Số vụ vi phạm ở Hà Nội giảm mạnh

(VOV) - Ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô đã được nâng lên rõ rệt, đa số chấp hành tốt luật giao thông đường bộ.

Ngày 20/5 vừa qua, Nghị định 34 CP về tăng mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đã được triển khai trên toàn quốc, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Sau một tuần thực hiện, tình hình giao thông trật tự và số vụ vi phạm về giao thông trên địa bàn Thủ đô đã giảm rõ rệt. Tại hầu hết các tuyến đường, người tham gia giao thông đã có ý thức hơn sau khi các lực lượng chức năng tiến hành xử lý các lỗi vi phạm về giao thông. Tại các ngã ba, ngã tư, người tham gia giao thông đã dừng, đỗ xe đúng vạch, rất ít trường hợp vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… Ông Nguyễn Văn Định, nhà ở phố Chùa Bộc cho biết: “Từ khi triển khai Nghị định 34, tình hình giao thông tại Thủ đô đã có chuyển biến rõ rệt. Mỗi khi tôi muốn đi bộ sang đường không còn sợ va chạm xe nữa. Nhưng khi không có cảnh sát giao thông, vẫn còn tình trạng một số thanh niên đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Tôi mong muốn trong thời gian tới lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm những trường hợp này”. Báo cáo của Đội Tham mưu tổng hợp, Thanh tra giao thông thành phố Hà Nội cho thấy: sau 1 tuần triển khai, lực lượng Liên ngành đã xử phạt 9.517 trường hợp vi phạm; phạt tiền, nộp kho bạc gần 4 tỷ đồng; tạm giữ 67 xe ô tô, hơn 100 xe mô tô, thu giữ 2.307 bộ giấy tờ xe các loại. Mặc dù Nghị định 34 mới có hiệu lực và được các đơn vị triển khai chưa lâu nhưng phần nào đã có tác dụng tích cực tới ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Ví dụ trên nhiều tuyến đường như Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Văn Cao, Phạm Văn Đồng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… trước đây nhiều phương tiện dừng đỗ sai quy định nay đã giảm. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Đội trưởng Đội thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm cho biết: “Để nhân dân có ý thức chấp hành thực hiện tốt Nghị định 34, tôi cho rằng phương pháp hiệu quả nhất là phải tiến hành vận động và tuyên truyền. Trong trường hợp chúng ta đã vận động, tuyên truyền mà một số người không có ý thức chấp hành thì mới dùng đến các biện pháp cưỡng chế để răn đe, giáo dục. Nếu có được sự thống nhất nhiệm vụ cụ thể tới từng cấp, ngành, từng địa phương, cơ quan chức năng và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan này, gắn với trách nhiệm từng người, tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Nghị định 34”. Đa số những lỗi vi phạm vẫn là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm nhưng không cài dây an toàn; điều khiển ô tô không thắt dây an toàn; và các lỗi đi sai phần đường, dừng đỗ sai quy định... Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng tường tuyên truyền đến mọi người dân để chấp hành tốt nhất là với thanh niên, sinh viên, học sinh các cấp. Trung tá Bùi Đức Thắng, Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 1, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Nghị định 34 đã được tuyên truyền đến mọi người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều người mắc lỗi vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ. Do vậy, khi xử lý vi phạm, cán bộ chức năng phải có trách nhiệm giải thích cho người sai phạm thấy được lỗi vi phạm của mình”. Trung tá Bùi Đức Thắng cũng cho biết, trong thời gian tới, Đội Cản sát giao thông số 1 tiếp tục giám sát, làm tốt một số tuyến phố như phố Lý Thường Kiệt và tập trung xử lý một số thanh, thiếu niên cố tình không đội mũ bảo hiểm, tụ tập dưới lòng đường trước cửa trường Việt Đức và trường Nguyễn Du. Sau 1 tuần triển khai thực hiện Nghị định 34, có thể khẳng định, ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt, đa số đã chấp hành tốt luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo thành một nét đẹp văn hóa, một thói quen mỗi khi tham gia giao thông./. Phi Long - Như Trang

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/so-vu-vi-pham-o-ha-noi-giam-manh/20105/145089.vov