch sử này có thể cảm thấy bi kịch đã khép lại”, ông nói.

Khánh An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/so-phan-bi-tham-cua-tau-tuan-duong-my-867756.html