Sơ tán hàng vạn người dân phòng tránh bão số 10

Rạng sáng 15-9, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trời mưa to, gió lớn. Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chủ động ứng phó với bão số 10.

Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh sơ tán dân khỏi địa bàn nguy hiểm. Ảnh: Viết Lam

Sơ tán dân là nhiệm vụ cấp bách

Ngày 14-9, tại Nghệ An, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn trực tiếp xuống địa bàn xung yếu đôn đốc phòng chống lụt bão. Hiện tại, 100% tàu thuyền và lao động trên biển đã được lực lượng BĐBP kêu gọi vào bờ trú bão an toàn. Nghệ An đã lên kế hoạch chi tiết di dân, theo đó nếu bão đổ bộ vào Nghệ An có sức gió giật cấp 13 kết hợp triều cường thì sẽ di dời tại chỗ khoảng 18.000 người, tập trung ở các địa phương ven biển như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Trong quá trình kiểm tra tại địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Nghệ An cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã làm rất tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 10. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã đưa ra phương án, kế hoạch rất cụ thể. Đặc biệt là việc di dời dân ở các địa bàn xung yếu luôn sẵn sàng khi cần thiết”.

BĐBP Nghệ An được xác định là đơn vị chuyên trách, nòng cốt trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Đơn vị đã duy trì 100% quân số cùng phương tiện sẵn sàng cơ động nhận nhiệm vụ. Đặc biệt, ở các đồn BP: Quỳnh Phương, Quỳnh Thuận, Diễn Thành, cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy, cùng với công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào bờ tránh trú bão thì một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn được cử giúp dân gia cố nhà cửa.

Tối 14-9, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cửa Lò - Bến Thủy triển khai lực lượng đến các gia đình có hoàn cảnh neo đơn, chính sách để giúp dân chuẩn bị chống bão. Bà Bùi Thị Trọng, 68 tuổi, Khối 1, Phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò cho biết: “Tôi là cựu thanh niên xung phong sống một mình. Nghe tin cơn bão số 10, tôi rất lo lắng nên nhờ hàng xóm vận chuyển bao cát đè trên mái tôn. Rất may lực lượng BĐBP đã có mặt kịp thời nên mọi việc được tiến hành rất nhanh".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cảng cửa Lò - Bến Thủy giúp dân gia cố nhà cửa trong đêm 14-9. Ảnh: Viết Lam

Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, công tác sơ tán dân ra khỏi vị trí nguy hiểm được xem là yêu cầu cấp thiết. Trong ngày 14-9, chính quyền địa phương các lực lượng vũ trang đã sơ tán trên 27.000 người, đưa đến các điểm an toàn. Trong đó, tập trung ở các địa phương như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh. Đặc biệt, hơn 11.000 lao động thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng cũng được di chuyển đến các địa điểm an toàn. Phần lớn nhân dân đều được chuyển đến các vị trí như công sở, trường học và các khách sạn….

Tại Quảng Bình, dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời 20.290 hộ/76.069 người dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12-13. Cụ thể: TP Đồng Hới 1.440 hộ/5.054 người; huyện Bố Trạch 5.644 hộ/20.270 người; huyện Quảng Trạch 770 hộ/2.825 người; huyện Quảng Ninh 3.191 hộ/12.184 người; huyện Lệ Thủy 1.622 hộ/5.453 người; huyện Tuyên Hóa 1.586 hộ/5.577 người; huyện Minh Hoá 1.911 hộ/10.704 người và thị xã Ba Đồn 4.126 hộ/14.002 người.

Phòng tránh bão với tinh thần chủ động cao nhất

Mặc dù dự báo bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, song không vì thế mà các địa phương này chủ quan, lơ là.

Nhằm chủ động phòng tránh, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hoạch gần hết diện tích lúa vụ hè thu. Ngày 14-9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các phương án phòng, chống bão số 10 theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các đồn BP tuyến biển đã tăng cường số lần bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, sẵn sàng phương tiện ca nô để phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền vào khu tránh trú an toàn.

Đến 19 giờ ngày 14-9, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành việc sơ tán, di dời khoảng 26.977 hộ dân/106.104 nhân khẩu ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn; chủ động dự trữ hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 10.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diezel và 30.000 lít dầu hỏa…

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 15-9.

Các phương tiện neo đậu an toàn tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Trúc Hà

Tại Đà Nẵng, lực lượng BĐBP và Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang triển khai kiểm đếm, sắp xếp neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung vào tránh trú bão số 10. Tổ chức ứng phó trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi trú tránh an toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng bố trí 450 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện túc trực sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Lúc 9 giờ ngày 14-9, trên hành trình đi tránh trú bão số 10, tàu ĐNa 90875TS do ông Nguyễn Cu, trú tại số 23 đường Đào Duy Kỳ, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, bị hỏng máy ở vùng biển Thừa Thiên Huế. Do gió bão mạnh, tàu trôi dạt về phía Đông với tốc độ nhanh (gần 3 hải lý/giờ), tàu mất khả năng cơ động, thuyền trưởng đã liên lạc yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.

Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá ĐNa 90875 về Đà Nẵng về đất liền an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã lập tức cho phát thông báo hàng hải khẩn cấp, phối hợp với BĐBP Đà Nẵng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng kêu gọi tàu thuyền gần khu vực hỗ trợ đồng thời điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn. Sau nhiều giờ chạy đua với thời gian, tàu SAR 412 đã cứu được 11 thuyền viên và hỗ trợ lai dắt đưa tàu ĐNa 90875 TS cập cảng X50 - Đà Nẵng an toàn vào chiều cùng ngày.

Tại Quảng Nam, để đối phó với bão số 10, ngày 14-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó bão, đặc biệt chú ý đến tình hình tàu thuyền trên biển. BĐBP Quảng Nam đã liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án ứng phó phù hợp. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, tiến hành kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa, kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Viết Lam - Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/so-tan-hang-van-nguoi-dan-phong-tranh-bao-so-10/